Trong đại dịch, bất động sản công nghiệp là mảng duy nhất chứng kiến tăng trưởng tích cực về cả giá thuê và tỷ lệ lấp đầy. Tuy nhiên giới chuyên gia cho rằng "đại bàng không chỉ cần mỗi tổ".
Theo Bộ KH&ĐT, trong quý I/2021, vốn đầu tư FDI vào Việt Nam đạt 12,25 tỷ USD. Trong đó, có 451 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 8,46 tỷ USD, đã có 67 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2021.
Trong quý I/2020, ngay thời điểm dịch bệnh vẫn diễn ra phức tạp giá chào thuê trung bình cho đất công nghiệp tại TP. HCM đạt mức 165 USD/m2/kỳ hạn thuê, tỷ lệ lấp đầy hơn 85%. Tại Hà Nội, giá chào thuê trung bình duy trì ở mức 140 USD/m2/kỳ hạn thuê và tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 90%.
Theo ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam, nguyên nhân giá thuê luôn ở mức cao chính là sự khan hiếm về nguồn cung khu công nghiệp tại TP. HCM và Hà Nội.
Nghiên cứu thị trường của Colliers Việt Nam cũng cho thấy, phía Bắc, hiện nay nhiều nhà đầu tư đã đẩy mạnh chuyển hướng tìm kiếm đất công nghiệp ở các tỉnh ven Hà Nội như Hưng Yên, Hải Dương hay Bắc Ninh, nơi có giá thuê đất thấp hơn và quỹ đất dồi dào hơn.
Ở miền Nam, nhiều tỉnh cũng đang sẵn sàng những ưu đãi để hấp dẫn đầu tư khu công nghiệp để thu hút FDI. Trong đó có thể kể đến như Long An mới đây đã được phê duyệt bổ sung 3 khu công nghiệp mới vào quy hoạch quốc gia.
Hay tại Đồng Nai, các địa phương như Long Thành, Cẩm Mỹ, Thống Nhất, Trảng Bom, Nhơn Trạch và TP Long Khánh cũng đang lên kế hoạch xây dựng thêm các KCN với các diện tích từ 200ha đến 900ha, để giải quyết tình trạng thiếu diện tích.
Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng trên cũng được giới chuyên gia lo ngại sẽ xuất hiện nhiều rủi ro, bởi “đại bàng không chỉ cần tổ” mà những tiện ích, cơ sở hạ tầng tầm cỡ mới có thể tạo sức hút những “đại bàng” hạ cánh tại Việt Nam.
Theo ông David Jackson, CEO Colliers Việt Nam, Việt Nam cần đổi mới mô hình phát triển khu công nghiệp theo hướng sinh thái.
Ông David Jackson cho biết, đây là mô hình đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững nói chung, giúp giảm khai thác tài nguyên, hạn chế ảnh hưởng đến môi trường trong khi vẫn không ảnh hưởng đến hiệu suất của các doanh nghiệp.
“Môi trường này cũng sẽ đóng góp tích cực vào nỗ lực chống biến đổi khí hậu của Việt Nam và toàn cầu” – CEO Colliers Việt Nam cho biết.
Vị chuyên gia chia sẻ, để tiến tới xây dựng mô hình này, bước đi đầu tiên của những nhà đầu tư BĐS công nghiệp tại Việt Nam cần thực hiện đó là nâng cao năng lực chuyển giao công nghệ của doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ tiên tiến và hạn chế phát thải tối đa và thí điểm chuyển đổi trước một số khu công nghiệp theo mô hình khu công nghiệp sinh thái để rút ra cách làm hiệu quả nhất.
Đồng thời, các địa phương cần có cơ chế để thường xuyên cập nhật tình hình phát triển khu công nghiệp, chính sách phát triển, tạo thành hệ thống đồng bộ. Mặt khác, đây cũng chính là giải pháp để các địa phương giải quyết các vấn đề phát sinh một cách hiệu quả hơn, tận dụng tốt ưu thế của từng tỉnh thành, tạo sự hài hòa trong quá trình phát triển liên vùng.
“Ngoài ra, việc liên kết giữa các khu công nghiệp với nhau cũng hết sức quan trọng để phát triển chuỗi sản xuất hàng hóa, logistic. Từ đó, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm, hạ giá thành sản xuất, nâng cao sự bền vững của cả nền công nghiệp. Điều này sẽ là mấu chốt tạo sức hút mạnh mẽ để các “đại bàng” hạ cánh tại Việt Nam”, ông David nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Gilimex và tham vọng lấn sân bất động sản công nghiệp
04:00, 26/05/2021
Hải Phòng: Vốn FDI tạo đà cho bất động sản công nghiệp bứt phá
04:00, 06/05/2021
Giá thuê bất động sản công nghiệp lập đỉnh mới
04:00, 25/04/2021
Bất động sản công nghiệp Quảng Ninh đón đầu xu hướng công nghệ 4.0
14:33, 20/04/2021
Bất động sản công nghiệp: “Đại bàng” đâu chỉ cần “ổ”
09:00, 03/04/2021