Quyền chủ đầu tư với hạ tầng xã hội dự án

Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) 01/04/2021 17:29

Hiện nay, chủ đầu tư dự án nhà ở, khu đô thị không được đảm bảo quyền được đầu tư kinh doanh đối với các lô đất trong dự án được quy hoạch để thực hiện các công trình giáo dục,

y tế, thể dục thể thao, công viên phục vụ vui chơi giải trí có kinh doanh.

Thiếu cơ chế trách nhiệm

Trong lúc, chủ đầu tư dự án khu nhà ở, khu dân cư, khu đô thị mới là người bỏ vốn thực hiện giải phóng mặt bằng để có quỹ đất dự án và cũng là người bỏ vốn đầu tư xây dựng toàn bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của dự án, thì họ lại không có quyền quyết định đầu tư kinh doanh phần hạ tầng xã hội phục vụ dự án.

Theo nguyên lý trách nhiệm, lẽ ra chủ đầu tư phải có quyền ưu tiên lựa chọn được đầu tư kinh doanh tất cả các sản phẩm được tạo ra từ dự án, bao gồm các phần đất giáo dục, y tế, thể dục thể thao, công viên phục vụ vui chơi giải trí. Hoặc chủ đầu tư quyết định không đầu tư kinh doanh mà tự nguyện bàn giao các phần hạ tầng này cho địa phương quản lý.

Mặc dù đã có các quy định pháp luật về “quyền của chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại”, được quy định tại Luật Đất đai năm 2013, Luật Nhà ở năm 2014 cùng nhiều Nghị định của Chính phủ. Nhưng, trên thực tế từ năm 2014 đến nay, các chủ đầu tư dự án khu nhà ở, khu dân cư, khu đô thị mới trên địa bàn TP.HCM không được quyền đầu tư các phần đất nói trên trong dự án.

Do đó, chủ đầu tư không thực hiện được đầy đủ trách nhiệm xây dựng các cơ sở dịch vụ, tiện ích trong dự án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cũng không thực hiện được cam kết với khách hàng, dẫn đến tình trạng khiếu kiện gây mất trật tự xã hội và làm ảnh hưởng đến uy tín của chủ đầu tư.

Dù bỏ số tiền lớn để bồi thường giải tỏa cho phần đất trường học, công viên trong khu đô thị nhưng nhiều chủ đầu tư dự án vẫn phải chờ thủ tục… đấu thầu.

Chính sách sát thực tiễn

Đơn cử như Dự án công viên chuyên đề (công viên nước) tại Khu dân cư - công viên giải trí phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức, do Công ty CP Đầu tư Địa ốc Vạn Phúc làm chủ đầu tư. Điểm bất cập là quỹ đất của dự án, trong đó có công viên chuyên đề do Công ty Vạn Phúc tự bỏ vốn tạo lập, tự đầu tư kết cấu hạ tầng, nhưng lại không được tự đầu tư kinh doanh. Hơn nữa, quỹ đất này cũng không phải là “đất công”, thì tại sao lại được Nhà nước tổ chức đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư? (Văn bản 7990/2018 của UBND TP.HCM).

Do vậy, rất cần thiết phải bổ sung quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện thẩm định đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị. Bên cạnh đó, cũng rất cần thiết bổ sung “Dự án sản xuất kinh doanh mới có tính chất thử nghiệm trong không gian và thời gian có giới hạn (Sandbox), để khuyến khích hoạt động đầu tư sáng tạo có tính “mới”.

Có thể bạn quan tâm

  • Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú: Tín dụng cho bất động sản tăng nhanh

    Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú: Tín dụng cho bất động sản tăng nhanh

    21:04, 31/03/2021

  • Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Tín dụng cho bất động sản được kiểm soát chặt chẽ

    Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Tín dụng cho bất động sản được kiểm soát chặt chẽ

    19:40, 31/03/2021

  • [GIẢI MÃ CƠN SỐT ĐẤT]: 7 dòng tiền lớn đang đổ vào bất động sản

    [GIẢI MÃ CƠN SỐT ĐẤT]: 7 dòng tiền lớn đang đổ vào bất động sản

    07:00, 31/03/2021

Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA)