3 rủi ro thị trường bất động sản TP.HCM
Dự báo trong những tháng còn lại của năm 2021 thị trường bất động sản TP.HCM sẽ bị ảnh hưởng lớn bởi dịch COVID-19, phát triển chậm lại và sẽ có điều chỉnh nhằm giải quyết sự lệch pha cung cầu.
Thị trường bất động sản TP.HCM tiếp tục xảy ra tình trạng tăng giá đất nền cục bộ tại các khu vực có quy hoạch hoặc trở thành các đặc khu, các khu đô thị mới được đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, tại một số dự án nhà ở trung tâm đô thị có tiến độ thi công nhanh. Bên cạnh đó, thị trường đang xuất hiện 3 rủi ro rình rập người mua bất động sản và nhà đầu tư.
Thứ nhất: Một căn hộ bán cho nhiều người. Là tình trạng một bất động sản bị chủ đầu tư, các đơn vị phân phối bán trùng cho nhiều khách hàng khác nhau.
Tình trạng này xuất phát từ sự bất cập của các quy định cũ thuộc Luật Nhà ở 2005, Nghị định 90 do Chính phủ ban hành năm 2006 tạo điều kiện và giao nhiều thẩm quyền cho chủ đầu tư như phê duyệt thiết kế kỹ thuật, phê duyệt dự án, nghiệm thu hoàn thành công trình, huy động vốn... không qua kiểm soát của cơ quan Nhà nước.
Thứ hai: Nhà trên giấy đã "bán lúa non". Đây là hiện tượng dự án chưa hoàn chỉnh thủ tục pháp lý nhưng chủ đầu tư đã tiến hành cho đặt cọc, giữ chỗ, hứa mua hứa bán... diễn ra phổ biến trên thị trường.
Theo khoản 2, điều 55, Luật Kinh doanh Bất động sản năm 2014, trước khi bán, cho thuê mua nhà hình thành trong tương lai, chủ đầu tư phải có văn bản thông báo cho cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh về việc nhà ở đủ điều kiện được bán.
Trong vòng 15 ngày kể từ lúc nhận được thông báo, cơ quan quản lý sẽ trả lời về việc đủ điều kiện bán nhà cho chủ đầu tư, trường hợp không đủ điều kiện bán phải nêu rõ lý do. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều chủ đầu tư đã không thực hiện đủ thủ tục và hồ sơ trình cơ quan thẩm quyền kiểm tra xem xét.
Từ việc bán nhà hình thành trong tương lai chưa đủ điều kiện huy động vốn dẫn đến các trường hợp giao kết hợp đồng dưới các hình thức đặt cọc, giữ chỗ, đăng ký ... nhưng chủ đầu tư không sử dụng vốn để thực hiện xây dựng nhà ở thường xuyên diễn ra.
Thứ ba: Bán nhà nhưng ém thông tin. Nhiều đơn vị môi giới bất động sản, phát triển dự án, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh đã ký hợp đồng mua bán nhà ở với khách hàng nhưng không công khai hoặc công khai chưa đầy đủ hoặc chưa trung thực về các thông tin bất động sản. Đây là hành vi bị nghiêm cấm đã quy định cụ thể trong Luật Kinh doanh Bất động sản.
Để giải quyết rủi ro trên, Nhà nước cần có giải pháp tháo gỡ vướng mắc kịp thời trong các thủ tục về đầu tư, xây dựng, quy hoạch đô thị, đất đai, nhà ở. Tăng cường công khai thông tin pháp lý các dự án nhà ở nhằm phòng ngừa và ngăn chặn các hoạt động kinh doanh bất động sản trái pháp luật.
Sở Xây dựng cũng kiến nghị Công an TP.HCM theo dõi sát các mặt không lành mạnh của thị trường bất động sản nhằm điều tra, xử lý các sai phạm, đánh giá tình huống ảnh hưởng đến an ninh kinh tế và trật tự xã hội để báo cáo UBND TP.HCM có hướng xử lý kịp thời.
Có thể bạn quan tâm
3 điểm nóng bất động sản TP HCM trong thập niên tới
05:00, 25/11/2020
Bất động sản TP HCM mở lối nguồn cung
13:28, 29/03/2020
Bất động sản TP HCM: Vướng mắc nhỏ, thiệt hại lớn: Khóc ròng vì thủ tục, pháp lý
11:10, 15/07/2019
Bất động sản TP HCM khổ vì lỗi "câu chữ"
10:41, 07/06/2019
Bất động sản TP HCM sẽ "thông" trở lại?
11:02, 12/04/2019