Nhiều ý kiến cho rằng cần chính thức đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp, đồng thời có chính sách hỗ trợ phù hợp nhằm thúc đẩy chuyển đổi từ hộ kinh doanh sang doanh nghiệp
Thực tế, Việt Nam hiện có trên 5,2 triệu hộ kinh doanh, tạo ra khoảng 8 - 9 triệu việc làm, tương đương với khối doanh nghiệp tư nhân cả nước. Đây là lực lượng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm sinh kế, tạo động lực cho tiêu dùng nội địa, đồng thời góp phần giữ ổn định kinh tế - xã hội ở nhiều địa phương. Theo tính toán, nếu chỉ 1/5 số hộ kinh doanh hiện nay chuyển đổi thành doanh nghiệp, Việt Nam sẽ sớm hoàn thành mục tiêu có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2030 như Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy quá trình “lớn lên” của hộ kinh doanh vẫn đang gặp nhiều rào cản. Tâm lý e ngại về thủ tục pháp lý phức tạp, nghĩa vụ thuế tăng cao, chi phí tuân thủ lớn và thiếu tiếp cận các chính sách hỗ trợ là những lý do khiến nhiều hộ vẫn "ngại" lên doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều quy định hiện hành vẫn chưa tạo được môi trường khuyến khích và bảo vệ hiệu quả quyền lợi của những chủ thể kinh doanh quy mô nhỏ.
Ở góc nhìn chuyên gia, ông Nguyễn Minh Phong, Chuyên gia kinh tế nhận định, để quá trình chuyển đổi từ hộ kinh doanh sang doanh nghiệp thực sự hiệu quả, điểm mấu chốt là phải giải tỏa tâm lý “ngại lớn” đang tồn tại trong cộng đồng kinh doanh nhỏ.
Cơ chế, chính sách đã có, nhưng phải giải thích cho hộ kinh doanh hiểu, lên doanh nghiệp sẽ được ưu đãi nhiều hơn, chứ không phải phiền hà, tốn kém, bị quấy rầy nhiều… Môi trường kinh doanh phải đảm bảo bình đẳng tiếp cận quyền lợi cho các hộ kinh doanh, sau khi phát triển thành doanh nghiệp. Bình đẳng về đất đai, hạ tầng, tín dụng, cơ hội kinh doanh, nguồn lực con người.
Đặc biệt, ông cũng lưu ý rằng, cần đảm bảo sự công khai, minh bạch và ngăn chặn tình trạng "sân sau, thân hữu", vốn là yếu tố khiến nhiều người kinh doanh chân chính lo ngại.
“Luật doanh nghiệp cần có phân ngành luật dành riêng cho hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp. Cũng mang tên doanh nghiệp, nhưng quy định với nhóm này làm sao dễ phổ cập, tuân thủ. Doanh nghiệp chỉ cần 1 người, 1 máy tính có thể hoạt động được, với hệ sinh thái hỗ trợ dùng chung như kế toán, thuế… Quy định cho doanh nghiệp ít người, nhiều người phải khác nhau, đơn giản hóa”, ông Phong khuyến nghị.
Xoay quanh vấn đề này, đại biểu Trần Thị Nhị Hà, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện - Giám sát Quốc hội cho biết, hiện khu vực kinh tế tư nhân có khoảng hơn 5 triệu hộ kinh doanh và 940.000 doanh nghiệp. Hộ kinh doanh chiếm tỷ lệ rất lớn trong khu vực này. Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp hiện hành và Dự thảo luật sửa đổi lại chưa đề cập đến việc cải cách mô hình kinh doanh đã được Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị (về phát triển kinh tế tư nhân).
Theo đại biểu Hà, Nghị quyết 68-NQ/TW đã xác định rõ định hướng khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh sang doanh nghiệp và yêu cầu xóa bỏ hoàn toàn hình thức thuế khoán đối với hộ kinh doanh chậm nhất vào năm 2026. Thực tế, dù Nhà nước đã nhiều lần kêu gọi chuyển đổi kể từ Luật Doanh nghiệp năm 2005, nhưng số lượng hộ kinh doanh không giảm mà còn tăng lên.
Lý do chủ yếu, là do hộ kinh doanh hiện được hưởng nhiều ưu đãi về thủ tục thuế khoán đơn giản, ít bị kiểm soát chứng từ kế toán, và mức xử phạt hành chính cũng nhẹ hơn so với doanh nghiệp (chỉ bằng một nửa). Những yếu tố này tạo ra tâm lý “ngại lên doanh nghiệp” trong cộng đồng hộ kinh doanh.
Ngoài ra, Luật Doanh nghiệp hiện còn tồn tại bất cập trong cách phân loại doanh nghiệp, khi chia thành hai nhóm một là công ty (doanh nghiệp có tư cách pháp nhân) và một nhóm là doanh nghiệp tư nhân (một loại hình kinh doanh do một cá nhân làm chủ chịu trách nhiệm vô hạn bằng toàn bộ tài sản của mình và không có tư cách pháp nhân). Điều này dẫn đến tình trạng một số quy định trở nên quá lỏng lẻo với công ty nhưng lại quá ràng buộc với doanh nghiệp tư nhân khi nhiều quy định được thiết kế theo logic của công ty.
Từ thực tiễn đó, đại biểu kiến nghị Chính phủ cần xây dựng lộ trình chuyển đổi toàn bộ hộ kinh doanh sang mô hình doanh nghiệp gắn với thời hạn xóa bỏ thuế khoán vào năm 2026 như tinh thần Nghị quyết 68-NQ/TW. Đồng thời, cần nghiên cứu ban hành Luật Doanh nghiệp tư nhân mới thay thế cho cả mô hình hộ kinh doanh và doanh nghiệp tư nhân.
Đối với các mô hình kinh doanh nhỏ, siêu nhỏ, đại biểu đề xuất thiết kế luật theo nguyên tắc thủ tục thành lập đơn giản, chi phí thấp, miễn kiểm toán, miễn báo cáo tài chính định kỳ nếu doanh thu dưới ngưỡng quy định, áp dụng thuế thu nhập cá nhân thay vì thuế khoán, bảo đảm công bằng và minh bạch.