TP.HCM "cởi trói" cho 61 dự án bất động sản
Để tháo gỡ khó khăn cho 61 dự án đang bị ách tắc về thủ tục pháp lý, UBND TP.HCM ra thời hạn xử lý hồ sơ cho doanh nghiệp trước ngày 15/4/2021.
Mới đây, văn phòng UBND TP.HCM phát công văn về kết luận của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong liên quan đến việc chỉ đạo các Sở, ngành tháo gỡ khó khăn cho 61 dự án trên địa bàn thành phố.
Trong đó, Chủ tịch UBND TP.HCM giao Sở Kế hoạch Đầu tư nghiên cứu, báo cáo Tổ công tác đầu tư thành phố xem xét giải quyết 61 hồ sơ dự án do Sở Xây dựng chuyển sang để tháo gỡ cho doanh nghiệp trước ngày 15/4/2021. Sở Xây dựng có trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ cho Sở Kế hoạch đầu tư thực hiện.
Trước đó, hồi tháng 2/2020, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) đã có văn bản gửi UBND TP.HCM, trong đó thống kê của Hiệp hội này cho thấy, chỉ riêng năm 2020, Sở Xây dựng đã chuyển tổng cộng 61 dự án sang Sở Kế hoạch - Đầu tư để thực hiện thủ tục “quyết định chủ trương đầu tư dự án”.
Thế nhưng, không có dự án nào được Sở này trình lên UBND TP.HCM để ban hành “quyết định chủ trương đầu tư dự án”. Nguyên nhân là do vướng mắc về dự án đầu tư, dự án bất động sản, nhà ở có quỹ đất hỗn hợp (bao gồm đất ở, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, xen kẽ các thửa đất do Nhà nước quản lý trong dự án).
HoREA cho biết, có dự án dù không vướng “đất công”, nhưng nhà đầu tư “được” Sở Kế hoạch - Đầu tư yêu cầu bổ sung hồ sơ nhiều lần. Đến nay, Sở Kế hoạch - Đầu tư vẫn chưa trình lên UBND TP.HCM để ban hành “quyết định chủ trương đầu tư dự án”. Điều này đã gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp trong bối cảnh bị tác động bởi đại dịch.
Hiện tại, các vướng mắc này đã được Luật Đầu tư 2020, Nghị định 148/2020/NĐ-CP xử lý. Do vậy, HoREA đề nghị Sở Kế hoạch - Đầu tư sớm giải quyết các hồ sơ dự án đã được Sở Xây dựng chuyển đến để thực hiện thủ tục “chấp thuận chủ trương đầu tư dự án”.
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã phản ánh, sự ra đời của Nghị định 148/2020/NÐ-CP sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Ðất đai đã dấy lên hi vọng cho các dự án ở TP.HCM có thể "hồi sinh". Song, dù đã có hiệu lực từ ngày 8/2/2021, tuy nhiên đến nay câu trả lời mà doanh nghiệp có dự án ách tắc vì đất công xen kẹt vẫn là "chờ thông tư hướng dẫn".
Theo nhận định của giới chuyên gia, bên cạnh những tác động tiêu cực của dịch COVID-19 thì khó khăn lớn nhất của thị trường bất động sản TP.HCM trong năm 2020 chính là các điểm nghẽn về pháp lý. Việc vướng pháp lý khiến các chủ đầu tư phải đối diện với nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính đang phải "còng lưng" gánh lãi hàng ngày.
Điều này cũng tác động không nhỏ khiến nguồn cung bất động sản giảm mạnh, doanh nghiệp giảm doanh thu. Kéo theo đó sẽ tác động không tốt đến thị trường bất động sản, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của thành phố.
Theo đó, với các động thái nhằm gỡ vướng thủ tục pháp lý cho 61 dự án được phản ánh trên, doanh nghiệp và các chuyên gia kỳ vọng sẽ giúp khơi thông thị trường bất động sản, góp phần bình ổn nguồn cung và giá nhà trong thời gian tới.
Có thể bạn quan tâm