Xử lý chủ đầu tư bàn giao nhà khi chưa đủ điều kiện: Bài học từ chung cư Monarchy
Các chuyên gia cho rằng, việc chính quyền mạnh tay yêu cầu người dân phải di dời khỏi nơi ở chưa được nghiệm thu, đồng thời xử phạt nặng chủ đầu tư mới đủ sức răn đe.
Mới đây, trước các sai phạm về quy định bàn giao căn hộ tại chung cư Monarchy, đường Trần Hưng Đạo, phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, Đà Nẵng, UBND quận Sơn Trà đã tổ chức cuộc họp các bên liên quan về vấn đề liên quan đến hoạt động của chung cư Monarchy (khối nhà B).
Chủ đầu tư “nhờn luật”
Theo đó, hơn 300 cư dân sẽ phải di dời khỏi chung cư này. Vụ việc này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với các chủ đầu tư lẫn cư dân trong việc chấp hành quy định về bàn giao, vận hành căn hộ chung cư.
Trên thực tế, việc các chủ đầu tư ngang nhiên bàn giao căn hộ, đưa người dân vào ở khi dự án chưa đủ điều kiện là vấn đề nhức nhối hiện nay. Việc này không chỉ xảy ra ở Đà Nẵng mà tại các TP lớn như Hà Nội, TP HCM, tình trạng trên cũng xảy ra thường xuyên, gây ảnh hưởng đến công tác trị an và trở thành tiền lệ xấu.
Tại Hà Nội, thời gian qua 2 dự án chung cư liên tục được chỉ mặt điểm tên về sai phạm chưa đủ điều kiện đã đưa dân vào ở chính là dự án Hinode City số 201 Minh Khai của Tổng công ty CP Thương mại và Xây dựng Viettracimex va dự án Green Pearl số 378 Minh Khai của CTCP nhà Phong Phú - Daewwon - Thủ Đức.
Liên quan tới xử lý sai phạm tại dự án Hinode City UBND quận Hai Bà Trưng quyết định xử phạt vi phạm hành chính 75 triệu đồng đối với Vietracimex vì hành vi bàn giao, đưa công trình vào sử dụng khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan chức năng.
Tuy nhiên, đáng nói dù xác nhận các sai phạm và nhìn nhận rõ nguy cơ tiềm ẩn về phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự của hàng nghìn hộ dân tại đây, song dự án sau đó vẫn tiếp tục được vận hành như cũ. Và dường như đây chỉ là kiểu “phạt cho tồn tại”.
Điều này cũng đã dẫn đến hệ lụy khi các chủ đầu tư khác cũng “nối đuôi” sai phạm, ngang nhiên đưa người dân vào ở chung cư khi chưa được phép. Trong đó có thể kể đến chung cư Beasky Nguyễn Xiển của chủ đầu tư Công ty cổ phần Đại Đông Á cũng vừa bị phản ánh dù chưa được nghiệm thu PCCC nhưng chủ đầu tư vẫn bàn giao căn hộ cho người dân vào ở.
Chính quyền mạnh tay xử phạt
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, một chuyên gia bất động sản cho biết, chủ đầu tư chỉ được phép bàn giao nhà khi công trình căn hộ/nhà phố nói riêng và các công trình thuộc dự án nói chung đã được nghiệm thu và bảo đảm các yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng, an toàn theo quy định của dự án được cấp phép.
Việc chủ đầu tư ngang nhiên phạm luật, bàn giao căn hộ đưa người dân vào ở thực tế chỉ là cách để thu tiền từ người dân, số tiền phải đóng 95% và 2% quỹ bảo trì. Cùng với đó là việc để người dân không tố cáo, biểu tình trong trường hợp dự án chậm tiến độ bàn giao theo như cam kết.
Vị chuyên gia cho rằng, nhìn từ trường hợp của chung cư Monarchy, nếu như chính quyền mạnh tay yêu cầu người dân phải di dời khỏi nơi ở chưa được nghiệm thu, đồng thời xử phạt chủ đầu tư thì mới đủ sức răn đe.
Đồng quan điểm, Luật sư Nguyễn Thành Luân – Giám đốc Công ty TNHH luật Hà Việt cũng cho rằng, khi bàn giao công trình sớm cho cư dân không những thu được tiền đợt cuối, quỹ bảo trì, mà còn tránh được việc bàn giao nhà cho khách hàng chậm hơn so với cam kết trong hợp đồng, mà điều này có thể dẫn tới tranh chấp pháp lý, chủ đầu tư phải trả lãi bàn giao chậm.
Vị luật sư cho rằng, để tránh tình trạng đưa cư dân vào ở khi dự án chưa được nghiệm thu, dễ dẫn đến tiền lệ xấu và “nhờn luật”, cơ quan chức năng cần có chế tài xử nghiêm đối với hành vi cố tình bàn giao nhà khi chưa đủ điều kiện. Một mặt vừa có cơ chế phạt tiền, mặt khác cần phải nghiêm túc giám sát, buộc chủ đầu tư dừng việc bàn giao nhà, thu tiền của khách hàng cho tới khi dự án đủ điều kiện bàn giao.
Vị luật sư cũng cảnh báo, đa phần những dự án chưa được nghiệm thu đều liên quan đến hệ thống PCCC chưa đủ quy định, các công trình phụ trợ của dự án chưa hoàn thành như trong giấy phép được cấp… Nếu cư dân nhận nhà tại những dự án chưa được nghiệm thu như vậy có thể gặp nguy hiểm, chưa kể sau khi bàn giao nhà cho cư dân xong, chủ đầu tư cố tình chây ỳ, không xây dựng các hạng mục phụ trợ cho cư dân.
Do đó, người dân cũng cần tự bảo vệ chính mình và tài sản chỉ nên nhận căn hộ, dọn vào ở khi chủ đầu tư có thể cung cấp đủ giấy tờ nghiệm thu. Trường hợp chủ đầu tư chưa thể cung cấp đủ giấy tờ nghiệm thu mà đã bàn giao đưa người dân vào ở, cần báo cáo chính quyền địa phương để có phương án xử lý và bảo vệ quyền lợi của mình.
Có thể bạn quan tâm