Áp lực bủa vây doanh nghiệp môi giới bất động sản (KỲ I): Đóng cửa, giải thể
Thị trường đóng băng, thu không đủ bù chi do ảnh hưởng dịch bệnh khiến nhiều doanh nghiệp môi giới bất động sản tại Đà Nẵng phải đóng cửa tạm thời, thậm chí giải thể.
Tại toạ đàm “Sàn giao dịch và môi giới bất động sản vượt khó do ảnh hưởng Covid - Giải pháp và kiến nghị” do Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam tổ chức mới đây, ông Phạm Lâm - Phó Chủ tịch Hội đưa ra số liệu khảo sát rất đáng lưu ý.
Theo đó, trong giai đoạn dịch bệnh 70% số doanh nghiệp môi giới bất động sản phải chọn giải pháp cắt giảm lương của người lao động hoặc ngưng hoạt động.
Riêng trong 3 tháng gần đây, 50% số doanh nghiệp môi giới bất động sản tại TP.HCM chỉ đạt mức doanh thu dưới 10%. Đây là nhóm có nguy cơ ngưng hoạt động rất cao; 30% có mức doanh thu từ 30% - 50%, được đánh giá là nhóm nguy cơ ngưng hoạt động cao. 10% số doanh nghiệp ở nhóm tạm ổn định (doanh thu 50-70%). Chỉ 10% còn lại nằm trong diện ổn định.
Ông Lâm cho biết, hai vấn đề lớn mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt nữa là dòng tiền và nhân lực. Dịch bệnh đã khiến doanh thu bị sụt giảm nghiêm trọng, tuy nhiên việc thu hồi công nợ từ trước dịch cũng gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó doanh nghiệp vẫn phải chi trả các khoản chi phí vận hành như mặt bằng, lãi vay ngân hàng hay quỹ lương cho cán bộ công nhân viên.
Không những vậy, nguồn nhân lực cũng bị tác động đáng kể khi dịch bệnh kéo dài khiến lượng môi giới chuyển nghề rất lớn chính vì vậy gây nên vấn đề khó khăn ngắn hạn, không có nguồn lực nhân sự.
Những trình bày nói trên của Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cũng chính là thực trạng đang diễn ra tại thị trường bất động sản Đà Nẵng và các tỉnh lân cận bởi tình trạng đóng cửa tạm thời, trả mặt bằng, chuyển công ty về nhà riêng… thậm chí giải thể công ty là khá phổ biến.
Trong những cuộc trò chuyện với PV, hầu hết các doanh nghiệp bất động sản cho biết tình hình hiện tại quá khó nhưng “bỏ thì thương, vương thì nặng” và họ cũng không dự báo được tình hình này còn kéo dài đến bao giờ.
Giám đốc một DN bất động sản trên đường Nguyễn Hữu Thọ thở dài, trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng, anh buộc lòng cho nhân viên nghỉ tạm thời, còn anh sáng chạy lên văn phòng tưới cây, trưa chạy về đón vợ, chiều ở nhà chơi với con...
“Tình hình hiện giờ nản lắm nhưng còn đỡ vì nhân viên nghỉ việc nên không phải lo trả lương, chi phí điện nước... Lúc trước, cũng do dịch bệnh nên thị trường đóng băng, nguồn thu không có nhưng mình phải trả lương cơ bản rồi các chi phí khác, mỗi tháng hết gần 200 triệu - nhiều lúc phải đi vay, mượn để xử lý” - vị này chia sẻ với PV.
Bi đát hơn, do COVID-19, nhiều công ty đóng cửa im lìm từ Tết Nguyên đán và hiện vẫn chưa có dấu hiệu mở cửa hoạt động trở lại, thậm chí giải thể.
Lãnh đạo một công ty vừa làm thủ tục giải thể “đứa con” của mình bùi ngùi: "Anh em sau khi thoát kiếp “làm thuê” đã quyết định mở doanh nghiệp làm ăn riêng, kiếm tiền mưu sinh bằng nhiều cách, người mở công ty dịch vụ bất động sản, người làm chủ đầu tư, người phát triển dự án… Nhiều người cũng thành công ban đầu. Tuy nhiên, thị trường bắt đầu rung lắc dữ dội bởi dịch COVID-19 ập đến. Sau một thời gian tạm thời đóng cửa chờ đến ngày thiết lập trạng thái bình thường mới, nhưng một lần dịch, hai lần dịch, ba lần rồi bốn lần dịch quay lại như những cú đấm thép đánh gục cơ thể mỏng tang của doanh nghiệp nhỏ và các ý tưởng khởi nghiệp cũng lụi tàn vì câu chuyện vốn cạn kiệt và rủi ro chính sách".
“Giải thể là lựa chọn cuối cùng không thể tốt hơn cho thời điểm hiện tại để quay về “dưỡng thương”, chờ ngày tươi sáng trong tương lai" - anh nói về quyết định của mình.
KỲ II: Đau đầu bài toán nguồn cung
Có thể bạn quan tâm
“Át chủ bài” của Sunshine Group tại thị trường bất động sản Đà Nẵng
12:17, 20/08/2021
Bất động sản Đà Nẵng 2021: Qua cơn "bĩ cực"
11:30, 08/02/2021
Bất động sản Đà Nẵng đã thực sự “bắt đáy”?
12:50, 15/09/2020
Bất động sản Đà Nẵng giao dịch ảm đạm
05:00, 27/08/2020
Hậu COVID-19, bất động sản Đà Nẵng rục rịch tăng giá
06:00, 05/05/2020
Bất động sản Đà Nẵng hồi sinh
06:30, 02/05/2020