Trao quyền địa phương thu hồi đất: Tránh thất thoát tài sản công

KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam 19/08/2021 10:10

Trao quyền cho địa phương thu hồi đất tạo điều kiện cho chính quyền đô thị sắp xếp, sử dụng hợp lý đất công là cơ sở để kiểm kê lại nguồn lực về tài nguyên đất, tránh thất thoát như thời gian qua.

KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 67/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công. Nghị định này sẽ được đi vào thực thi từ ngày 1/9/2021.

Nâng cao nguồn lực đất đô thị

Đáng chú ý, với nghị định mới này, Khoản 9 Điều 1 quy định: Trên cơ sở phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất được cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại Điều 6 Nghị định này phê duyệt, UBND cấp tỉnh ban hành quyết định thu hồi nhà, đất trừ việc thu hồi nhà, đất thuộc tài sản đặc biệt, tài sản chuyên dùng tại đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân và nhà, đất tại cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam.

Như vậy, thẩm quyền quyết định thu hồi nhà, đất sẽ chuyển từ Bộ Tài chính về UBND cấp tỉnh. Thực tế, việc giao cho địa phương thu hồi về đất đai là hoàn toàn hợp luật, bởi từ khi Luật Đất đai 2003 đi vào thực thi, toàn bộ quyền quản lý đất đai đã được chuyển cho địa phương.

Bên cạnh đó, là sự phân cấp rõ ràng, tạo điều kiện cho chính quyền đô thị như Hà Hội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng... và nhiều đô thị khác sẽ có kế hoạch để sắp xếp sử dụng đất hợp lý.

Không để tình trạng biến những khu đất sau di dời thành các cao ốc, chất tải đô thị

Đặc biệt tại Hà Nội đang trong thời gian điều chỉnh quy hoạch chung việc có chính sách giao cho chính quyền địa phương để thu hồi quản lý các tài sản công mà đã di dời hay cơ sở công nghiệp đã di dời, đưa vào điều chỉnh quy hoạch chung một cách hợp lý tạo ra quỹ đất phục vụ lợi ích của nhân dân, cộng đồng. Và cũng là cơ hội để ngăn tình trạng biến những khu đất sau di dời thành các cao ốc, chất tải đô thị.

Với sự quyết liệt này chúng ta sẽ thực hiện được điều mà chúng ta dậm chân tại chỗ 20 năm nay. Chính quyền địa phương có nghĩa vụ quản lý, sử dụng đất tại địa phương và sử dụng đúng với pháp luật để nâng cao nguồn lực đất đô thị, kinh tế đô thị phát triển chứ không phải để lãng phí đất đai như những năm vừa qua.

Kiểm kê lại các nguồn lực đất đai

Tuy nhiên, để có thể thu hồi đất hiệu quả, trước hết với các đơn vị di dời, nhà nước phải tạo điều kiện cho họ có quỹ đất, có nguồn lực để xây dựng cơ sở mới, tài sản trên đất phải được tính, được đền bù thỏa đáng cho các đơn vị này. Cần có các cơ chế, chính sách kèm theo để chính quyền đô thị áp dụng, thậm chí tại các TP lớn như Hà Nội, TP HCM phải có cơ chế đặc thù để thực hiện.

Về đất di dời các nhà máy, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường vẫn còn nằm trong nội thành, trước đây nguồn gốc đất là đất của nhà nước tuy nhiên thời gian qua quá trình cổ phần hóa bộc lộ kẽ hở, thiếu đi việc định giá giá trị đất đai, nhiều khu đất biến thành của tư nhân gây thất thoát nguồn lực.

Do đó, thông qua việc trao quyền địa phương thu hồi đất công, các địa phương cần tận dụng để kiểm kê lại các nguồn lực về tài nguyên đất ở các đô thị. Đặc biệt chú ý công tác định giá giá trị đất đai trong cổ phẩn hóa doanh nghiệp.

Chung quy lại, phải có chính sách, cơ chế thu hồi quyết liệt, thực hiện đúng quy hoạch, nhưng cũng phải tạo điều kiện cho các đơn vị di dời có nguồn lực phát triển.

Việc thu hồi đất cũng sẽ tạo nên quỹ đất rất lớn để xây dựng những công trình phục vụ cho quá trình xây dựng đô thị xanh, đô thị thông minh ở các địa phương.

Có thể bạn quan tâm

  • Nghị định số 67/2021: Hàng trăm dự án bất động sản được “giải cứu”

    Nghị định số 67/2021: Hàng trăm dự án bất động sản được “giải cứu”

    05:30, 18/08/2021

  • “Căn bệnh” lãng phí: Khi nhiều bộ ngành còn “trì trệ” di dời trụ sở

    “Căn bệnh” lãng phí: Khi nhiều bộ ngành còn “trì trệ” di dời trụ sở

    04:20, 03/08/2021

  • Di dời nhà máy gây ô nhiễm: Vì sao chậm tiến độ?

    Di dời nhà máy gây ô nhiễm: Vì sao chậm tiến độ?

    02:00, 02/07/2021

KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam