Ì ạch quy hoạch thành phố ven sông Hồng (KỲ V): Quy hoạch chờ quy hoạch

TSKH.KTS ĐÀO NGỌC NGHIÊM - Nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội. Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam 27/08/2020 17:30

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ vừa đặt vấn đề trong định hướng Chiến lược phát triển Thủ đô sẽ tập trung hoàn thiện quy hoạch và quản lý quy hoạch; phát triển, liên kết Vùng Thủ đô...

Giấc mơ về thành phố ven sông Hồng sau hơn 2 thập kỷ đến nay vẫn dở dang và đau đáu. 

Nguyên nhân sâu xa của sự chậm chạp này có thể khẳng định là do quy hoạch đang chờ các quy hoạch khác. Từ bản quy hoạch năm 1992 đến bản quy hoạch năm 1998, TP Hà Nội đã xác định rất rõ mục tiêu phát triển thành phố ở hai bên bờ sông và đặt sông Hồng vào vị trí trung tâm của Hà Nội.

Giấc mơ dang dở

Sang tới năm 2011, khi Bộ Chính trị, Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ thông qua bản quy hoạch Hà Nội mới đã một lần nữa xác định “trục không gian 2 bên sông Hồng là trục trung tâm quan trọng của Hà Nội”. Sau đó, năm 2012, Hà Nội cũng đã phê duyệt nhiệm vụ thiết kế phân khu sông Hồng. Chủ trương này cũng đã được thống nhất trong các Luật Thủ đô năm 1998 và năm 2013.

Như vậy có thể thể thấy, không phải bây giờ Hà Nội mới bắt tay vào làm lại quy hoạch thành phố 2 bên bờ sông Hồng mà đây là sự kế thừa để tiếp tục. Tuy nhiên, hiện nay, đây không phải việc dễ để làm trong ngày một ngày hai và cần phải có sự quyết tâm của cả Hà Nội, các Bộ ngành và Trung ương.

 Phối cảnh khu vực 2 hữu ngạn. Nguồn- Dự án quy hoạch cơ bản phát triển sông Hồng - 2007

Phối cảnh khu vực 2 hữu ngạn. Nguồn- Dự án quy hoạch cơ bản phát triển sông Hồng - 2007

Vấn đề lớn nhất cần giải quyết là tình trạng quy hoạch này đang treo quy hoạch kia hiện nay. Đầu tiên và lớn nhất cần phải giải quyết chính là xây dựng được bản quy hoạch thoát lũ và hệ thống đê điều. Đồng thời Chính phủ phải sớm phê duyệt các phương án quy hoạch vùng.

Phân tầng Quy hoạch theo Luật Quy hoạch mới ban hành, phải có quy hoạch Quốc gia, quy hoạch ngành sau mới lấy căn cứ lập quy hoạch vùng và địa phương. Hiện nay khi Hà Nội xây dựng quy hoạch tích hợp của Hà Nội thì vướng là Chính phủ chưa thông qua quy hoạch ngành về thoát lũ và đê điều.

Một khi giải quyết được các điểm nghẽn trên thì Hà Nội mới có thể hoàn thành được quy hoạch tích hợp Thủ đô theo Luật Quy hoạch. Hai việc này phải được triển khai có trình tự thì việc xây dựng thành phố 2 bên sông mới phù hợp với các quy định về quy hoạch hiện hành.

Thành phố chờ Bộ?

Đối với riêng quy hoạch Vùng cũng chưa có sự thống nhất là Hà Nội sẽ nằm trong vùng nào, Vùng Thủ đô hay Vùng Đồng bằng Sông Hồng mở rộng.

Hiện nay, muốn xúc tiến dự án thành phố ven sông thì cần có phải phối hợp chặt chẽ giữa UBND thành phố Hà Nội và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để Bộ NN&PTNT làm dứt điểm quy hoạch thoát lũ và quy hoạch đê điều nhằm thông đường cho quy hoạch vùng và quy hoạch đô thị ven sông.

Một vấn đề nữa đang đặt ra là theo Luật Quy hoạch thì quy hoạch sông Hồng phải đảm bảo sự phù hợp với Quy hoạch các dòng sông có Quốc gia gọi là quy hoạch thoát nước, thủy lợi, thoát lũ Quốc gia. Tuy nhiên, hiện quy hoạch này là chưa có.

Đối với mỗi dòng sông cũng phải có quy hoạch thoát nước riêng. Điểm khó là các dòng sông thường chảy qua rất nhiều địa phương, thậm chí xuyên quốc gia, như sông Hồng có một phần ở Trung Quốc chảy sang Việt Nam lại chảy ra rất nhiều tỉnh, thành phố. Do đó, lập quy hoạch của các dòng sông cũng cần sự thống nhất giữa các địa phương chứ không thể giao cho địa phương nào tự làm quy hoạch cho khúc sông chảy qua địa phương đó được.

Trường hợp này, đã có bài học khi như trước đây khi Hà Nội chưa mở rộng, đã có quy hoạch đoạn sông Hồng chảy qua nhưng khi mở rộng, nhiều ý kiến cho rằng, tại sao khu vực hạ lưu phỉa Hà Tây cũ lại chịu ứng ngập để đảm bảo an toàn cho nội thành. Đó chỉ là một quy hoạch thoát nước, dòng chảy của sông Hồng, liên quan đến thành phố ven sông còn được điều chỉnh bởi rất nhiều quy hoạch khác, quy hoạch này vô tình có khi lại đang treo quy hoạch kia.

Theo Luật Quy hoạch mới thì chúng ta sẽ hướng đến việc xây dựng một quy hoạch tích hợp và những quy hoạch gì trái với quy hoạch này đều bị hủy, không còn hiệu lực. Nhưng có một điểm là những quy hoạch ngành còn thời gian hiệu lực mà tuân thủ theo quy hoạch chung thì vẫn tiếp tục thực hiện. Chẳng hạn như quy hoạch xây dựng của Hà Nội hiện nay là đến 2030, tầm nhìn 2050. Vậy vấn đề đặt ra là điều chỉnh các quy hoạch ngành này trước hay là sau quy hoạch chung.

Vấn đề này lại quay lại câu chuyện không chỉ của Hà Nội hiện nay mà là câu chuyện chung của cả nước là quy hoạch đang chờ quy hoạch. Đối với Hà Nội, theo quy định, phải có quy hoạch vùng thì các địa phương, trong đó có Hà Nội mới được xây dựng quy hoạch. Nhưng tới nay Chính phủ chưa thông qua quy hoạch vùng thì Hà Nội chưa thể có quy hoạch riêng.

Có thể bạn quan tâm

  • Ì ạch quy hoạch thành phố ven sông Hồng (KỲ IV): Đa dạng hóa công năng đô thị

    Ì ạch quy hoạch thành phố ven sông Hồng (KỲ IV): Đa dạng hóa công năng đô thị

    11:05, 26/08/2020

  • Ì ạch quy hoạch thành phố ven sông Hồng (KỲ III): Tận dụng nguồn lực từ doanh nghiệp

    Ì ạch quy hoạch thành phố ven sông Hồng (KỲ III): Tận dụng nguồn lực từ doanh nghiệp

    05:00, 25/08/2020

  • Ì ạch quy hoạch thành phố ven sông Hồng (KỲ II):

    Ì ạch quy hoạch thành phố ven sông Hồng (KỲ II): "Phá băng" sự trì trệ

    08:30, 24/08/2020

  • Ì ạch quy hoạch thành phố ven sông (KỲ I): “Lỡ dở” sông Hồng

    Ì ạch quy hoạch thành phố ven sông (KỲ I): “Lỡ dở” sông Hồng

    05:00, 24/08/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Ì ạch quy hoạch thành phố ven sông Hồng (KỲ V): Quy hoạch chờ quy hoạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO