Lành mạnh hóa thị trường trái phiếu doanh nghiệp bất động sản
Việc NHNN ban hành Thông tư 16/2021/TT- NHNN được xem như một động thái thiết lập hàng rào kỹ thuật góp phần lành mạnh hóa thị trường trái phiếu do các doanh nghiệp bất động sản phát hành.
>>> Năng lực trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản ở mức báo động
>>> Bộ Xây dựng đề nghị theo dõi trái phiếu doanh nghiệp bất động sản
THIẾT LẬP HÀNG RÀO KỸ THUẬT
Ngày 10/11/2021, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 16/2021/TT- NHNN thay thế Thông tư số 22/2016/TT-NHNN và Thông tư số 15/2018/TT-NHNN quy định việc tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).
Thực tế cho thấy, thời gian qua thị trường TPDN đã phát triển rất mạnh và trở thành kênh huy động vốn ưa thích của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp bất động sản. Theo thống kê sơ bộ, trong 9 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái, thị trường tiếp tục tăng trưởng 29% và đạt con số 431.000 tỷ đồng.
Một trong những điểm đáng chú ý trong bức tranh phát hành TPDN hiện nay là sự chiếm ưu thế của nhóm các doanh nghiệp BĐS. Cụ thể, theo báo cáo do SSI Research công bố mới đây trong 9 tháng đầu năm 2021, lượng phát hành TPDN của các doanh nghiệp bất động sản hiện chiếm phân nửa ở mức 45,6% (201,9 nghìn tỷ đồng).
Có thể bạn quan tâm |
Tuy nhiên, trong bức tranh phát hành TPDN của các doanh nghiệp BĐS, các chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại về một số rủi ro tiềm ẩn. Theo ông Nguyễn Minh Tuấn - CEO AFA Capital có những TPDN “ba không”, tức doanh nghiệp phát hành không có xếp hạng tín nhiệm, không có tài sản đảm bảo (chiếm 26% khối lượng phát hành) và không có bảo lãnh thanh toán,… cũng đồng nghĩa những trái phiếu này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cảnh báo nguy cơ khi có không ít lô trái phiếu do các doanh nghiệp BĐS được thu xếp phát hành và mua lại phần lớn bởi các công ty chứng khoán. Đặc biệt, các công ty này vốn là “sân sau” của các ngân hàng có liên quan đến doanh nghiệp BĐS phát hành trái phiếu.
Việc các ngân hàng và công ty chứng khoán đang lần lượt là những pháp nhân nắm giữ nhiều nhất trái phiếu doanh nghiệp (với phần lớn trái phiếu BĐS), theo các chuyên gia đang đặt ra một số nguy cơ liên quan đến việc đảo nợ, “mông má” báo cáo tài chính cũng như việc sở hữu chéo.
Xuất phát từ những vấn đề trên, theo đánh giá của giới chuyên gia, việc NHNN ban hành Thông tư 16 được kỳ vọng sẽ tập trung giải quyết được một số vấn đề mang tính hệ thống đã tồn tại lâu nay.
Cụ thể, việc quy định tổ chức tín dụng (TCTD) không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành; để góp vốn mua cổ phần tại doanh nghiệp khác; hay có mục đích để tăng quy mô vốn hoạt động sẽ góp phần làm chặt chẽ hơn vấn đề mục đích mua và bán TPDN.
Bên cạnh đó, quy định trong vòng 12 tháng sau khi bán trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết, TCTD không được mua trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết mà TCTD đã bán và/hoặc trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết được phát hành cùng đợt phát hành với trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết mà TCTD đã bán cũng được xem là một “chốt chặn” kỹ thuật quan trọng.
Theo ông Phan Lê Thành Long - Chuyên gia tài chính Thông tư 16 sẽ là công cụ để không được mua trái phiếu phát hành với mục đích đầu tư vào doanh nghiệp khác - vay để thâu tóm. Nghiệp vụ này nhà phát triển bất động sản Evergrande của Trung Quốc đã dùng rất nhiều, để thâu tóm dự án thông qua mua lại doanh nghiệp sở hữu dự án. Do đó, quy định này ngăn ngừa các giao dịch tương tự ở Việt Nam.
GIẢI PHÁP CHO THỊ TRƯỜNG AN TOÀN VÀ LÀNH MẠNH
Theo TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế trong thời gian tới cần tạo điều kiện để phát triển TPDN BĐS an toàn và lành mạnh. Cụ thể, bên cạnh những ưu điểm thì rủi ro của TPDN cũng không hề nhỏ nếu doanh nghiệp phát hành không có uy tín hoặc uy tín sụt giảm nghiêm trọng do những khó khăn trong hoạt động kinh doanh như trường hợp của tập đoàn Evergeande và nhiều công ty BĐS tại Trung Quốc vừa qua. Nguyên nhân của tình trạng này đến từ việc thiếu cơ chế kiểm soát và cảnh báo rủi ro trên thị trường TPDN, nhất là TPDN BĐS.
Bên cạnh đó, theo TS. Vũ Đình Ánh, nếu thị trường thứ cấp của TPDN kém phát triển sẽ không thể phân tán được rủi ro cũng như tạo ra tín hiệu cảnh báo sớm đối với các doanh nghiệp BĐS và loại TPDN đã phát hành.
"Lãi suất TPDN cũng khó có thể giảm nếu người mua lại thực sự lại chính là các tổ chức tín dụng, theo đó giảm tác động tích cực của TPDN về mặt giảm giá vốn đồng thời tăng nguy cơ rủi ro hệ thống khi cơ chế kiểm soát, phòng ngừa rủi ro đối với TPDN kém hoàn thiện hơn nhiều so với rủi ro tín dụng" - TS. Ánh phân tích.
Xuất phát từ những điểm yếu cần khắc phục kể trên, để khơi thông nguồn vốn từ phát hành TPDN thực sự trở thành nguồn lực tài chính an toàn, lành mạnh hỗ trợ thị trường BĐS phục hồi sau đại dịch COVID-19 theo TS. Vũ Đình Ánh thị trường TPDN cần được hoàn thiện cả phía cung lẫn phía cầu, cả thị trường sơ cấp và thứ cấp, cả người bán và người mua, cả cơ quan quản lý giám sát thị trường nhằm giảm thiểu rủi ro, biến phát hành TPDN trở thành kênh huy động vốn hiệu quả, an toàn và lành mạnh cho thị trường BĐS bên cạnh việc tiếp tục phát triển huy động vốn qua các kênh phát hành cổ phiếu và chứng chỉ quỹ đầu tư vào thị trường BĐS./.
Có thể bạn quan tâm
Ai đang ôm trái phiếu bất động sản nhiều nhất?
05:00, 27/11/2021
Siết đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, ngân hàng có nguy cơ giảm lãi?
11:20, 24/11/2021
Siết đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, ngân hàng gặp khó
05:15, 22/11/2021
TÀI CHÍNH ĐA CHIỀU: Trái phiếu và mối lo doanh nghiệp "chết không làm đám ma"
05:30, 20/11/2021