Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng: 5 định hướng chính
Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được phê duyệt là cơ sở pháp lý phục vụ công tác quản lý và xây dựng phát triển đô thị theo quy hoạch.
Đây cũng là cơ hội để hình thành nên diện mạo mới cho Thủ đô – sông Hồng sẽ là không gian cảnh quan chủ đạo của Hà Nội, là điểm đến hấp dẫn cho mọi người dân trong nước và du khách quốc tế.
5 định hướng chính
Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 (viết tắt là QHC1259) đã xác định Sông Hồng là trục không gian cảnh quan chủ đạo của Thủ đô, với những định hướng chính như sau:
Thứ nhất: Đảm bảo hành lang, tuyến thoát lũ, bền vững đê điều, phù hợp Quy hoạch phòng chống lũ chi tiết và quy hoạch đê điều được duyệt.
Thứ hai: Xây dựng hệ thống công viên, cây xanh cảnh quan, công trình văn hóa, vui chơi giải trí, nhà hàng, dịch vụ du lịch và các tiện ích đô thị phục vụ khu dân cư hiện hữu.
Thứ ba: Cải tạo khu khu dân cư hiện hữu, đảm bảo chất lượng sống khu dân cư hai bên sông. Di dời các khu nhà ở không an toàn và kém chất lượng ra bên ngoài hành lang sông.
Thứ tư: Tạo trục không gian văn hóa, cảnh quan sinh thái Hồ Tây - Cổ Loa.
Thứ năm: Xây dựng các tuyến đường cảnh quan, tuyến đường dành cho người đi bộ và xe đạp trên cơ sở Dự án quy hoạch hai bên sông Hồng, hoàn chỉnh toàn tuyến đi qua Hà Nội mở rộng phù hợp định hướng QHC Thủ đô, Luật Đê điều và Luật Di sản văn hóa.
Nội dung chính của đồ án quy hoạch
Nhằm cụ thể hóa những định hướng của QHC1259, ngày 23/10/2012 UBND thành phố Hà Nội phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng tỷ lệ 1/5000 tại Quyết định số 4770/QĐ-UBND, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đã tổ chức nghiên cứu lập Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng tỷ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) (viết tắt là QHPK sông Hồng), cụ thể như sau:
Vị trí: Thuộc địa giới hành chính của 55 phường, xã thuộc địa bàn 13 quận, huyện: Đan Phượng, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín, Mê Linh, Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm – Thành phố Hà Nội.
Phạm vi ranh giới: Cơ bản đến đê tả ngạn và hữu ngạn sông Hồng, giáp ranh giới các phân khu đô thị N1, N4, N8, N9, N10, N11, GN, GN(A), R6, GS, GS(A), H2-1, A6, H1-1, H1-4, H2-4.
Hiện trạng sử dụng đất: Với tổng diện tích khoảng 11.000ha, diện tích sông Hồng khoảng 3.600ha (chiếm khoảng 33%); đất bãi sông khoảng 5.480ha (chiếm khoảng 50%) với đa dạng về loại hình: trồng rau màu, hoa, cây cảnh và đất trống chưa sử dụng.
Phần còn lại là khu vực đã xây dựng, gồm các khu vực làng xóm có lịch sử hình thành và phát triển từ lâu như các xã Bát Tràng, Văn Khê, Tráng Việt..., các khu dân cư đô thị nằm ngoài đê như khu dân cư phường Quảng An, Tứ Liên, Yên Phụ, Phúc Xá… với diện tích khoảng 1.190ha (chiếm gần 11% tổng diên tích) gắn với các công trình hạ tầng xã hội (công cộng, trường học…), các công trình hạ tầng kỹ thuật, đất an ninh quốc phòng, cơ quan, công nghiệp (kho bãi, bến cảng…).
Hiện trạng dân cư: Phân khu đô thị sông Hồng được xác định dựa trên dân số của 31 phường thuộc 7 quận nội thành và 24 xã thuộc 6 huyện ngoại thành Hà Nội. Mặc dù khu vực ngoài đê sông Hồng là khu vực hạn chế phát triển của Thành phố trong nhiều năm qua, tuy nhiên qua các số liệu điều tra hiện trạng và các nghiên cứu trước đây, dân số trong khu vực vẫn tăng dần theo từng năm với mức tăng tương đối cao.
Dân cư trong khu vực nghiên cứu khoảng 235.000 người (theo số liệu theo điều tra hiện trạng dân cư trong Quy hoạch phòng chống lũ chi tiết do Viện Quy hoạch Thủy lợi nghiên cứu năm 2017).
Hiện trạng giao thông: Đường bộ gồm tuyến đường dọc đê tả, đê hữu sông Hồng và các tuyến đường phía trong đê phục vụ đi lại của dân cư khu vực, đa số là các tuyến đường có quy mô mặt cắt ngang nhỏ, chưa đảm bảo là các tuyến đường đô thị cũng như các tuyến đường phục vụ cảnh quan khu vực. Kết nối 2 bên sông gồm 06 cầu hiện có: Thăng Long, Long Biên, Chương Dương, Thanh Trì, Vĩnh Tuy và Nhật Tân.
Giao thông đường thủy: Việc kết nối giữa hệ thống bến cảng với giao thông đường bộ chưa tốt do đường ra vào cảng nhỏ hẹp, các cảng chính nằm khá xa những tuyến giao thông đường bộ lớn.
KỲ II: Giải pháp quy hoạch
Có thể bạn quan tâm
Quy hoạch đô thị sông Hồng: Để thành phố ven sông "bừng sáng"
18:00, 22/09/2021
Đô thị sông Hồng - Sức hấp dẫn về một thành phố sáng tạo, xanh và bền vững
13:30, 22/09/2021
23/9: Diễn đàn Bất động sản trực tuyến: Hấp lực mới từ chuỗi đô thị ven sông Hồng
12:00, 22/09/2021
Sức hút khó cưỡng của bất động sản bờ Đông sông Hồng
12:59, 21/08/2021
Hà Nội hoàn chỉnh đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng
03:30, 03/08/2021
Quy hoạch sông Hồng: Tận dụng đê hiện có làm hai tuyến đường ven sông
16:43, 27/07/2021