Hà Nội hoàn chỉnh đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng
UBND TP Hà Nội vừa chỉ đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc chủ trì, phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng, Sở NN&PTNT nghiên cứu, tiếp thu ý kiến, hoàn chỉnh hồ sơ đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng.
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, trên cơ sở ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng tại Văn bản số 4409/BNN-PCTT ngày 14-7-2021, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn có ý kiến chỉ đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc chủ trì, phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Bộ NN&PTNT.
Hoàn chỉnh hồ sơ đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở); tham mưu, báo cáo UBND thành phố, dự thảo văn bản của UBND thành phố Hà Nội xin ý kiến Bộ Xây dựng theo đúng quy trình, quy định, tuân thủ đúng chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy tại Văn bản số 180-TB/TU ngày 22-3-2021.
Đối với các nội dung rà soát phương án phòng, chống lũ các tuyến sông có đê, phương án củng cố hệ thống đê điều trên địa bàn thành phố: Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Viện Quy hoạch xây dựng và các đơn vị có liên quan thực hiện, báo cáo UBND thành phố theo quy định.
Đồng thời, Phó chủ tịch TP Hà Nội giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì khẩn trương triển khai công tác lập Quy hoạch thành phố theo Luật Quy hoạch ngày 21-11-2017 đã được UBND thành phố chỉ đạo tại Văn bản số 5737/VP-ĐT ngày 10-6-2021, trong đó có tích hợp phương án phòng, chống lũ và đê điều; báo cáo UBND thành phố theo quy định.
Trước đó, Bộ NN&PTNT đã có văn bản gửi UBND TP Hà Nội cho ý kiến về quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng.
Trong đó, Bộ NN&PTNT bác phương án đề xuất xây dựng 2 tuyến đường ven sông được kết hợp chức năng là đê ngăn lũ với cao trình mặt đường +12,0 (trên mức lũ báo động 3).
Đối với đề nghị không di dời các khu dân cư Bắc Cầu, Bồ Đề, Bộ NN&PTNT cho rằng, Quy hoạch 257 đã xác định một số khu dân cư nằm sát bờ sông, thuộc khu vực lòng sông co hẹp, tốc độ dòng chảy cao, dễ bị sạt lở gây mất an toàn, khi có lũ cần phải di dời, trong đó có khu dân cư Bắc Cầu, Bồ Đề.
Bên cạnh đó, về phương án cho 3 bãi sông lớn, Bộ này cũng cho biết, với bãi Tàm Xá-Xuân Canh, tổng diện tích đất xây dựng đã vượt quá đất được xây dựng và chưa quy hoạch xây dựng về phía tuyến đê hiện tại theo Quy hoạch 257.
Đối với bãi Thượng Cát - Liên Mạc, Chu Phan - Tráng Việt, tổng diện tích đất quy hoạch xây dựng vượt quá 5% phần diện tích bãi sông có thể nghiên cứu xây dựng. Với một số diện tích đất quy hoạch xây dựng nằm ngoài phạm vi phần bãi sông có thể nghiên cứu xây dựng theo Quy hoạch 257 là không phù hợp.
Đặc biệt, Bộ NN&PTNT đề nghị Hà Nội chỉ đạo triển khai sớm lập phương án phòng chống lũ các tuyến sông có đê, nghiên cứu bổ sung quy hoạch phân khu về đầu tư nâng cấp củng cố hệ thống đê điều thuộc phạm vi quy hoạch. Trong đó ưu tiên xử lý những vị trí trọng điểm, vị trí xung yếu như cống Liên Mạc, khu vực đê Hải Bối…; nghiên cứu quy hoạch hệ thống kè, chỉnh trị dòng chảy kết hợp chỉnh trang bờ bãi sông; xây dựng, lắp đặt trang thiết bị, phần mềm quản lý giám sát hệ thống đê điều; không quy hoạch đất xây dựng tại các khu vực bãi sông không thuộc hoặc có vị trí không phù hợp với danh mục bãi sông được phép xây dựng, có thể nghiên cứu xây dựng tại phụ lục của Quy hoạch 257.
Trước ý kiến của Bộ NN&PTNT, trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, Thạc sĩ Hoàng Minh Sơn - Tổng Công ty cổ phần Vinaconex cho rằng, phát triển đô thị ven sông cũng cần có giải pháp ứng phó lũ của dòng sông. Sở dĩ dòng sông Hồng được bắt nguồn từ Trung Quốc và được tạo thành từ hợp lưu của nhiều con sông trước khi chảy qua Hà Nội, do đó khi triển khai cần lưu ý các giải pháp chống lũ và kiểm soát được cao độ mực nước ảnh hưởng đến khu dân cư.
Ông Sơn cũng bày tỏ quan điểm nên xây dựng hai tuyến đường ven sông Hồng kiêm luôn chức năng đê chính. Đồng thời không gian thoát lũ, tức khoảng cách giữa 2 đê cần phải tính toán để đảm bảo lũ cao nhất không vượt qua được.
Theo ông Sơn, nếu tuyến đường ven sông được hình thành nên áp dụng theo phương thức TOD (Sử dụng tối đa giao thông công cộng trong đô thị, ít phụ thuộc vào giao thông cá nhân) để hạn chế ùn tắc giao thông, mang lại lợi ích nhiều mặt cho cộng đồng dân cư và giảm ô nhiễm môi trường.
Có thể bạn quan tâm
Quy hoạch sông Hồng: Tận dụng đê hiện có làm hai tuyến đường ven sông
16:43, 27/07/2021
Cuối năm 2021, đồ án quy hoạch sông Hồng sẽ được duyệt
04:00, 22/07/2021
Quy hoạch sông Hồng: Bỏ 2 khu dân cư, xây tuyến đường ven sông không hợp lý
01:30, 20/07/2021
Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng vướng phần chống lũ
04:00, 21/06/2021