Áp lực bủa vây doanh nghiệp môi giới bất động sản (KỲ 2): Đau đầu bài toán nguồn cung

THU GIANG 31/08/2021 13:20

Nguồn cung giảm mạnh, số lượng dự án mở bán chỉ đếm trên đầu ngón tay khiến nhiều đơn vị môi giới bất động sản điêu đứng, thị trường đã khó càng thêm khó.

Báo cáo thị trường bất động sản nhà ở Đà Nẵng và Quảng Nam 7 tháng đầu năm 2021 mà Công ty Cổ phần DKRA Việt Nam (DKRA Vietnam) vừa công bố cho thấy sự khan hiếm nguồn cung của thị trường bất động sản tại khu vực này.

Sau khi xảy ra một loạt các lùm xùm, khiếu nại, khiếu kiện, tập trung đông người, chính quyền tỉnh Quảng Nam đã mạnh tay siết thị trường bất động sản

Sau khi xảy ra một loạt lùm xùm, khiếu nại, chính quyền tỉnh Quảng Nam đã mạnh tay siết thị trường bất động sản

Cụ thể, trong 7 tháng đầu năm 2021, tại Đà Nẵng chỉ có 1 dự án mở bán với khoảng 218 sản phẩm; còn tại Quảng Nam, DKRA Vietnam ghi nhận có 9 dự án mở bán, cung cấp khoảng 718 sản phẩm và nguồn cung đất nền tại Quảng Nam chủ yếu đến từ các dự án đã mở bán trước đó, nhưng vẫn khá thấp so với giai đoạn trước năm 2019.

Còn ở phân khúc căn hộ tiếp tục khan hiếm nguồn cung mới, trong 7 tháng đầu năm 2021, nguồn cung căn hộ mới tại Đà Nẵng đến từ 4 dự án mở bán, cung cấp ra thị trường khoảng 236 căn chỉ bằng 46% năm 2020. “Đa phần các phân khúc sẽ tiếp tục xu hướng giảm nguồn cung từ đầu năm 2021” - DKRA Vietnam dự báo.

Nguồn cung giảm mạnh nên sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp môi giới để “giành hàng” cũng là điều tất yếu. Nhiều đơn vị môi giới, bằng tất cả các chiêu trò – thậm chí là “đi đêm”… để giành lấy nguồn hàng về phía mình

Trong một lần trò chuyện cùng Diễn đàn Doanh nghiệp, CEO một công ty bất động sản kể lại câu chuyện lần tham gia mở bán một dự án tại Quảng Nam vào đầu năm 2021. Theo lời anh kể, khi biết chủ đầu tư chuẩn bị mở bán bằng nhiều cách, công ty anh đã lọt vào “chung kết” đợt tuyển lựa các sàn giao dịch được chọn tham gia phân phối giai đoạn một của dự án. Tuy nhiên, chờ mãi không thấy chủ đầu tư và đơn vị phát triển dự án thông báo về kế hoạch mở bán trong khi nhiều đơn vị đã triển khai nhận đặt chỗ, anh mới biết là công ty mình bị “hớt tay trên”.

Bên cạnh sự cạnh tranh không lành mạnh nói trên, việc chủ đầu tư và các đơn vị phát triển không dám “làm liều” cũng khiến nguồn cung giảm mạnh. Đề cập vấn đề này, trong một lần trà dư tửu hậu, Giám đốc một doanh nghiệp bất động sản thậm chí nói vui: “Tình hình hiện nay mà dễ như năm năm trước chắc mình trở thành tỷ phú rồi”.

Anh kể, công ty có nhận làm phát triển một dự án tại Quảng Nam, sau khi bỏ tiền để nghiên cứu thị trường, chạy PR, cho nhân viên đi phát tờ rơi, quảng cáo… đúng lúc nhận được phản hồi tốt từ thị trường anh nhận được thông báo của chủ đầu tư yêu cầu dừng tất cả các hoạt động vì dự án bị cảnh báo sẽ vào “sổ đen” nếu tiếp tục mở bán do chưa đủ điều kiện.

Nhiều dự án bất động sản chưa đủ điều kiện để ra hàng

Nhiều dự án bất động sản chưa đủ điều kiện để ra hàng

Thật ra, câu chuyện của các doanh nghiệp nói trên không phải là hiếm, nhất là trong thời điểm hiện tại cơ quan chức năng mạnh tay “siết” như hiện nay. Tỉnh Quảng Nam là một ví dụ, địa phương này với hàng loạt dự án đất nền - là nguồn cung sản phẩm chủ yếu của các doanh nghiệp, sau khi xảy ra một loạt lùm xùm, khiếu nại, khiếu kiện, tập trung đông người, chính quyền đã mạnh tay.

Đơn cử, Khu dân cư Đông Bắc thành phố Hội An (giai đoạn 2), Khu phố chợ Chiên Đàn,… UBND tỉnh Quảng Nam đã có Công văn yêu cầu các Sở Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường; UBND các huyện, thành phố kiểm tra thông tin về giao dịch, rao bán sản phẩm bất động sản trên mạng xã hội; yêu cầu Sở Xây dựng chủ trì, cùng với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố và các Sở, ngành liên quan kiểm tra, rà soát thông tin và làm việc với từng chủ đầu tư dự án cụ thể để chấn chỉnh và thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng cho mọi tổ chức, cá nhân được biết; trường hợp có sai phạm, xử lý theo thẩm quyền hoặc tham mưu UBND tỉnh xử lý theo đúng quy định; báo cáo kết quả cho UBND tỉnh để xem xét, chỉ đạo.

Trường hợp cần thiết, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo thanh tra, thu hồi dự án hoặc chỉ đạo điều tra để xử lý các sai phạm (nếu có) theo đúng quy định của pháp luật; đối với các chủ đầu tư có sai phạm lớn, đề xuất UBND tỉnh xem xét, không cho tham gia các hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản trên địa bàn tỉnh.

“Dù khó khăn do nguồn cung giảm, thiếu công việc cho anh em nhân viên, công ty cũng ảnh hưởng nhiều nhưng tôi ủng hộ những biện pháp mạnh tay của chính quyền nhằm làm thị trường minh bạch hơn, phát triển bền vững hơn” - Giám đốc một doanh nghiệp bất động sản chia sẻ.

KỲ III: DN tự cứu mình

Có thể bạn quan tâm

  • Áp lực bủa vây doanh nghiệp môi giới bất động sản (KỲ I): Đóng cửa, giải thể

    Áp lực bủa vây doanh nghiệp môi giới bất động sản (KỲ I): Đóng cửa, giải thể

    14:00, 30/08/2021

  • “Át chủ bài” của Sunshine Group tại thị trường bất động sản Đà Nẵng

    “Át chủ bài” của Sunshine Group tại thị trường bất động sản Đà Nẵng

    12:17, 20/08/2021

  • Bất động sản Đà Nẵng 2021: Qua cơn

    Bất động sản Đà Nẵng 2021: Qua cơn "bĩ cực"

    11:30, 08/02/2021

  • Bất động sản Đà Nẵng đã thực sự “bắt đáy”?

    Bất động sản Đà Nẵng đã thực sự “bắt đáy”?

    12:50, 15/09/2020

  • Bất động sản Đà Nẵng giao dịch ảm đạm

    Bất động sản Đà Nẵng giao dịch ảm đạm

    05:00, 27/08/2020

  • Hậu COVID-19, bất động sản Đà Nẵng rục rịch tăng giá

    Hậu COVID-19, bất động sản Đà Nẵng rục rịch tăng giá

    06:00, 05/05/2020

  • Bất động sản Đà Nẵng hồi sinh

    Bất động sản Đà Nẵng hồi sinh

    06:30, 02/05/2020

THU GIANG