Dứt điểm nạn “bóp méo” quy hoạch: Cần luật hóa thành tội danh công trình sai phép
Cần quy định một tội cụ thể đối với hành vi xây dựng sai phép, sai quy hoạch của pháp nhân.
LTS: Qua kiểm toán Chuyên đề việc quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng tại các đô thị giai đoạn 2017 - 2020, thực hiện năm 2021, Kiểm toán Nhà nước khu vực I đã chỉ rõ nhiều sai phạm liên quan đến công tác quy hoạch và “bóp méo” quy hoạch tại một số địa phương.
Hiện nay, các dự án bất động sản có sai phạm về quy hoạch và xây dựng khá phổ biến và đã có quy định xử phạt. Nghị định số 121/2013/NĐ-CP buộc nộp lại 50% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép, sai thiết kế đã được phê duyệt.
Khoản 4 Điều 12 Luật Xây dựng 2014 cũng quy định nghiêm cấm hành vi xây dựng công trình không đúng với quy hoạch xây dựng đã được công bố, trừ trường hợp có giấy phép xây dựng có thời hạn. Mức xử phạt đến 50.000.000 đồng đối với nhiều hành vi vi phạm.
Có thể kể đến như: xây dựng công trình sai thiết kế đã được phê duyệt; hành vi vi phạm xây dựng công tình sai quy hoạch xây dựng hoặc thiết kế đô thị đối với công trình xây dựng được miễn giấy phép xây dựng.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tại một số địa phương, công tác quản lý xây dựng theo quy hoạch còn lỏng lẻo, nhiều công trình còn được chính quyền cơ sở bao che cho việc xây dựng. Việc phá dỡ công trình vi phạm trong trường hợp này rất khó khăn và gây lãng phí tiền và tài sản của người dân.
Một giải pháp quan trọng, đó là các ngành chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn để kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm, triệt để các hành vi phạm; cương quyết phá dỡ, tổ chức cưỡng chế phá dỡ các công trình xây dựng không phép để răn đe, ngăn ngừa các hành vi vi phạm.
Việc chỉ xử phạt hành chính đối với các công ty, doanh nghiệp có công trình xây dựng sai phép là chưa thỏa đáng, chưa đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, đồng thời tạo tiền lệ xấu trong công tác quản lý về trật tự xây dựng. Do đó, thiết nghĩ, cần quy định một tội cụ thể đối với hành vi xây dựng sai phép, sai quy hoạch của pháp nhân.
Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công khai, minh bạch các chính sách liên quan đến xây dựng như: quy hoạch, đất đai, tài chính…, nhất là việc đấu giá các khu đất vàng tại các đô thị, quy trách nhiệm người đứng đầu trong việc để xảy ra tình trạng vi phạm xây dựng, quy hoạch.
Có thể bạn quan tâm