Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Với tổng số gần 24 nghìn công nhân đang làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp trong khu công nghiệp (KCN) nhưng có tới trên 7.000 người cần nhà ở thì đến nay nhu cầu này vẫn chưa thể đáp ứng.
Theo Nghị định 49/2021/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 01/4/2021 thay thế Nghị định 100/2015/NĐ-CP về việc phát triển và quản lý nhà ở xã hội thì khi triển khai xây dựng, phát triển KCN phải quy hoạch diện tích đất phù hợp để xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, thiết chế của công đoàn.
Đây được xem như “cú hích” để từng bước giải quyết nhu cầu về nhà ở cho công nhân, giảm bớt gánh nặng cuộc sống sinh hoạt khi phải thuê trọ đối với người lao động. Nghị định 49/2021/NĐ-CP cũng quy định phải dành quỹ đất phù hợp để xây dựng nhà ở cho công nhân tại các KCN cũng là điều kiện bắt buộc đối với nhà đầu tư.
Quy định là vậy nhưng theo tìm hiểu của PV, vấn đề xây dựng khu nhà ở cho công nhân hiện nay tại các KCN trên địa bàn Nghệ An vẫn chưa được chú trọng. Hàng nghìn công nhân vẫn phải đi thuê trọ để bám trụ nơi làm việc, số khác dù nhà cách công ty, xí nghiệp…hàng chục km nhưng đành phải chọn giải pháp sáng đi, tối về.
Hoặc nhiều người chọn giải pháp thuê phòng trọ diện tích từ 15-20m2 để ở chung, ở ghép từ 2-3 người. Nhiều khu trọ tồi tàn, xuống cấp, không có nhà vệ sinh riêng nhưng hầu hết công nhân xa nhà cũng phải chấp nhận vào ở vì không thể chọn được giải pháp nào khác.
“Bản thân khi về làm việc ở đây đã gần 5 năm nay nhưng cả 2 vợ chồng vẫn phải thuê trọ ngoài để ở. Trong khi đó, nếu lương công nhân như 2 vợ chồng thì chưa biết bao giờ mới có thể gom đủ để mua đất ở Tp Vinh chứ chưa nói tới chuyện xây dựng nhà cửa an cư lạc nghiệp. Vì vậy, dù quê cách nơi làm việc chỉ hơn 60km nhưng con cái còn nhỏ cũng thuê thêm người giúp việc rồi chi phí thuê trọ nữa. Lương thấp, chi phí bỏ ra nhiều nên nhiều lúc chúng tôi cũng tính chuyện nghỉ việc để về quê chứ sau bao nhiêu năm, tiền tích cóp chẳng đáng là bao” - Chị Nguyễn Thị Hương công nhân của một công ty may mặc có trụ sở tại KCN Bắc Vinh cho biết.
Lương thấp, phúc lợi xã hội chưa cao, chi phí trang trải cho sinh hoạt quá lớn đang trở thành gánh nặng đè lên vai hàng nghìn công nhân ở Nghệ An khi chọn nơi làm việc ngay trên chính quê hương của mình.
Còn theo thống kê của tỉnh Nghệ An hiện nay địa bàn có tổng số gần 24 nghìn công nhân đang làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp trong khu công nghiệp (KCN) nhưng có tới trên 7.000 người cần nhà ở nhưng nhu cầu này đến nay vẫn chưa thể đáp ứng.
Từ năm 2017, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã chọn KCN Bắc Vinh để triển khai dự án “Thiết chế Công đoàn cho công nhân” với quy mô đầu tư hơn 500 tỷ đồng.
Theo thiết kế ban đầu, dự án sẽ được triển khai xây dựng 12 dãy nhà 9 tầng bao gồm nhà trẻ, siêu thị, khu đa chức năng... và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2020, sẽ giải quyết chỗ ở cho hàng nghìn lao động làm việc tại KCN này. Vậy nhưng, đến nay dự án vẫn chỉ nằm trên giấy, không hề có bất kỳ hạng mục nào được triển khai.
Hay như tại KCN Nam Cấm vào năm 2019, sau khi UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt quy hoạch xây dựng 2 khu nhà tại 2 xã Nghi Xá và Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc để giải quyết chỗ ở cho khoảng 2.600 công nhân. Tại xã Nghi Tiến, dự án có quy mô đầu tư dự kiến 128,104 tỷ đồng, với diện tích đất sử dụng là 29.994 m2. Tuy nhiên, hiện nay dự án cũng mới đang khởi động hồ sơ về mặt thủ tục pháp lý để triển khai chứ chưa thể giải quyết được chỗ ở kịp thời cho công nhân.
Riêng tại khu nhà ở trên địa bàn xã Nghi Xá cũng gặp vướng mắc về khu đất là tài sản công nên tiến độ triển khai vẫn rất chậm. Vấn đề này cũng đang được Sở Kế hoạch và Đầu tư hoàn thành hồ sơ về công tác thẩm định để trình UBND tỉnh phê duyệt, xem xét chấp thuận giao cho chủ đầu tư thực hiện dự án.
Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Tiến Trị - Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An cho rằng, việc giải quyết nhu cầu nhà ở cho công nhân tại các KCN là yếu tố quan trọng để thu hút, giữ chân người lao động.
Bởi hiện nay Nghệ An đang là tỉnh có dân số đông (3,2 triệu người), trong đó có hơn 2 triệu người trong độ tuổi lao động nên đây được xem là nguồn nhân lực để doanh nghiệp có thể tận dụng để đầu tư xây dựng nhà máy, xí nghiệp…
Cũng theo thông tin từ Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An, mặc dù ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhưng số lượng thu hút dự án đầu tư vào địa phương vẫn có nhiều khởi sắc. Trong 9 tháng đầu năm 2021, tỉnh Nghệ An đã cấp mới cho 77 dự án, điều chỉnh 102 lượt dự án; tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là hơn 21.950 tỷ đồng.
So với cùng kỳ năm 2020, số lượng dự án tăng 30,5%, tổng mức đầu tư tăng gấp 4,97 lần, Nghệ An cũng có 1.321 doanh nghiệp thành lập mới, bằng 99,16% so với cùng kỳ, với tổng số vốn đăng ký hơn 13.523 tỷ đồng.
Còn theo thống kê của Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An đến ngày 10/10 đã có 127 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng gần 37.500 vị trí việc làm mới, trong đó 97 doanh nghiệp nội tỉnh có nhu cầu tuyển hơn 22.160 lao động, mức lương từ 6-12 triệu đồng. Chính vì vậy, nếu giải quyết tốt về nhà ở cho công nhân, đảm bảo các chế độ phúc lợi xã hội thì đây chính là nguồn lực để Nghệ An đẩy mạnh thu hút đầu tư trong thời gian tới.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia để triển khai kịp thời vấn đề này, địa phương cũng cần quan tâm, triển khai các chính sách kịp thời, tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư khi triển khai xây dựng các dự án nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần tạo quỹ đất “sạch” để nhà đầu tư sớm bắt tay vào triển khai dự án và làm sao để hạ tầng nhà ở xã hội có trước khi thu hút công nhân vào làm việc.
Có thể bạn quan tâm
Đề xuất gói tín dụng cho nhà ở công nhân
00:05, 23/10/2021
Cơ chế riêng cho nhà ở công nhân
11:00, 22/10/2021
Hải Phòng: Dành 20% quỹ đất trong khu công nghiệp xây dựng nhà ở công nhân
01:30, 06/05/2019
Cần sớm triển khai dự án nhà ở công nhân
06:00, 29/10/2018
Hải Phòng: Cấp thiết nhà ở cho công nhân
05:00, 26/10/2021
Đề xuất nhiều chính sách phát triển nhà ở cho công nhân
15:33, 16/10/2021