"Mẫu số" nào cho đô thị ven sông Hồng?
Quy hoạch phân khu sông Hồng sẽ theo hướng trục vành đai xanh, cảnh quan đô thị, tạo không gian đặc thù, hài hòa của TP để phát triển cho cả 2 bên sông.
Gần 30 năm trước, TP Hà Nội thai nghén dự án quy hoạch sông Hồng. Từ dự án Trấn Sông Hồng năm 1994 của nhà đầu tư Singapore với đề xuất xây dựng một khu dân cư hiện đại với các cao ốc là một quần thể gồm nhà ở, văn phòng thương mại, khách sạn, khu vui chơi và sinh hoạt cộng đồng ngoài đê An Dương Vương.
Quy hoạch sông Hồng của Hàn Quốc không còn phù hợp
Đến đồ án của Seoul (Hàn Quốc) hồi năm 2006 với thỏa thuận hợp tác quy hoạch, cải tạo và phát triển hai bên bờ sông Hồng, đoạn chảy qua Hà Nội. Theo tính toán của đơn vị tư vấn, dự án thành phố bên sông Hồng chia theo 4 khu vực với tổng diện tích 1.500 ha, tổng vốn đầu tư hơn 7,1 tỷ USD, triển khai từ năm 2008 đến năm 2020.
Tuy nhiên, theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, đồ án của phía Hàn Quốc đã từng đưa ra chú trọng vào thành phố hiện đại, cao tầng do quỹ đất lúc đó còn ít. Hiện Hà Nội đã mở rộng địa giới hành chính, không gian phát triển của thủ đô rất rộng, không việc gì phải chất tải công trình dọc sông Hồng.
Thay vào đó, Bí thư Hà Nội cho biết quy hoạch sẽ theo hướng tích hợp cả quy hoạch đê điều, quy hoạch phòng chống lũ để từng bước giải quyết các vướng mắc về dân sinh. Khi quy hoạch sông Hồng được phê duyệt, các sở, ngành TP phân loại danh mục công trình cơ sở của người dân và tài sản công dọc tuyến này để có chính sách.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, TS. Trần Minh Tùng - Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng cho biết, đất để xây nhà thì Hà Nội không thiếu nhưng đất để giúp Hà Nội trở thành một thành phố thực sự là “xanh - sạch - đẹp” thì lại đang thiếu.
Với những đặc tính của quỹ đất ven sông, nên chăng Thành phố Sông Hồng sẽ là một thành phố của màu xanh với các công viên nông nghiệp vừa kết hợp giữa tính chất giải trí, nghỉ ngơi của công viên vừa giúp tăng màu xanh và tăng thu nhập của người dân thông qua việc trồng trọt các loại cây xanh nông nghiệp, tận dụng độ màu mỡ của đất đai, đồng thời cung ứng tại chỗ các nguồn nông sản sạch.
Thêm vào đó, dòng sông cũng lưu trữ nhiều giá trị về văn hóa, lịch sử, truyền thống. Nếu bây giờ xây dựng hàng loạt nhà cao tầng lên đó, vô hình trung vùi lấp phần nào những giá trị lịch sử, những giá trị cảnh quan đặc trưng của dòng sông để chạy theo những giá trị kinh tế hiện đại, đồng thời lãng phí một nguồn tài nguyên rất lớn.
Phát triển không gian công cộng thay vì cao ốc
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Vũ Phương, Trưởng khoa Kiến trúc trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, “nhất cận thị, nhì cận giang” là xu hướng phát triển đô thị của nhiều thành phố trên thế giới.
Song, bởi dòng chảy không ổn định, do đó những vùng đất bồi hai bên sông Hồng rất yếu cho nên không thể xây dựng quá nhiều tòa nhà trên đó. Nếu mật độ quá dày sẽ ảnh hưởng đến nền đất khu vực bờ sông và mất an toàn đê điều.
“Ở Châu Âu, thành phố Warsaw (thủ đô Ba Lan) có một con sông khá lớn như sông Hồng, họ đã từng kè sông để phát triển đô thị, nhưng bờ kè đó đã được tháo dỡ để con sông tự nhiên trở lại” – ông Phương lấy dẫn chứng.
Vị chuyên gia cũng lưu ý, sông Hồng có lưu lượng nước lớn và hung dữ, do đó cách tiếp cận đối với sông Hồng cũng phải khác với những con sông nằm trong đô thị trên thế giới. Do đó, các cơ quan cần đồng thời nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế kết hợp quy hoạch và phải đặt mục đích chống lũ lên hàng đầu.
Thực tiễn cũng đã minh chứng với các dòng sông lớn, lưu vực sông lớn như sông Hồng, “mẫu số chung” chính là phát triển không gian công cộng thay vì cao ốc. Đơn cử như sông Hudson - một dòng sông sâu bất thường dài khoảng 500km, chia đôi hai bờ Đông - Tây TP New York. Tại thời điểm thành phố chưa phát triển toàn diện, bất động sản ven sông của New York đã thuộc hàng cao nhất Hoa Kỳ. Điều này đã gây ra sự cạnh tranh gay gắt từ lợi ích thương mại, xu hướng phát triển cao ốc.
Trước thực trạng này, Sở Quy hoạch TP New York giai đoạn 2003 – 2012 đã đấu tranh cho ra đời loạt công viên có nhiều cây xanh và chỗ ngồi quanh khu vực ven sông đắt đỏ. Bà Amanda Burden - cựu Giám đốc Sở Quy hoạch TP New York khẳng định, các tòa nhà cao tầng có thể đem đến nhiều tiền hơn cho TP, nhưng một đô thị cần có tầm nhìn xa về những điều tốt đẹp cho cả một cộng đồng.
“Các không gian công cộng cần những con người có tầm nhìn, trước hết là giành chúng cho nhu cầu công cộng, và sau đó là thiết kế chúng theo nhu cầu của cộng đồng, đảm bảo rằng chúng không bị chiếm dụng hay bỏ phí”, nhà quy hoạch đô thị Amanda Burden nhắn nhủ.
Có thể bạn quan tâm
Dự án đô thị ven sông Hồng (KỲ IV): Thành phố ven sông - tại sao không?
14:48, 21/01/2019
Dự án đô thị ven sông Hồng (KỲ CUỐI): Bài toán dứt khoát phải giải
10:45, 23/01/2019
Ì ạch quy hoạch thành phố ven sông Hồng (KỲ VI): Kinh nghiệm thế giới và lời cảnh tỉnh đô thị ven sông
15:00, 28/08/2020
Ì ạch quy hoạch thành phố ven sông Hồng (KỲ V): Quy hoạch chờ quy hoạch
17:30, 27/08/2020
Ì ạch quy hoạch thành phố ven sông Hồng (KỲ IV): Đa dạng hóa công năng đô thị
11:05, 26/08/2020
Ì ạch quy hoạch thành phố ven sông Hồng (KỲ III): Tận dụng nguồn lực từ doanh nghiệp
05:00, 25/08/2020