Không ít nhà băng khẳng định thu nhập ngoài lãi tăng trưởng mạnh thông qua việc đẩy mạnh chuyển đổi số và phát triển sản phẩm dịch vụ, đã hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận trong đại dịch.
>>> Siết đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, ngân hàng gặp khó
Song “nói vậy không hẳn chỉ có vậy”. Bởi thực tế trên thị trường, trước hết có thể nói là 100% ngân hàng vẫn đang phụ thuộc chính vào thu nhập từ lãi. Theo tính toán của TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Nghiên cứu và Đào tạo BIDV, ngân hàng vẫn phụ thuộc vào nghiệp vụ tín dụng truyền thống với thu nhập từ lãi trước dự phòng rủi ro chiếm tỷ lệ 75,9% (số liệu 2020). Hay nói cách khác nguồn thu chủ yếu, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng nguồn thu, vẫn là từ lãi gồm các khoản thu từ hoạt động cho vay của ngân hàng.
Trong những năm qua, các ngân hàng vẫn đang nỗ lực để cải thiện tỷ lệ thu nhập ngoài lãi, với các khoản thu nhập từ hoạt động dịch vụ; kinh doanh ngoại hối, vàng bạc, đá quý; kinh doanh chứng khoán và các hoạt động dịch vụ khác, nhằm thay đổi tỷ trọng này; nhưng sự phụ thuộc này dù có xu hướng giảm, trước mắt vẫn chưa thể bớt phụ thuộc nghiệp vụ chính cho vay.
Trong 2 năm gần đây thị trường chứng khoán và cả trái phiếu vô cùng sôi động, ngân hàng đã tăng mạnh nguồn thu nhập ngoài lãi với đóng góp từ hoạt động mua bán chứng khoán, nhất là chứng khoán đầu tư, trong đó chủ yếu là trái phiếu.
Một loạt các ngân hàng đã “lãi bộn" từ hoạt động mua bán chứng khoán, ghi nhận tại cuối quý III/2021, tỷ lệ thuận với sự tăng trưởng của thị trường vốn.
Có thể kể một số các điển hình như Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội, có cổ phiếu bùng nổ giai đoạn qua là SHB, đã ghi nhận lãi trước thuế cũng bùng nổ kỷ lục so với từ trước đến nay: 9 tháng 2021 đạt 5.055 tỷ đồng, tăng gần 94% so với cùng kỳ năm 2020 và hoàn thành 86% kế hoạch cả năm. Trong đó, SHB có ghi nhận lãi mua bán chứng khoán đầu tư tăng 24% lên 474 tỷ đồng, lãi dịch vụ cũng tăng trưởng 22%, cho thấy nỗ lực nâng cao hiệu quả sử dụng chi phí trên nền tảng số hóa và quản trị tốt của ngân hàng.
Hay như VPBank, ngân hàng mà do nợ xấu vượt 3%, có thể sẽ mất mục kinh doanh trái phiếu doanh nghiệp tới đây nếu không điều chỉnh được tỷ lệ này, đã ghi nhận lãi thuần mua bán chứng khoán đầu tư quý III/2021 lên tới 725 tỷ đồng, gấp 2,8 lần so với cùng kỳ năm trước.
>>> Ngân hàng nào sẽ dẫn đầu phát hành trái phiếu năm 2021?
Tương tự BaoVietBank, ngân hàng có thể cũng sẽ mất quyền rót vốn đầu tư trái phiếu doanh nghiệp khi nợ xấu tại cuối quý III/ 2021 ghi nhận leo thang vượt mặt toàn hệ thống (hơn 10%), thì trong khi thu nhập lãi thuần giảm mạnh, đã có kinh doanh được bù đắp phần nào bởi mua bán chứng khoán đầu tư và hoạt động kinh doanh chứng khoán…
Lãi bằng lần hoặc lãi hàng trăm tỷ đồng bổ sung vào lợi nhuận tiếp tục được nối dài theo danh sách của các nhà băng lớn, nhỏ như:
ACB có lãi bộn từ chứng khoán kinh doanh gấp tới 10,7 lần, thu về 183 tỷ đồng, lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư cũng gấp 2,4 lần đạt 92 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, thu từ chứng khoán kinh doanh của ACB gấp gần 4 lần so cùng kỳ, thu về 388,64 tỷ đồng, trong khi lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư giảm 73%, chỉ ghi nhận 186,65 tỷ đồng (so cùng kỳ lãi gần 700 tỷ đồng).
TPBank lũy kế 9 tháng đầu 2021 thu về hơn 1.463 tỷ đồng từ mảng chứng khoán đầu tư, trong khi cùng kỳ chỉ lãi gần 580 tỷ đồng.
SeABank, ngân hàng có cổ phiếu SSB đã tăng giá trị hơn 100% sau chưa đầy năm chuyển sàn lên HoSE tính đến cuối 30/9/2021, cũng ghi nhận lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư tăng 256%, thu về gần 54 tỷ đồng riêng trong quý III, trong khi cùng kỳ chỉ lãi hơn 15 tỷ đồng. Theo đó, lũy kế 9 tháng đầu năm nay, ngân hàng này thu về hơn 182 tỷ đồng từ mảng chứng khoán đầu tư so với mức lãi của cùng kỳ là hơn 156 tỷ đồng (tương đương mức tăng 17%). Tuy nhiên, chứng khoán kinh doanh của SeABank giảm 18% trong 9 tháng đầu năm nay, còn lãi hơn 42 tỷ đồng.
Một số ngân hàng thậm chí đã đảo lỗ của cùng kỳ năm trước 2020 sang lãi, điển hình là VietABank...
Như vậy, hoàn toàn không quá khi nói rằng không ít ngân hàng đang “kiếm được” trên thị trường vốn. Nhiều nhà băng không giấu diếm là khi thị trường trái phiếu sôi động, bao gồm cả trái phiếu Chính phủ và doanh nghiệp, thì đó là cơ hội để nhà băng tích lũy lợi nhuận, “phòng hao” cho thời kỳ nợ xấu từ rủi ro của COVID-19 có thể kéo dài và họ sẽ phải chịu nặng gánh trích lập dự phòng, xử lý phía tương lai.
Theo những lát cắt trên thì trong trường hợp các ngân hàng bị siết vốn đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, với các quy định về trường hợp bị hạn chế đầu tư cụ thể tại Thông tư 16/2021 mà NHNN vừa ban hành, tất yếu có không ít ngân hàng sẽ “bay màu” một phần lợi nhuận trong thời gian tới đây.
Dù vậy, một chuyên gia nhấn mạnh, điều đó cũng còn tùy thuộc vào khẩu vị đầu tư trong cơ cấu chứng khoán đầu tư hay chứng khoán kinh doanh của các ngân hàng. Nếu ngân hàng nghiêng về chứng khoán đầu tư với giá trị lớn chủ yếu là chứng khoán nợ bao gồm trái phiếu, tín phiếu, giấy tờ có giá, các công cụ phái sinh thì thường có tính an toàn cao, rủi ro thấp. Và chứng khoán đầu tư này thực tế vẫn mang về thu nhập ngoài lãi hiệu quả cho nhiều ngân hàng. Năm 2020, thu nhập từ mua bán chứng khoán đầu tư có đóng góp tích cực cho OCB, song ông Nguyễn Đình Tùng, TGĐ OCB khẳng định ngân hàng chủ yếu chỉ nắm giữ / mua bán trái phiếu Chính phủ, là một ví dụ.
Trong trường hợp ngược lại, nếu ngân hàng rót vốn đầu tư cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp với tỷ trọng lớn (chứng khoán kinh doanh) nhằm mục tiêu hưởng chênh lệch giá trong ngắn hạn và các tài sản tài chính phái sinh mà được nắm giữ không phải với mục đích phòng ngừa, thì rủi ro không chỉ chỉ xảy ra do biến động thị trường, chất lượng của trái phiếu doanh nghiệp, mà còn bao gồm cả rủi ro chính sách như hiện tại với việc NHNN siết lại các trường hợp rót vốn.
“Tuy nhiên, trong thu nhập thuần từ hoạt động kinh doanh, đầu tư, đặc biệt là mua bán chứng khoán đầu tư, trên sổ sách, các NHTM không bóc tách chi tiết chứng khoán, trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp... Do đó, nếu không bị hạn chế rót vốn đầu tư trái phiếu doanh nghiệp khi không rơi vào các trường hợp quy định cụ thể của Thông tư 16, không loại trừ nhiều ngân hàng vẫn sẽ rộng cửa thu lợi nhờ hoạt động mua bán trái phiếu Chính phủ. Đặc biệt là trong kế hoạch tới đây, Bộ Tài chính đang dự kiến thúc đẩy huy động qua nhiều loại hình trái phiếu”, chuyên gia nhận định.
Ông này cũng cho rằng một thông tin từ ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước chia sẻ, là Bộ Tài chính đã ban hành dự thảo Thông tư nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp với việc quy định trái phiếu của công ty không phải công ty đại chúng phải có tài sản đảm bảo hoặc bảo đảm thanh toán toàn bộ gốc, lãi khi đến hạn. “Quy định này nếu được ban hành sẽ khiến nhu cầu huy động vốn của doanh nghiệp từ kênh trái phiếu rất nhanh quay trở lại với nhu cầu tín dụng ngân hàng. Đây lại là cơ hội của các ngân hàng để tăng thu nhập lãi”, ông này nói thêm.
Có thể bạn quan tâm
Ngân hàng nào sẽ dẫn đầu phát hành trái phiếu năm 2021?
05:00, 21/11/2021
TÀI CHÍNH ĐA CHIỀU: Trái phiếu và mối lo doanh nghiệp "chết không làm đám ma"
05:30, 20/11/2021
Ngân hàng chặt cửa cho vay, rộng cửa “ôm” trái phiếu doanh nghiệp
13:00, 17/11/2021
Hạn chế rủi ro qua sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp thứ cấp
11:00, 21/10/2021