
Sức ép chính trị dần hiện rõ
Trong một buổi tọa đàm trực tiếp do NewsNation tổ chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump thừa nhận rằng những nỗ lực của ông tiềm ẩn rủi ro chính trị lớn, và nếu nhận thức của công chúng không thay đổi, điều đó có thể khiến Đảng Cộng hòa mất quyền kiểm soát Hạ viện trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.
“Đúng, tôi biết điều đó,” ông trả lời khi được hỏi liệu các chính sách thuế của ông có gây ra vấn đề về nhận thức hay không.
Bất chấp nguy cơ đó, ông Trump khẳng định vẫn quyết tâm tiếp tục chính sách này. “Tôi chỉ nghĩ rằng mình sẽ có thể thuyết phục mọi người thấy điều này là tốt như thế nào,” ông Trump nói.
Phát biểu này được đưa ra sau khi Cục Phân tích Kinh tế Mỹ (BEA) công bố số liệu cho thấy nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng âm trong quý đầu năm – lần đầu tiên kể từ 2022. Nguyên nhân chủ yếu là lượng nhập khẩu tăng mạnh trước khi thuế quan có hiệu lực, cùng với việc chi tiêu công giảm.
Bên cạnh đó, báo cáo việc làm cũng cho thấy số lượng tuyển dụng trong tháng 4 thấp hơn kỳ vọng, làm gia tăng lo ngại trên Phố Wall và dẫn đến một ngày giao dịch đầy biến động.
Dù vậy, ông Trump vẫn tỏ ra cứng rắn. Ông cho biết đã có những “thỏa thuận tiềm năng” với Hàn Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ, nhưng khẳng định mình “không vội vàng” như những người đang lo ngại về diễn biến của nền kinh tế.
“Chúng ta đang ở thế thượng phong. Họ cần chúng ta, chứ chúng ta không cần họ,” ông Trump phát biểu, đồng thời cho biết Ấn Độ đang “rất khát khao một thỏa thuận.”
Về Trung Quốc, ông thừa nhận rằng có “cơ hội rất lớn” đạt được một thỏa thuận thương mại, nhưng nhấn mạnh “phải là theo điều kiện của chúng ta và công bằng.”
Tuy nhiên, trong khi Tổng thống Mỹ tuyên bố kiên định lập trường, đại diện Thương mại Mỹ – ông Jamieson Greer – lại thừa nhận rằng chưa có cuộc đàm phán chính thức nào giữa Mỹ và Trung Quốc. Trái lại, theo truyền thông Trung Quốc, chính phía Washington là bên chủ động liên hệ với Bắc Kinh để khởi xướng đàm phán.

Đội ngũ của ông Trump đã ra sức trấn an thị trường trước biến động. Đại diện thương mại Mỹ tiết lộ rằng một loạt thỏa thuận đầu tiên đang gần hoàn tất và có thể được công bố trong vài tuần tới.
Theo Greer, đàm phán với Ấn Độ vẫn còn cách mục tiêu, nhưng Mỹ vẫn liên hệ thường xuyên với trưởng đoàn đàm phán nước này. Các cuộc thương lượng với Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đang tiến triển tốt, bên cạnh các cuộc họp dự kiến với các đại diện từ Guyana, Saudi Arabia, Philippines và Canada.
Ván cược lớn của ông Trump
Tuy nhiên, bất chấp những lời trấn an, các chỉ số kinh tế lại cho thấy dấu hiệu bất ổn. Chỉ số S&P 500 đã giảm hơn 8% kể từ khi ông Trump nhậm chức, và niềm tin người tiêu dùng trong tháng 4 xuống mức thấp nhất trong gần 5 năm. Mặc dù vậy, ông Trump vẫn khẳng định chính sách thuế quan của ông đang “truyền cảm hứng cho một làn sóng đầu tư trong nước chưa từng có.”
Tại một sự kiện tại Nhà Trắng với hàng chục giám đốc điều hành các tập đoàn lớn như General Electric, Hyundai, Toyota, Johnson & Johnson, Eli Lilly, Nvidia và SoftBank, ông Trump nhấn mạnh: “Mỗi nhà máy mới, mỗi việc làm mới được tạo ra là một dấu hiệu cho thấy sức mạnh của kinh tế Mỹ và niềm tin vào tương lai của nước Mỹ.”
Tháng vừa qua ghi nhận biến động lớn, S&P 500 chạm đáy, nhưng sau đó hồi phục một phần. Trái phiếu kho bạc tăng giá bốn tháng liên tiếp, trong khi đồng USD ghi nhận tháng tồi tệ nhất kể từ 2022.
Dù nền kinh tế Mỹ suy giảm trong quý đầu năm do nhập khẩu tăng mạnh trước khi áp thuế, chi tiêu tiêu dùng lại tăng và lạm phát giảm nhẹ.
Một số doanh nghiệp lớn như Microsoft, Meta công bố kết quả kinh doanh khả quan, cho thấy nhu cầu vẫn ổn định. Tuy nhiên, triển vọng còn tùy thuộc vào diễn biến thuế quan – nếu đạt được các thỏa thuận nhanh, thị trường có thể lạc quan hơn; nếu kéo dài, nguy cơ suy thoái và lạm phát đình trệ sẽ tăng.
Chính sách thương mại của ông Trump đang đặt nước Mỹ vào một thế đối đầu có tính toán, nhưng cũng đầy mạo hiểm.
Về mặt chiến lược, việc áp thuế có thể tạo sức ép buộc các đối tác phải nhượng bộ – một công cụ thường thấy trong thương lượng quốc tế. Tuy nhiên, cái giá phải trả là sự bất ổn trên thị trường tài chính và nguy cơ tăng trưởng chậm lại trong ngắn hạn.
Từ góc độ chính trị, ông Trump cũng đang đánh cược lớn. Nếu các thỏa thuận không mang lại lợi ích rõ rệt và nhanh chóng, ông và đảng Cộng hòa có thể phải trả giá trong các kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ. Nhưng nếu thành công, đây sẽ là minh chứng rõ ràng cho triết lý “nước Mỹ trên hết” – ưu tiên sản xuất nội địa, việc làm trong nước, và vị thế kinh tế độc lập.