Tối ưu lợi nhuận từ khu công nghiệp: Quản lý nguồn nhân lực chính là chìa khóa
Sự xuất hiện của các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) đã mang đến diện mạo mới. Tuy nhiên, lợi nhuận từ KCN, CCN chưa được tối ưu vì các chủ đầu tư đã bỏ ngỏ vấn đề quản lý nguồn nhân lực.
Thành tích ấn tượng nhưng chưa đủ
Hơn 30 năm phát triển mô hình KCN đã mang đến cho Việt Nam không ít kinh nghiệm và bài học. Hiện tại, hầu hết các dịch vụ liên quan đến sản xuất như cơ sở hạ tầng, điện, nước, công nghệ xử lý nước thải, phòng cháy chữa cháy,...đều được đầu tư đúng mức. Thậm chí, nhiều chủ đầu tư còn hỗ trợ các doanh nghiệp quốc tế trong việc hoàn thiện các thủ tục, giấy tờ hành chính với các cấp chính quyền địa phương để có thể vận hành sản xuất trong thời gian sớm nhất.
Chính nhờ những nỗ lực cải tiến liên tục, năm 2020, hệ thống KCN tại Việt Nam đang là điểm đến của hàng ngàn doanh nghiệp đến từ 122 quốc gia và vùng lãnh thổ theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Trong đó, nhiều quốc gia đã rót hàng tỉ đô vốn đầu tư vào Việt Nam như Singapore với gần 9 tỉ USD, Hàn Quốc đứng thứ hai với trên 3,9 tỉ USD, Trung Quốc đứng vị trí thứ ba với 2,46 tỉ USD...Những con số ấn tượng này cho thấy, môi trường đầu tư tại Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể. Thành tích này chắc hẳn có sự góp sức không nhỏ của các KCN, CCN tại Việt Nam.
Tuy nhiên, hệ thống KCN, CCN Việt Nam vẫn tồn tại những bất cập, gây ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của kinh tế nước nhà. Trong đó, sự thiếu hụt dịch vụ cho công nhân, người lao động như phúc lợi xã hội, nhà ở, đào tạo,...chính là lỗ hổng lớn nhất. Tình trạng công nhân bỏ việc vì thiếu nhà ở, không có trường mẫu giáo cho con em công nhân, thiếu các hoạt động vui chơi giải trí,...khiến nhiều KCN chưa thu hút được một bộ phận lao động, ảnh hưởng đến lợi nhuận của chủ đầu tư.
Nói cách khác, giữa công nhân và doanh nghiệp đang có một khoảng cách nhất định và thiếu một cầu nối giúp nói lên tâm tư, nguyện vọng để tìm được tiếng nói chung. Và có lẽ, chủ đầu tư các KCN, CCN là người thích hợp nhất với vai trò này.
Đáng nói là tình trạng này diễn ra âm thầm, dai dẳng, có nguy cơ trở thành điểm yếu lớn của hệ thống KCN, CCN Việt Nam. Nếu điều đó xảy ra không chỉ các nhà đầu tư chán nản, Việt Nam cũng thiệt hại đáng kể khi chưa củng cố được dịch vụ liên quan đến con người.
Cần cuộc cách mạng về quản lý nhân lực trong KCN, CCN
Chủ đầu tư KCN, CCN chính là người bạn đồng hành tin cậy của các doanh nghiệp quốc tế với hàng loạt dịch vụ thiết yếu. Do đó, các chủ đầu tư KCN, CCN không nên coi đây đơn thuần là kinh doanh bất động sản mà còn là xây dựng sự tin yêu của nhà đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam mà mỗi chủ đầu tư là một đại sứ.
Sau đợt bùng phát Covid-19 mới đây, vấn đề quản lý nguồn nhân lực tại các KCN, CCN đã trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Vì vậy, đây là thời điểm vàng để các chủ đầu tư chuyển mình với một cuộc cách mạng về quản lý nhân lực trong KCN, CCN tại Việt Nam. Nếu như chủ đầu tư đang tận dụng tài nguyên đất để cho thuê sinh lời thì với dịch vụ quản lý nguồn nhân lực, chủ đầu tư còn có thể khai thác tài nguyên con người, hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng, đào tạo các công nhân chất lượng, níu chân doanh nghiệp ở lại Việt Nam.
Hiện tại, có rất ít KCN, CCN thực hiện công tác này nhưng nếu có thể triển khai đồng bộ, nó sẽ dỡ bỏ rào cản ngôn ngữ, văn hóa giữa doanh nghiệp và công nhân. Đặc biệt, trong quá trình tuyển dụng, đào tạo tay nghề, chủ đầu tư có thể lưu ý công nhân về những vấn đề biểu tình, đình công - vốn phổ biến ở nước ngoài, đảm bảo việc vận hành ổn định của doanh nghiệp.
Đối với vấn đề đào tạo, năm 2020, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng đã kết nối với các nhà trường và doanh nghiệp để có các buổi trao đổi, gặp gỡ với sinh viên nhằm làm rõ cung - cầu nguồn nhân lực. Về lâu dài, thành phố thực hiện một số giải pháp như: dự báo nhu cầu thị trường lao động; phối hợp giữa Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo phát triển nhân lực.
Cùng với đó, khi đóng vai trò là công đoàn chung cho các doanh nghiệp hoạt động bên trong, chủ đầu tư KCN, CCN sẽ tạo ra một cộng đồng có tính kết nối, từ đó tăng tính đoàn kết, chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc sống. Nhờ đó, những hoạt động vui chơi, lễ hội cho công nhân sẽ được đầu tư công phu và có sức lan tỏa lớn hơn, giúp người lao động thêm tin tưởng vào nhà tuyển dụng, từ đó thúc đẩy năng suất lao động trong mỗi người. Ngoài ra, việc thường xuyên sát sao, nắm bắt tâm tư, tình cảm của công nhân cũng giúp chủ đầu tư và doanh nghiệp kiểm soát được tiến độ công việc, đưa ra giải pháp xử lý giúp công nhân yên tâm làm việc và cống hiến.
Bên cạnh đó, nhiều KCN, CCN cũng đang xúc tiến xây dựng nhà ở cho công nhân. Tuy nhiên, đây vẫn là thách thức vì theo báo cáo của Bộ Xây dựng, cả nước có 1.040 dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp tại đô thị và công nhân KCN, KCX. Trong đó, đã hoàn thành 248 dự án với hơn 103.500 căn hộ, đạt khoảng 41,4% so mục tiêu đề ra.
Theo ông Lưu Tuấn Anh, thành viên HĐQT của Công ty cổ phần HT Việt Nga - đơn vị đang có ý định đầu tư hạ tầng vào một số CCN của khu vực phía Bắc, quan trọng nhất khi triển khai dịch vụ này đó là tạo điều kiện cho công nhân được học hỏi, tiếp xúc với phong cách làm việc chuyên nghiệp của nước ngoài. Sau khi thành thạo nghề và sở hữu phong cách làm việc chuyên nghiệp, họ chính là nguồn nhân lực chất lượng cao, có đóng góp lớn cho sự phát triển của doanh nghiệp trong nước.
Công ty cổ phần HT Việt Nga cũng đang thí điểm mô hình đào tạo công nhân về ngoại ngữ, tác phong làm việc,...nhằm mang đến nguồn nhân lực chất lượng cho nhà đầu tư. Ngoài ra, ông Lưu Tuấn Anh cũng nhấn mạnh, nhiều KCN được xây dựng gần nhau trên cùng địa bàn nên để mời gọi nhà đầu tư, các KCN phải có điểm mạnh thực sự mà năng lực quản lý nguồn nhân lực là một trong số đó.
Hiện tại, một số đơn vị và cá nhân đang hoạt động trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp có ý tưởng thành lập Hiệp hội bất động sản công nghiệp Việt Nam để cùng trao đổi, thảo luận về những vấn đề liên quan giúp cải thiện môi trường đầu tư cũng như tối ưu hóa lợi nhuận của các khu công nghiệp.
Bên cạnh đó, hiệp hội còn có tăng cường tính kết nối giữa chủ đầu tư và doanh nghiệp vì đây là nền tảng sống còn cho thành công của hai bên. Nếu có thể thực hiện được mục tiêu này, chắc chắn vấn đề quản lý nguồn nhân lực sẽ được giải quyết, giúp nâng tầm môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm
Quản lý nguồn nhân lực trong khu công nghiệp: Không bây giờ thì bao giờ?
14:00, 30/05/2021
Hải Phòng: Không để dịch bệnh xâm nhập vào các khu công nghiệp
01:36, 31/05/2021
Bắc Ninh: “Đi trước, chặn đầu,” phòng dịch tại khu công nghiệp ở mức cao nhất
11:15, 01/06/2021
Gián đoạn chuỗi sản xuất và cung ứng khu công nghiệp (Kỳ III): “Hiệu đính” các gói hỗ trợ
11:30, 31/05/2021