Bức thiết nhà ở công nhân (KỲ III): Hải Phòng thiếu quỹ đất xây nhà cho công nhân
12 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động tại TP Hải Phòng hầu như không có quỹ đất để xây dựng nhà ở cho công nhân.
Theo BQL Khu kinh tế (KKT) Hải Phòng, hiện thành phố có 12 KCN đang hoạt động với khoảng 177.000 lao động, trong đó có khoảng 25-30% lao động ngoại tỉnh nhưng không KCN nào có nhà ở dành cho công nhân. Các KCN này gần được lấp đầy và đều không còn quỹ đất để xây dựng nhà ở công nhân.
Được biết, từ nhiều năm trước TP Hải Phòng đã phê duyệt triển khai 7 dự án xây dựng nhà ở cho công nhân do doanh nghiệp đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách, với tổng diện tích hơn 20,7ha, quy mô hơn 4.555 căn hộ. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 2 dự án thành hiện thực gồm: Dự án khu nhà ở cho công nhân thuê do Công ty TNHH Đỉnh Vàng làm chủ đầu tư tại phường Hải Thành (Dương Kinh), dự án của Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi dầu khí tại KCN Đình Vũ.
Trong đó, dự án của Công ty Đỉnh Vàng đã xây dựng xong 9 nhà ở 2 tầng, bố trí chỗ ở cho gần 1.000 công nhân. Dự án của Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi dầu khí đã hoàn thành giai đoạn 1, với tổng số 154 căn đã xây dựng xong phần thô và hiện đang bị bỏ hoang nhiều năm nay.
Còn lại việc bố trí quỹ nhà ở cho người lao động trong các KCN đều rất hạn chế. Ngoài Công ty LG Display trong KCN Tràng Duệ có 2 toà ký túc xá dành cho công nhân, còn lại các KCN khác đều chưa có, nếu có cũng mới chỉ dừng lại ở việc quy hoạch.
Cụ thể, KCN Đình Vũ – Cát Hải có dành 48ha để xây dựng nhà ở cho công nhân nhưng vẫn đang quy hoạch. KCN Vsip cũng bố trí 5-6ha để xây dựng nhà ở công nhân cho khu công nghiệp nhưng vẫn đang trong thời gian hoàn thiện các thủ tục.
Theo các chuyên gia, thời gian tới Hải Phòng sẽ có sự gia tăng về tỷ lệ lấp đầy các KCN dự kiến sẽ có khoảng 200 nghìn lao động vào những năm tiếp theo, trong đó số lao động nhập cư chiếm khoảng 30-40% do đó nhu cầu về nhà ở công nhân sẽ tăng cao. Sẽ có ít nhất khoảng 40.000 công nhân có nhu cầu về nhà ở vào giai đoạn 2021 – 2025.
Ông Phạm Hồng Điệp – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Shinec (chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền) chia sẻ, mặc dù Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 25/1/2017 về đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội và Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 12/5/2017 phê duyệt đề án đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các KCN, Khu chế xuất nhưng trên thực tế tại các địa phương quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân trong KCN chưa có sẵn để kêu gọi, thu hút nhà đầu tư.
"Trên thực tế nhiều địa phương chưa triển khai lập quy hoạch, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật ngoài dự án để bàn giao cho chủ đầu tư xây dựng đầu tư dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân. Nhiều chủ đầu tư KCN mong muốn được đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân để đảm bảo nguồn lao động ổn định, đảm bảo chất lượng cuộc sống cho người lao động nhưng lại thiếu quỹ đất để đầu tư – ông Điệp nhấn mạnh.
Ông Điệp đề xuất, đối với các KCN mới khi phê duyệt quy hoạch xây dựng, UBND tỉnh/thành phố cần xác định rõ diện tích đất phù hợp trên địa bàn để xây dựng nhà ở xã hội, dành quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội bàn giao cho chủ đầu tư KCN đầu tư dự án. Đối với các KCN đã hình thành mà chưa có hoặc chưa đáp ứng đủ nhà ở cho công nhân, người lao động làm việc tại KCN đề xuất chính quyền địa phương hết sức tạo điều kiện thuận lợi để chủ đầu tư KCN đầu tư sự án nhà ở xã hội cho công nhân từ khâu chấp thuận chủ trương đầu tư, thủ tục đầu tư, bàn giao mặt bằng…
Theo Trưởng phòng quản lý quy hoạch xây dựng (BQL KKT Hải Phòng) người lao động cũng không mặn mà với nhà ở cho công nhân hiện tại, bởi nó cũng không khác gì so với những gian nhà trọ họ đang thuê bên ngoài. Các doanh nghiệp khi tiến hành xây dựng nhà ở cho công nhân vẫn chỉ dừng lại ở suy nghĩ cung cấp cho công nhân chỗ tá túc, hay nói đúng hơn là chỗ ngủ còn mọi sinh hoạt khác đều rất hạn chế, không có những tiện ích đi kèm, như nhà trẻ, trường học, sân chơi…
Ông Nguyễn Quang Huy – Phó Tổng giám đốc APEC Group cho biết, nhà ở công nhân KCN vừa thiếu về số lượng, vừa chưa đáp ứng về chất lượng, không được quy hoạch đồng bộ với khu công nghiệp và các khu dân cư của địa phương. Không ít khu nhà ở cho người lao động thu nhập thấp nhanh xuống cấp, thiếu các tiện ích thiết yếu, thẩm mỹ chưa cao, chưa được quản lý vận hành tốt, cư dân phải chấp nhận cuộc sống tạm bợ…
Tất cả những điều này khiến nhiều người có định kiến với nhà cho công nhân, kiểu “của rẻ là của ôi”, nhưng đồng thời cũng phải chấp nhận với tâm lý “vì tiền ít thì cũng chỉ được thế!”. Do vậy, bài toán nhà ở cho công nhân là một bài toán thách thức nhưng cũng đầy thú vị, đòi hỏi chủ đầu tư tham gia phải có tâm, có tầm và tư duy đổi mới sáng tạo, nghĩ cách làm khác với cách làm truyền thống thì mới có thể giải quyết được triệt để.
Nhiều doanh nghiệp, chủ đầu tư cho rằng với các khu công nghiệp mới đang quy hoạch, điều kiện tiên quyết là phải có nhà ở cho công nhân. Ngoài trách nhiệm của chính quyền, cần quy định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư khu công nghiệp.
Có thể bạn quan tâm