Nghiên cứu - Trao đổi

Sửa Luật Doanh nghiệp: Hạn chế rủi ro cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Yến Nhung 23/05/2025 04:00

Cần cân nhắc kỹ đề xuất giới hạn hệ số nợ phải trả không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ để đảm bảo phù hợp thực tiễn.

Trong những năm gần đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã trở thành kênh huy động vốn quan trọng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy một số doanh nghiệp đã lợi dụng các kẽ hở pháp lý để phát hành trái phiếu riêng lẻ với quy mô lớn, vượt khả năng chi trả, dẫn đến đổ vỡ dây chuyền và gây rủi ro cho hệ thống tài chính cũng như ảnh hưởng đến trật tự xã hội.

Để khắc phục tình trạng này, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp (Dự thảo) bổ sung điều kiện hệ số nợ phải trả đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ không được quá 5 lần vốn chủ sở hữu.

trai-phieu-99.jpeg
Dự thảo bổ sung điều kiện hệ số nợ phải trả đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ không được quá 5 lần vốn chủ sở hữu - Ảnh: ITN

Lý giải về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, trước đây, luật không quy định về giới hạn nợ, dẫn đến một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu với quy mô lớn vượt khả năng trả nợ, gây rủi ro hệ. Với quy định mới, chúng ta vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp, vừa có cơ chế kiểm soát tốt, tránh những vụ việc như đã xảy ra thời gian vừa qua. Quy định này được đánh giá là phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam, khi thông tin doanh nghiệp chưa thật sự minh bạch và các công cụ giám sát còn hạn chế.

Dù đồng thuận với chủ trương kiểm soát phát hành trái phiếu riêng lẻ, nhưng một số đại biểu Quốc hội cho rằng cần cân nhắc việc "quy định cứng" mức trần hệ số nợ ngay trong Dự thảo.

Cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Hà Sỹ Đồng, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị cho biết, đây là nội dung từng gây nhiều tranh cãi khi xây dựng luật sửa đổi 9 luật liên quan đến lĩnh vực tài chính, đặc biệt là trong phần sửa đổi Luật Chứng khoán cũng như quá trình soạn thảo Nghị định về phát trái phiếu riêng lẻ. Theo đó, trong luật sửa 9 luật thuộc lĩnh vực tài chính chỉ giao Chính phủ quy định chi tiết chứ không quy định cứng. Đây là phương án hợp lý vì vấn đề hệ số nợ này bao nhiêu phụ thuộc nhiều vào các quy định pháp lý khác, quản lý việc phát hành trái phiếu riêng lẻ.

Theo ông Hà Sỹ Đồng, nếu các điều kiện phát hành và điều kiện đối với nhà đầu tư được quy định chặt chẽ thì không nhất thiết phải giới hạn hệ số nợ, hoặc có thể chấp nhận mức giới hạn cao hơn. Ngược lại, nếu các điều kiện này nới lỏng thì có khi cần siết lại hệ số nợ này. Đáng nói, phần lớn các quy định khác về điều kiện phát hành và điều kiện người mua hiện nay vẫn đang được quy định ở cấp nghị định. Do vậy, nếu ghi cứng giới hạn nợ ở mức 5 lần vốn chủ sở hữu trong luật, sẽ khiến Chính phủ gặp khó khăn trong việc soạn thảo các quy định liên quan đến phát hành chứng khoán riêng lẻ trong tương lai.

"Tôi đề nghị tiếp cận theo hướng tương tự như Luật Chứng khoán, tức là giao cho Chính phủ quy định vấn đề này. Cách làm này phù hợp với tinh thần xây dựng pháp luật hiện nay, khi Quốc hội không nên quyết định những vấn đề chưa ổn định mà cần để mở, linh hoạt theo thực tiễn quản lý

Cũng liên quan đến nội dung này, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh, tại Điểm c1 khoản 3 Điều 128 của Dự thảo có quy định cụ thể rằng hệ số nợ phải trả - bao gồm cả khối lượng trái phiếu dự kiến phát hành - không được vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu của tổ chức phát hành theo báo cáo tài chính năm liền kề trước khi phát hành được kiểm toán, ngoại trừ một số loại hình doanh nghiệp.

Cơ bản, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ đồng tình với chủ trương kiểm soát hệ số nợ để đảm bảo doanh nghiệp không phát hành trái phiếu vượt quá mức tài sản vốn có. Tuy nhiên, bà lưu ý rằng mức trần 5 lần vốn chủ sở hữu cần được xem xét lại trên cơ sở đánh giá cụ thể về quy mô, ngành nghề và mục đích vay vốn của từng loại doanh nghiệp.

Dẫn chứng từ thực tế, bà Thơ cho biết theo các báo cáo tài chính hiện hành, hệ số nợ phải trả an toàn của doanh nghiệp thường dao động từ 40% đến 60%, phản ánh mức độ đòn bẩy tài chính được sử dụng để thúc đẩy tăng trưởng. Do đó, bà đề xuất Ban soạn thảo cân nhắc giới hạn hệ số nợ trong khoảng từ 3,5 đến 4 lần vốn chủ sở hữu, thay vì mức 5 lần như Dự thảo hiện tại.

Nhiều đại biểu cũng bày tỏ quan điểm tương tự, đồng thời đề nghị làm rõ khái niệm “nợ phải trả” trong Dự thảo – vốn là một thuật ngữ còn khá mới, dễ gây hiểu lầm trong quá trình thực thi. Một vấn đề khác được nêu ra là cần xác định rõ trường hợp nào áp dụng giới hạn hệ số nợ, bởi thực tế có nhiều doanh nghiệp vận hành chủ yếu bằng vốn vay ngân hàng hoặc thường xuyên đảo nợ để duy trì sản xuất, kinh doanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sửa Luật Doanh nghiệp: Hạn chế rủi ro cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO