Chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở giá thấp: Tư duy chính sách mới
Bộ trưởng Xây dựng NGUYỄN THANH NGHỊ cho biết, một trong những ưu tiên của Bộ Xây dựng trong giai đoạn tới là hạ nhiệt giá nhà.
LTS: Bộ Xây dựng sẽ thay đổi căn bản tư duy về đề xuất cơ chế chính sách, các giải pháp về phát triển nhà ở và thị trường bất động sản; đặc biệt là tháo gỡ khó khăn cho việc phát triển nhà ở xã hội, nhà thương mại có giá phù hợp.
Trong 5 năm (2016-2020), cả nước đã xây dựng hơn 5,21 triệu m2, khoảng 104.000 căn hộ nhà ở xã hội, mới chỉ đạt được khoảng 41,7% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 (12,5 triệu m2).
- Hiện cơ cấu sản phẩm bất động sản đang chưa hợp lý, thiếu gay gắt nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp là do đâu thưa Bộ trưởng?
Thứ nhất, do cơ chế chính sách phát triển nhà ở nói chung và nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp chưa đồng bộ, chưa đủ mạnh, có một số điểm chưa phù hợp với cơ chế thị trường, chưa khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Thứ hai, một số cơ chế chính sách về thuế, tín dụng, đất đai còn bất cập ảnh hưởng đến việc huy động nguồn lực cho thị trường.
- Trong nhiệm kỳ mới, ưu tiên hành động của Bộ Xây dựng là gì thưa ông?
Bộ Xây dựng sẽ tập trung xây dựng mới Chiến lược nhà ở quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; thay đổi căn bản tư duy về đề xuất pháp luật, cơ chế chính sách, các giải pháp về phát triển nhà ở và thị trường bất động sản; đặc biệt là tháo gỡ khó khăn cho việc phát triển nhà ở xã hội, nhà thương mại có giá phù hợp, đáp ứng nhu cầu và khả năng chi trả của các nhóm đối tượng. Hoàn chỉnh, bổ sung Nghị định sửa đổi Nghị định về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, trình Chính phủ thông qua và triển khai thực hiện.
Hiện Bộ đã có văn bản đề nghị các địa phương báo cáo kết quả thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia tại địa phương. Trên cơ sở các báo cáo này, Bộ sẽ tổng hợp thực trạng, khó khăn bất cập và đề xuất các giải pháp chính sách trong quá trình nghiên cứu sửa đổi Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia mới để trình Chính phủ ban hành Chiến lược nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030 vào quý IV/2021.
- Để thúc đẩy phát triển nhà ở giá thấp, Bộ Xây dựng sẽ có những giải pháp gì?
Liên quan tới nguồn vốn, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, sớm bố trí nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại để cho vay nhà ở xã hội và bổ sung nguồn vốn cho Ngân hàng chính sách xã hội để cho vay nhà ở xã hội. Sẽ đề nghị bổ sung khoảng 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị quyết số 71/2018/QH14 và khoảng 2.000 tỷ đồng cho các tổ chức tín dụng để thực hiện hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội.
Đối với việc phát triển nhà ở thương mại giá thấp (căn hộ chung cư có quy mô dưới 70m2, giá bán không vượt quá 20 triệu đồng/m2), Bộ đã xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về giải pháp khuyến khích phát triển các dự án nhà ở thương mại giá thấp, trong đó tập trung vào một số ưu đãi: Về quy hoạch, bố trí quỹ đất; thủ tục đầu tư xây dựng; và cơ chế huy động vốn…
Công tác xây dựng thể chế đảm bảo tuân thủ đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ phải quyết liệt, chủ động sửa đổi ngay các văn bản quy phạm pháp luật có vướng mắc, cản trở sự phát triển, không phù hợp thực tiễn, kể cả các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành.
- Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Có thể bạn quan tâm
“Nghịch lý” chiến lược nhà giá thấp
11:00, 28/02/2021
Phát triển nhà giá thấp cần sự vào cuộc đồng bộ
06:35, 19/02/2021
Thúc đẩy nguồn cung nhà giá rẻ
14:00, 19/02/2021
Không ép doanh nghiệp đầu tư nhà giá rẻ
07:00, 21/01/2021
Sài Gòn “tuyệt chủng” nhà giá rẻ
07:00, 01/06/2020
Nhà giá rẻ sẽ khởi sắc
06:30, 08/02/2020