Cần thiết ban hành Luật Thuế Tài sản

LÊ SÁNG 28/09/2021 05:00

Mặc dù còn nhiều ý kiến trái chiều nhưng việc ban hành Luật Thuế Tài sản là cần thiết nhằm thu đúng, thu đủ mọi khoản thu vào ngân sách Nhà nước và chống đầu cơ thao túng thị trường nhà đất.

Mới đây, tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhắc tới nội dung thu thuế tài sản và gợi ý Thanh Hóa thí điểm, nếu thành công có thể nghiên cứu áp dụng cho Hà Nội, TP HCM.

Theo các chuyên gia, nếu thực hiện nghiêm việc đánh thuế tài sản sẽ làm góp phần hạn chế giảm những dự án

Nếu thực hiện nghiêm việc đánh thuế tài sản sẽ góp phần hạn chế những dự án bất động sản bỏ hoang. (Ảnh: Một phần dự án Booyoung Vina Hà Nội)

SẮC THUẾ LỠ HẸN HÀNG THẬP KỶ

Theo kết quả khảo sát của các công ty nghiên cứu thị trường và môi giới bất động sản cho thấy có đến 60 - 70% lượng người mua căn hộ tại TP HCM trong thời gian qua là để đầu tư hoặc đầu cơ. Trong khi đó, đối với các dự án đất nền vùng ven, có đến gần 100% người mua không để ở do đối tượng mua toàn ở các thành phố lớn trong khi các dự án còn rất lâu mới hoàn thiện cơ sở hạ tầng.

Trong bối cảnh giá nhà đất ngày càng tăng cao vượt xa mức thu nhập của đại bộ phân người dân lao động vốn có nhu cầu ở thực thì nhiều chuyên gia đã đặt vấn đề cần có những công cụ điều tiết thị trường, trong đó đánh thuế bất động sản, đặc biệt là các bất động sản đầu cơ được xem là giải pháp ưu tiên.

Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết về mặt quản lý, sắc thuế tài sản, phổ biến nhất là thuế bất động sản được thực hiện ở các nước G7, OECD, hay các nước công nghiệp mới. "Hiện nay, hội nhập kinh tế mở, đến lúc giảm toàn bộ thuế xuất nhập khẩu, nguồn thu ngân sách bị ảnh hưởng rõ rệt. Nếu Việt Nam đưa ra sắc thuế này sẽ tăng thu cho ngân sách địa phương. Đây là thông lệ quốc tế, Việt Nam không thể lừng chừng mãi được" - GS Võ bày tỏ quan điểm.

Thực tế, liên quan chính sách thuế tài sản đã nhiều lần lỡ hẹn, cụ thể, từ cuối năm 2009, Dự án Luật Thuế nhà, đất gồm 15 điều đã được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến và dự kiến sẽ có thể thông qua tại kỳ họp tháng 5/2010, thế nhưng vì nhiều lý do khác nhau dự án luật thuế nhà đất đã “lỡ hẹn” lần thứ nhất.

Lần thứ hai lỡ hẹn vào năm 2018, khi đó, Bộ Tài chính đã công bố đề xuất về dự án Luật Thuế tài sản (gồm 4 Chương, 14 Điều). Tuy nhiên ngay khi vừa công bố, dự án Luật đã gặp phải nhiều ý kiến trái chiều và không thể triển khai tiếp.

Dù liên tiếp lỡ hẹn nhưng theo các chuyên gia, thu thuế tài sản và thuế bất động sản là vấn đề đã được Đảng và nhà nước hết sức chú trọng và có thể sẽ xúc tiến triển khai mạnh trong thời gian tới.

Cụ thể, từ năm 2010 vấn đề thuế nhà đất được Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đưa vào Nghị quyết về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ mới.

Đến ngày 18/11/2016, trong Nghị quyết số 07-NQ/TW về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, Bộ Chính trị tiếp tục yêu cầu: “Tập trung cơ cấu lại nguồn thu, phù hợp với thông lệ quốc tế… khai thác tốt thuế thu từ tài sản, tài nguyên, bảo vệ môi trường”.

Việc Đánh thuế bất động sản “bỏ hoang” để chặn đầu cơ, tránh lãng phí

Việc đánh thuế bất động sản “bỏ hoang” cũng được xem là một biện pháp để chặn đầu cơ, tránh lãng phí

SỰ CẦN THIẾT CỦA LUẬT THUẾ TÀI SẢN

Phân tích về nguyên nhân việc dự thảo một sắc thuế được cho là phổ biển ở các nước nhưng lại nhiều lần “lỡ hẹn” tại Việt Nam, các chuyên gia cho rằng dự thảo Luật Thuế tài sản năm 2018 không nằm ở độ khó, phức tạp, hay nhạy cảm… mà là một số nội dung điều chỉnh chưa phù hợp và thiếu sự quyết tâm.

Cụ thể, Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng: "Có thể có nhiều cán bộ quản lý cấp cao đều phản đối luật này lấy lí do động đến lòng dân. Nhưng thực chất, nếu Luật Thuế tài sản được thông qua, sẽ tác động đến lợi ích của không ít người, khiến họ không muốn quyết định. Tăng thuế bất động sản là cần thiết, ai thuộc diện khó khăn, nhà nghèo, sẽ sử dụng biện pháp miễn giảm”.

Cũng theo các chuyên gia, tính cấp bách của việc áp dụng thuế tài sản càng rõ hơn khi sự chênh lệch giữa nhóm người giàu và nhóm có thu nhập trung bình, thu nhập thấp trong xã hội ngày càng tăng. Hiện nay, có một số người có tiềm lực, thu gom tài sản để chiếm giữ, điển hình như nhà đất… khiến giá nhà, đất ngày càng cao, người nghèo càng khó có cơ hội tiếp cận nhà ở. Do đó, nếu chưa áp dụng thuế tài sản thì tình trạng đầu cơ và sự bất bình đẳng lại càng tăng. 

Mới đây, tại một tọa đàm do Đại học Kinh tế Quốc dân và Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức vào đầu tháng 7/2021 các diễn giả và chuyên gia đã thống nhất quan điểm cần sớm nghiên cứu để đưa ra dự án Luật thuế tài sản.

Cụ thể, các chuyên gia cho rằng cần phải xác định thuế tài sản đóng vai trò quan trọng trong tổng thu ngân sách và việc sớm hoàn thiện nghiên cứu về xây dựng và ban hành pháp luật thuế tài sản là vấn đề rất cần thiết và để Luật Thuế tài sản được thông qua và có sức sống bền lâu, cần phải tập trung khắc phục những bất cập trong dự thảo Luật 2018, để tìm được tiếng nói đồng tình của xã hội.

Nhận định về sắc thuế này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho rằng trong bối cảnh Việt Nam vẫn còn gặp không ít khó khăn trong quản lý tài sản dân cư, thị trường BĐS chưa thực sự minh bạch, hệ thống quản lý nhà đất và các giao dịch BĐS còn chưa đầy đủ; thì việc tính thuế trên tất cả các tài sản không phân biệt thứ nhất, thứ hai có thể là phương án phù hợp hơn cả.

Trên thế giới, Singapore là đất nước rất thành công với việc áp dụng đánh thuế bất động sản thứ 2, thuế này thậm chí còn bị đánh rất cao. Thuế tài sản phụ trội áp dụng từ năm 2013 trên bất động sản thứ 2 lên đến 7% trên giá mua nhà; 10% đối với bất động sản thứ 3 và đã áp dụng từ năm 2013.

Trung Quốc là đất nước có những hiện tượng bị bong bóng trên thị trường bất động sản nên họ đã đưa ra cách đánh thuế như một công cụ để điều tiết thị trường. Người mua nhà thứ 2 sẽ bị đánh thuế suất 1,2% trên phần trị giá của nhà.

Hiện Trung Quốc đã đưa ra dự thảo về thuế tài sản sẽ đánh vào các tài sản công nghiệp và thương mại và nhà ở của cá nhân dựa trên căn cứ là giá trị thẩm định của tài sản đó.

Có thể bạn quan tâm

  • Siết thuế bất động sản đối với doanh nghiệp, cá nhân: Chưa đúng thời điểm

    Siết thuế bất động sản đối với doanh nghiệp, cá nhân: Chưa đúng thời điểm

    06:00, 06/07/2021

  • Giá thuê bất động sản công nghiệp liên tục tăng, làm thế nào giữ chân

    Giá thuê bất động sản công nghiệp liên tục tăng, làm thế nào giữ chân "đại bàng"?

    05:00, 28/05/2021

  • Đầu tư vào quốc gia nào để né thuế bất động sản?

    Đầu tư vào quốc gia nào để né thuế bất động sản?

    05:30, 13/05/2021

  • Giá thuê bất động sản công nghiệp lập đỉnh mới

    Giá thuê bất động sản công nghiệp lập đỉnh mới

    04:00, 25/04/2021

  • Đầu tư vào những quốc gia nào để

    Đầu tư vào những quốc gia nào để "né" thuế bất động sản?

    06:00, 04/10/2020

  • Đổi mới toàn diện Luật thuế bất động sản

    Đổi mới toàn diện Luật thuế bất động sản

    06:00, 05/12/2019

LÊ SÁNG