Rẻ hơn nhiều so với TP.HCM, giá nhà đất Hà Nội trở thành “vàng” trong mắt nhà đầu tư
Hiện giá bất động sản tại TP HCM đã vượt xa Hà Nội với mức chênh lệch khoảng 30%.
Theo số liệu của các đơn vị phân tích thị trường lớn như CBRE, Savills, JLL giá bình quân chung cư trên thị trường sơ cấp tại TP.HCM đang ở mức 45 triệu đồng/m2, trong khi ở Hà Nội có giá 32 triệu đồng/m2.
Từ đầu năm 2019, TP.HCM đã vắng bóng nguồn cung mới của các dự án nhà ở bình dân giá dưới 24 triệu đồng/m2. Tuy nhiên ở phân khúc này, đầu năm 2020 Hà Nội vẫn có nguồn hàng ra mắt thị trường.
Khảo sát mức giá ở một dự án cao cấp tại khu Ngã Tư Sở, quận Thanh Xuân, cách trung tâm Hoàn Kiếm hơn 5 km cho thấy chung cư cao cấp có mức giá 35-45 triệu đồng/m2. Trong khi đó, ở cùng phân khúc tại quận 2, TP.HCM, một số chung cư trên đường Xa Lộ Hà Nội, cách trung tâm 10 km đang được giao dịch ở mức 40-50 triệu đồng/m2. Trong bán kính 5 km đến trung tâm, nhiều dự án ở TP.HCM đã tăng giá đến 75-90 triệu đồng/m2.
Còn ở phân khúc thấp tầng, khoảng 10 năm trước, bán một ngôi nhà tại Hà Nội có thể mua được 2 căn nhà có diện tích tương tự tại TP.HCM. Tuy nhiên, sau cuộc khủng hoảng giai đoạn 2011-2012, thị trường bất động sản nhà ở tại TP.HCM bắt đầu có biến động mạnh về giá. Đặc biệt, trong 5 năm qua, giá nhà đất tại TP.HCM tăng liên tục đã khiến nhiều lô đất tại đây dù có cùng khoảng cách đến khu trung tâm nhưng giá đắt gấp rưỡi so với Hà Nội.
Báo cáo về chỉ số giá bất động sản của Hà Nội và TP.HCM, mới đây Property Guru và Batdongsan.com cũng cho biết chỉ số của TP.HCM liên tục tăng mạnh từ năm 2018 đến nay. Tại TPHCM, chỉ số này luôn ở mức tăng từ 26-28% kể từ quý 4/2019. Trong khi đó, mức tăng của Hà Nội giai đoạn này chỉ nằm ở mức 6-8%. Khoảng cách chỉ số giá bất động sản giữa Hà Nội và TP.HCM luôn nằm ở mức 10%.
Ông Nguyễn Quốc Anh – Phó TGĐ Property Guru Việt Nam nhận định giá bất động sản giữa TP.HCM và Hà Nội đang có sự chênh lệch khá xa: "Mức chênh lệch này thể hiện rất rõ trong đợt dịch Covid-19 vừa qua với làn sóng dịch chuyển đầu tư từ miền Nam ra miền Bắc của một số nhà đầu tư cá nhân. Covid-19 khiến hiệu suất cho thuê của TP.HCM sụt giảm mạnh mẽ, riêng nhóm căn hộ và nhà phố cho thuê giảm đến 15 - 20% đã khiến nhiều nhà đầu tư muốn rút khỏi thị trường".
Quan sát thực tế trên thị trường hiện nay cho thấy, nhiều nhà đầu tư sau một thời gian “đánh bắt xa bờ” hiện đang có xu hướng trở về Hà Nội. Trong bối cảnh phân khúc căn hộ chung cư đang bị giảm giá mạnh do hàng tồn kho nhiều và ế khách thuê do dịch Covid thì phân khúc nhà đất lại được nhà đầu tư quan tâm mạnh mẽ, đặc biệt là những khu vực có hạ tầng tốt.
Tại khu vực phía Tây Hà Nội, thống kê của 10 sàn Bất động sản khu vực Hoài Đức, Hà Đông đều cho thấy nhà đầu tư đã lãi từ 20-50% nếu mua nhà đất tại các khu vực Nam An Khánh, Bắc An Khánh trong vòng hơn 1 năm vừa qua. Cá biệt có nhà đầu tư đã nhân đôi tài khoản khi xuống tiền mua biệt thự, liền kề vào thời điểm đầu năm 2019 và chốt lời đầu năm 2021.
Tại một số dự án shophouse, liền kề là nguồn cung mới khu vực phía Tây cũng chứng kiến sự tăng giá mạnh mẽ. Điển hình như dự án An Lạc Symphony, KĐT Vườn Cam dù thuộc huyện Hoài Đức nhưng giá các căn liền kề tại đây cũng ở mức gần 100 triệu đồng/m2. Khu vực Hà Đông với nguồn cung duy nhất là Him Lam Vạn Phúc cũng tạo sóng trên thị trường khi các căn shophouse hai mặt tiền đã hoàn thiện xây thô tại đây đã tăng 15-20% so với giá mở bán thời điểm trước Tết Nguyên đán Tân Sửu.
“Chưa bao giờ thanh khoản phân khúc thấp tầng trong các khu đô thị lại tốt như thời gian qua. Tại Him Lam Vạn Phúc mức độ thanh khoản mỗi đợt mở bán lên đến 80-90% lượng hàng tung ra. Him Lam Vạn Phúc là nguồn cung nhà đất trong khu đô thị duy nhất trong vòng 1 năm qua tại khu vực tam giác vàng của bất động sản phía Tây gồm Thanh Xuân – Mỹ Đình – Hà Đông” - đại diện Nhà phát triển và kinh doanh Him Lam Land chia sẻ với PV.
Không chỉ khu vực phía Tây, nhiều khu vực khác tại Hà Nội như khu Đông và khu Nam cũng đang hút mạnh nhà đầu tư do thông tin Hà Nội vừa khởi động lại đồ án quy hoạch sông Hồng. Theo dự báo, quy hoạch hai bên bờ sông Hồng sẽ tạo quỹ đất lên đến hàng nghìn ha, cung cấp nguồn cung khổng lồ cho thị trường bất động sản đang khan hiếm hàng mới.
Cùng với khu Tây và khu Đông hiện nay nhiều nhà đầu tư cũng đang tìm đến khu vực phía Bắc, khu vực có hàng loạt khu đô thị hoang bị lãng quên sau cơn sốt bất động sản cách đây 10 năm. Động thái nhà đầu tư tìm kiếm ngay cả những nguồn cung trên thị trường thứ cấp từ cách đây cả thập kỷ đã cho thấy thị trường đang thiếu nguồn cung mới trầm trọng trong khi nhu cầu khách mua, nhà đầu tư liên tục tăng cao.
Có thể thấy, từ năm 2020 khi thị trường bất động sản Hà Nội đã bắt đầu chứng kiến sự tăng giá trở lại sau làn sóng nhà đầu tư đổ về săn đất. Theo các chuyên gia, từ nay đến hết năm 2022 sẽ là giai đoạn bất động sản Hà Nội tiếp tục thiết lập mặt bằng giá mới khi dòng tiền của nhà đầu tư đang đổ về mạnh mẽ, rút ngắn khoảng cách giá giữa Hà Nội và TP.HCM. Đây cũng là giai đoạn vàng cho nhà đầu tư nếu muốn kiếm tiền trên thị trường bất động sản.
Có thể bạn quan tâm
Quy hoạch bờ sông Hồng: Bất động sản Hà Nội có phát triển nóng như Seoul?
11:50, 19/04/2021
Bất động sản Hà Nội hấp dẫn các “ông lớn” Sài Thành
04:00, 16/10/2020
Bất động sản Hà Nội có sức hút riêng
06:00, 19/06/2020
Bất động sản Hà Nội diễn biến ra sao sau đại dịch?
12:43, 20/05/2020
Bất động sản Hà Nội đang dịch chuyển về phía Đông Nam
17:30, 17/02/2020