“Chạy” quy hoạch
Hậu quả tiêu cực của việc điều chỉnh quy hoạch vô cùng lớn, tuy nhiên tính đến nay vẫn chưa có ai phải chịu trách nhiệm?
Quy hoạch không phải thứ để có thể tùy tiện điều chỉnh, cơ quan lập quy hoạch phải có tầm nhìn chiến lược, bám vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương, của vùng và phải đặt lợi ích của quốc gia, đời sống của dân lên hàng đầu.
Hệ lụy của sự tùy tiện
Trên thực tế, vấn đề điều chỉnh quy hoạch tùy tiện tại các thành phố lớn đã rất nan giải trong nhiều năm qua. Trước đó, báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý và sử dụng đất ở đô thị (2013 - 2018) tại Hà Nội, tỷ lệ điều chỉnh quy hoạch cục bộ lên tới 70%, trong khi đó tại TP HCM, tỷ lệ này cũng ở mức trên 40%. Trong đó phần lớn là cơi nới tầng, chia nhỏ diện tích căn hộ, giảm diện tích cây xanh hoặc bổ sung chức năng nhà ở theo đề xuất của chủ đầu tư.
Đúng quy trình, quy hoạch từng dự án, từng khu cần phải nằm trong quy hoạch chung của địa phương và các vùng lân cận. Theo đó, việc điều chỉnh quy hoạch phải trải qua rất nhiều cấp thẩm định để ra được quyết định phê duyệt.
Thế nhưng khi điều chỉnh lại không theo nguyên tắc nào, quá trình thẩm định quy hoạch, sự phối hợp giữa các cơ quan còn nhiều hạn chế. Việc lấy ý kiến cộng đồng còn chưa đúng đối tượng theo quy định, chưa tổng hợp, giải trình đầy đủ, thấu đáo các nội dung góp ý vào quy hoạch; chưa đảm bảo sự hài hòa lợi ích giữa nhà nước, chủ đầu tư và cộng đồng.
Bên cạnh đó, công tác hậu kiểm chưa được chú trọng. Chúng ta cũng chưa bao giờ đi thanh kiểm tra các quyết định điều chỉnh quy hoạch, chưa hề có vụ án nào xử lý về chuyện đó. Đến nay, việc xử lý sai phạm mới chỉ dừng lại ở xử lý các doanh nghiệp xây dựng trái phép, lừa đảo… Còn những người ký quyết định điều chỉnh quy hoạch thì chưa thấy ai phải chịu trách nhiệm về những chữ ký của mình.
Những điều trên là nguyên nhân chính dẫn đến việc quy hoạch đô thị dễ dàng bị thay đổi, khiến nhiều đô thị trên cả nước rơi vào “mớ bòng bong”. Hiện tượng tắc nghẽn giao thông, ngập lụt tại Hà Nội, TP HCM là dẫn chứng điển hình cho việc quy hoạch chạy theo dự án.
Bỏ hẳn cơ chế xin - cho
Để ngăn chặn tình trạng trên, chúng ta cần đổi mới hoàn toàn công tác quy hoạch, bám sát vào sự phát triển của kinh tế xã hội, nhu cầu thực của người dân, chứ không phải nhu cầu của doanh nghiệp để rồi cứ lập quy hoạch lại cho điều chỉnh.
Trên thực tế, việc điều chỉnh quy hoạch chỉ nên được chấp thuận khi có sự thay đổi về quy hoạch chung, thay đổi về hạ tầng xã hội. Quan trọng nữa là quy hoạch phải có tầm nhìn chiến lược. Tầm nhìn chiến lược là phải nhìn thấy được tiềm năng phát triển hàng chục năm về hạ tầng xã hội, phát triển kinh tế của địa phương và cả của vùng.
Trước khi tiến hành điều chỉnh quy hoạch chi tiết một khu đô thị nào thì cũng cần phải có sự tham vấn ý kiến từ cộng đồng - những người chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi quy hoạch đó và quá trình điều chỉnh quy hoạch cũng cần phải được công khai, minh bạch.
Đặc biệt, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo nhà nước phải là đơn vị lập quy hoạch, doanh nghiệp chỉ được làm đúng theo quy hoạch. Phải bỏ hẳn cơ chế xin cho, đặt lợi ích của quốc gia lên hàng đầu.
Có thể bạn quan tâm
Lâm Đồng từ chối đề xuất điều chỉnh quy hoạch khu du lịch hồ Than Thở
03:00, 14/10/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Điều chỉnh Quy hoạch chi tiết khu bến Lạch Huyện
18:30, 22/10/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Khẩn trương lập Đồ án điều chỉnh Quy hoạch Côn Đảo đến năm 2045
18:10, 25/09/2021
Chính phủ duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040
15:07, 15/09/2021
Hưng Yên: Điều chỉnh quy hoạch dự án “treo” hơn 10 năm
03:50, 06/07/2021
Chống tùy tiện điều chỉnh quy hoạch
15:00, 10/06/2021
Hà Nội điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô sau 10 năm
16:00, 27/05/2021