Nghiên cứu - Trao đổi

Bỏ thuế khoán đối với hộ kinh doanh: “Cuộc cách mạng” trong quản lý thuế

Gia Nguyễn 03/05/2025 04:30

Trước những tồn tại, bất cập đang hiện hữu, không ít ý kiến cho rằng, việc bỏ phương pháp thuế khoán với hộ kinh doanh tại Nghị định 70/2025/NĐ-CP được cho là “cuộc cách mạng” trong quản lý thuế.

Báo cáo của Cục Thống kê, Bộ Tài chính cho thấy, tính đến cuối năm 2024, cả nước có 3,6 triệu hộ kinh doanh đang được quản lý thuế, đóng góp 25.953 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước. Số thu ngân sách Nhà nước 3 tháng đầu năm 2025 ghi nhận 8.695 tỷ đồng và tăng 25,7% so với cùng kỳ năm 2024, cho thấy tiềm năng đóng góp to lớn của khu vực kinh tế này.

bo-thue-khoan-doi-voi-ho-kinh-doanh-2.5.2.jpg
Nghị định 70/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ đã yêu cầu các hộ kinh doanh có doanh thu từ 1 tỷ đồng/năm phải sử dụng hóa đơn điện tử có kết nối máy tính tiền - Ảnh minh họa: ITN

Theo các chuyên gia, công tác quản lý thuế từ trước đến nay là phần lớn hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán, tức là Cơ quan Thuế sẽ ấn định một mức doanh thu cố định cho cả năm và hộ kinh doanh nộp thuế dựa trên mức khoán này. Ưu điểm của phương pháp này là đơn giản, dễ thực hiện, phù hợp với trình độ quản lý còn hạn chế của nhiều hộ kinh doanh.

Tuy nhiên, phương pháp khoán cũng bộc lộ nhiều nhược điểm như: Thứ nhất - không khuyến khích minh bạch doanh thu, bởi hộ kinh doanh có thể khai thấp hơn doanh thu thực tế để giảm mức thuế khoán; Thứ hai - gây khó khăn cho Cơ quan Thuế trong việc kiểm soát doanh thu, dễ dẫn đến thất thu ngân sách; Thứ ba - tạo ra sự bất bình đẳng giữa các hộ kinh doanh, bởi có thể có những hộ kinh doanh có doanh thu thực tế cao hơn nhiều so với mức khoán, nhưng vẫn nộp thuế ít hơn so với những hộ kinh doanh có doanh thu thực tế thấp hơn, nhưng bị ấn định mức khoán cao.

Trước những vấn đề đã nêu, Nghị định 70/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ đã yêu cầu các hộ kinh doanh có doanh thu từ 1 tỷ đồng/năm phải sử dụng hóa đơn điện tử có kết nối máy tính tiền. Việc quản lý hóa đơn, chứng từ điện tử sẽ được áp dụng theo quy trình mới nhằm giảm thiểu rủi ro, nâng cao hiệu quả giám sát hóa đơn, tránh thất thu thuế.

Theo đó, từ ngày 01/6/2025, hàng chục ngàn hộ kinh doanh có doanh thu từ 1 tỷ đồng/năm thuộc các nhóm ngành nghề như: ăn uống, nhà hàng, khách sạn, siêu thị, bán lẻ… trên cả nước sẽ không còn nộp thuế khoán. Những hộ này sẽ chuyển sang xuất hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền kết nối dữ liệu với cơ quan thuế.

bo-thue-khoan-doi-voi-ho-kinh-doanh-2.5.1.jpg
Theo các chuyên gia, đây là chính sách phù hợp giúp minh bạch doanh thu, tránh tình trạng thất thu thuế - Ảnh minh họa: ITN

Việc thay đổi phương thức quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, chuyển từ thuế khoán sang xuất hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền kết nối dữ liệu với cơ quan thuế được kỳ vọng sẽ tạo ra một “cuộc cách mạng” trong quản lý thuế, nhằm minh bạch doanh thu, tránh tình trạng thất thu thuế.

Đánh giá cao tác động của Nghị định 70/2025/NĐ-CP, bà Phạm Tuyết - Giám đốc Công ty Tư vấn Giải Pháp Kế toán Việt Nam cho rằng, Nghị định có hành lang pháp lý rõ ràng hơn, quy định cụ thể hộ kinh doanh nào phải xuất hóa đơn, xuất hóa đơn điện tử với hộ kinh doanh trên 1 tỷ đồng.

Đồng thời gợi ý, hộ kinh doanh nên tìm hiểu kỹ các quy định pháp luật và thuê kế toán bên ngoài để được tư vấn, hỗ trợ.

Đồng quan điểm, nhiều ý kiến cũng cho rằng, trên thực tế, hóa đơn điện tử là xu hướng tất yếu của thời đại số, mang lại lợi ích lâu dài cho cả hộ kinh doanh, Nhà nước và người tiêu dùng. Để triển khai thành công chính sách này, cần có sự chủ động, hợp tác từ các bên.

Trong đó, hộ kinh doanh cần chủ động tìm hiểu, thay đổi thói quen, áp dụng công nghệ. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi. Cùng với đó, các đơn vị cung cấp giải pháp cần cung cấp sản phẩm, dịch vụ chất lượng, giá cả hợp lý.

Theo ông Lê Hồng Quang - Tổng giám đốc Công ty Misa, việc tuân thủ quy định về hóa đơn, chứng từ theo Nghị định 70/2025/NĐ-CP là bước quan trọng góp phần thúc đẩy chuyển đổi số của khối kinh tế tư nhân phát triển minh bạch và chuyên nghiệp hơn. Việc áp dụng hóa đơn điện tử vừa giúp kê khai thuế, kinh doanh hiệu quả hơn và cũng có thể góp phần hỗ trợ người kinh doanh vay vốn từ ngân hàng.

Còn theo ông Nguyễn Nam Bình - Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực II, Chính phủ định hướng đổi mới chính sách thuế với hộ kinh doanh từ nộp thuế khoán sang tự kê khai, tự nộp thuế.

“Mục tiêu đổi mới chính sách quản lý thuế đối với hộ kinh doanh được xem là một trong những mũi nhọn thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân”, vị này nhấn mạnh.

Mặc dù vẫn còn đó một số băn khoăn, thế nhưng xoay quanh vấn đề bỏ phương pháp thuế khoán với hộ kinh doanh đề đồng tình, việc áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối dữ liệu với cơ quan thuế với hộ kinh doanh có doanh thu từ 1 tỉ đồng/năm trở lên là bước tiến tất yếu giúp hộ kinh doanh minh bạch hóa giao dịch, thuận tiện quản lý. Quan trọng nhất là nâng cao uy tín, tạo điều kiện mở rộng thị trường trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bỏ thuế khoán đối với hộ kinh doanh: “Cuộc cách mạng” trong quản lý thuế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO