Giao dịch căn hộ nghỉ dưỡng tiếp tục “đóng băng”
Chính sự “chông chênh” về pháp lý căn hộ nghỉ dưỡng cộng với “cơn bão” COVID-19 tái bùng phát lần thứ 4 đã khiến giao dịch của phân khúc này trên thị trường gần như “đóng băng”.
Vết “trượt dài”
Trong Báo cáo tình hình thị trường BĐS quý II và 6 tháng đầu năm 2021, Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) cho biết bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng đã trải qua giai đoạn khó khăn kể từ 2019 bởi những nguyên nhân: Sản phẩm bất động sản du lịch có pháp lý yếu, kinh doanh du lịch bị ngưng trệ vì đại dịch… bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng thực sự đối mặt với khủng hoảng.
Sự khó khăn này của phân khúc BĐS du lịch nghỉ dưỡng nói chung và căn hộ nghỉ dưỡng nói riêng được cho là tiếp nối vết “trượt dài” từ trước đó khi trong cả năm 2020, giao dịch condotel đạt khoảng 120 sản phẩm (theo VARs).
Còn báo cáo của Bộ Xây dựng mới đây cho thấy, quý 2 năm 2021, nguồn cung mới khách sạn 4-5 sao và khu du lịch nghỉ dưỡng trên cả nước là rất hạn chế. Một số dự án khách sạn, khu du lịch nghỉ dưỡng đã phải lùi lịch khai trương do ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19. Giá cho thuê bình quân phòng khách sạn và bất động sản nghỉ dưỡng giảm khoảng 20 - 25% so với quý trước, có nơi giảm 50-70% để tìm nguồn thu duy trì hoạt động nhưng vẫn không có khách.
Thực tế cho thấy, sau hơn một năm đại dịch COVID-19 “càn quét” nền kinh tế nói chung và thị trường BĐS nói riêng, trong bối cảnh đợt bùng phát dịch thứ 4, bên cạnh một số nhà đầu tư đã kịp “rút chân” và chốt lời trong đợt “sóng” giá đất thời gian qua còn không ít nhà đầu tư không thể “gồng lỗ” và phải chấp nhận bán cắt lỗ.
Trên các trang rao bán BĐS trực tuyến, nhiều nhà đầu tư căn hộ nghỉ dưỡng sau gần 2 năm “gồng mình” cũng đang rao bán cắt lỗ khá sâu. Tại Nha Trang, nhiều căn hộ nghỉ dưỡng trên đường Trần Phú, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Tất Thành, Phạm Văn Đồng… đang được rao bán cắt lỗ phổ biến từ 100 đến 300 triệu đồng/căn.
Tại TP. Đà Nẵng, trên các đường Lý Thường Kiệt, Trường Sa, Võ Nguyên Giáp, Ngô Quyền… nhiều chủ sở hữu của loại hình sản phẩm bất động sản này đang rao bán cắt lỗ phổ biến từ 200 đến 300 triệu đồng/căn.
Nhận định về thực trạng nhiều nhà đầu tư liên tục rao bán căn hộ nghỉ dưỡng dù giao dịch ghi nhận thực tế là không nhiều, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch VARs cho rằng tình trạng căn hộ nghỉ dưỡng xuất hiện cắt lỗ xuất hiện từ đợt dịch thứ 2, thứ 3. Đợt dịch lần thứ 4 nghiêm trọng hơn và chưa biết khi nào mới kết thúc.
"Nếu dịch kéo dài từ nay đến hết năm, nhiều nhà đầu tư cá nhân sẽ dễ có tư tưởng ngao ngán khi thấy thị trường giao dịch chậm và chấp nhận cắt lỗ sâu thêm" - ông Đính cho biết.
Triển vọng mong manh
Ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc CTCP Bất động sản Asian Holding cho biết nhìn vào số lượng sản phẩm tiêu thụ cho thấy tình trạng ảm đạm của phân khúc căn hộ nghỉ dưỡng còn rất lớn.
Theo ông Hậu, điều tác động mạnh tới việc thị trường căn hộ nghỉ dưỡng "teo tóp" từng năm đó là câu chuyện người mua sản phẩm bất động sản này đều là nhà đầu tư thứ cấp, mua đầu tư lấy lợi nhuận. Thế nhưng, tới nay thị trường này không còn là "biển vàng, biển bạc" với nhà đầu tư bởi có những nhà đầu tư mua sản phẩm tới nay đã 3 năm vẫn không thể ra hàng và thu lợi nhuận cũng như vốn đã bỏ ra mua sản phẩm ở phân khúc này.
Ghi nhận từ một số đơn vị nghiên cứu thị trường, trước ảnh hưởng của dịch bệnh, thị trường bất động sản rơi vào trạng thái trầm lắng, nhiều chủ đầu tư căn hộ nghỉ dưỡng phải khóa giỏ hàng, điều chỉnh chính sách bán hàng cho phù hợp khiến nguồn cung mới khan hiếm.
Dự kiến, trong những tháng cuối năm, nếu tình hình dịch bệnh chưa được kiểm soát, nguồn cung và sức cầu của sản phẩm này khó có thể hồi phục và khó có sự đột biến về giá. Bên cạnh đó, tình trạng nhà đầu tư chuyển nhượng để cắt lỗ căn hộ nghỉ dưỡng đang ngày càng lan rộng và sẽ còn kéo dài.
Chia sẻ quan điểm về triển vọng của phân khúc căn hộ nghỉ dưỡng, bà Võ Thị Khánh Trang, Phó giám đốc bộ phận Nghiên cứu, Savills Việt Nam cho rằng mọi dự báo về ngành du lịch trong năm 2021 vẫn còn phải bỏ ngỏ khi các biện pháp hạn chế đi lại ngày càng bị thắt chặt. Do đó, thị trường căn hộ nghỉ dưỡng cũng sẽ phụ thuộc vào sự hồi phục của ngành du lịch.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cũng cho rằng: “Trong năm 2021 khó mong đợi sự khôi phục của phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, nhất là với các sản phẩm nghỉ dưỡng mới vì việc sửa Luật Đất đai 2013 bị chậm lại tới năm 2023, cùng với việc đại dịch vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới nên khách nước ngoài chưa thể tới Việt Nam”.
Có thể bạn quan tâm
Bất động sản nghỉ dưỡng im ắng chờ thời
16:01, 05/08/2021
Bất động sản nghỉ dưỡng ven đô trở thành kênh đầu tư số 1 trong mùa Covid-19
09:33, 30/07/2021
Dòng tiền đổ mạnh vào bất động sản nghỉ dưỡng ven đô
14:14, 28/07/2021
Bất động sản nghỉ dưỡng vượt qua lối mòn
11:00, 06/07/2021
Ninh Vân Bay huy động vốn lên 500 tỷ, tập trung đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng siêu sang
11:12, 24/06/2021