Việc Mỹ chuẩn bị áp thuế lên chất bán dẫn có nguy cơ khiến chuỗi cung ứng chip đứng trước nguy cơ bị phân tách.
Ngày 3 tháng 4, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rằng mức thuế đối với hàng nhập khẩu chất bán dẫn sẽ được áp dụng rất sớm. Tuyên bố này được đưa ra sau thông báo của ông về việc áp dụng thuế đối ứng đối với tất cả hàng nhập khẩu, với mức thuế khác nhau tùy theo mức độ được cho là rào cản thương mại mà các đối tác của Washington áp dụng.
Sau đó, Tổng thống Trump đã tạm hoãn việc áp dụng thuế đối ứng đối với các quốc gia không trả đũa Mỹ và sẵn sàng đàm phán song phương. Tuy nhiên, viễn cảnh áp thuế bổ sung riêng đối với các sản phẩm chất bán dẫn đã khiến các nhà sản xuất chip ở châu Á và những bên liên quan khác trong ngành lo ngại.
Mặc dù Tổng thống Trump đã buộc các nhà sản xuất chip lớn như TSMC và Samsung phải mở rộng sản xuất tại Mỹ, nhưng việc di dời toàn bộ hệ sinh thái của ngành công nghiệp bán dẫn là điều gần như không thể. Bởi vì điều này sẽ phá vỡ sự phân công lao động hiện tại giữa các công ty thiết kế, vật liệu, thiết bị sản xuất, nhà máy đúc chip và thử nghiệm, đồng thời làm gián đoạn lợi thế so sánh và các liên minh doanh nghiệp.
Vì một số phân đoạn trong chuỗi sản xuất, bao gồm wafer, vật liệu đóng gói và thiết bị thử nghiệm đang tập trung tại Nhật Bản, nên việc chính phủ Mỹ ép buộc "hồi hương" các hoạt động sản xuất chip làm dấy lên câu hỏi quan trọng về phạm vi áp dụng của mức thuế này.
Theo ông Yoichiro Sato, Giáo sư tại Đại học Ritsumeikan Châu Á Thái Bình Dương, dù Nhật Bản đã không thể giảm bớt sự thống trị của Mỹ trong thiết kế và sản xuất chip CPU và GPU, hoặc giành lại vị trí dẫn đầu trước đây trong sản xuất chip nhớ, nhưng nước này vẫn giữ vai trò quan trọng trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo (AI). Chẳng hạn, Sony tập trung vào sản xuất chip cảm biến hình ảnh và là nhà cung cấp chủ lực cho các hãng sản xuất điện thoại thông minh và thiết bị chơi game.
Công nghệ Nhật Bản là yếu tố thiết yếu trong phát triển AI, vì đồ họa ngày càng do AI xử lý. Shinetsu Chemical và Sumco chiếm 60% thị phần toàn cầu về wafer silicon. 75% nguồn cung toàn cầu về vật liệu quang khắc cao cấp, nhựa được dùng để khắc mạch trên wafer đến từ Shinetsu Chemical, Tokyo Ohka Kogyo, JSR và Fuji Film.
Các lớp phủ và mẫu quang khắc này được tạo ra bởi thiết bị chuyên dụng của hai công ty Nhật là Tokyo Electron và Screen Holdings, vốn chiếm 88% thị phần toàn cầu. Các công ty Nhật chuyên cung cấp thiết bị cắt lát, đánh bóng wafer, đóng gói và thử nghiệm chip cũng nắm giữ thị phần lớn trên thế giới.
Tất cả các bên trong hệ sinh thái chất bán dẫn đều đang theo dõi với lo ngại trước các thông báo thuế thay đổi liên tục của chính quyền Trump.
Hiện nay, do các công nghệ then chốt và thị phần áp đảo của từng công đoạn sản xuất chip tập trung ở một số công ty nhất định, thuế quan của Mỹ sẽ làm tăng chi phí cho các nhà sản xuất trong nước như Intel, trong khi các nhà máy đúc chip châu Á vẫn được hưởng lợi từ việc nhập thiết bị với mức thuế thấp hơn hoặc bằng 0. Việc áp thuế lên thiết bị như vậy sẽ đi ngược lại mục tiêu đưa sản xuất chip quay về Mỹ.
Bên cạnh đó, ông Sato chỉ ra, nếu đánh thuế trên toàn bộ giá trị sản phẩm, giá tại thị trường Mỹ sẽ tăng mạnh; còn nếu loại trừ giá trị của các linh kiện không chứa chip, điều này có thể dẫn đến làn sóng thao túng giá chuyển nhượng. Truy tìm các sản phẩm tái xuất dạng vòng cũng sẽ rất khó khăn.
Chip có mặt trong cả sản phẩm cuối cùng như máy tính và điện thoại thông minh, lẫn linh kiện như thẻ mở rộng và máy chủ. Quy tắc xuất xứ sẽ ảnh hưởng đến quyết định của các doanh nghiệp về nơi sản xuất, và càng làm phức tạp nỗ lực đưa sản xuất chip quay trở về Mỹ.
Tổng thống Trump đã chọn Nhật Bản là quốc gia đầu tiên để đàm phán thương mại song phương. Theo truyền thông, ông Trump đã nêu rõ gạo, thịt bò, khoai tây và trái cây có múi là các mặt hàng xuất khẩu ưu tiên của Mỹ sang Nhật để giảm thâm hụt thương mại. Ông Trump cũng cáo buộc Nhật áp đặt các rào cản phi thuế đối với ô tô Mỹ, và tuyên bố sẽ công bố thuế chất bán dẫn vào tuần sau.
Đáp lại, các công ty Mỹ như Apple lắp ráp sản phẩm điện thoại tại Trung Quốc và sử dụng nhiều linh kiện chip từ nhiều nguồn đang vận động hành lang để chính quyền Trump giới hạn phạm vi áp thuế.
Trong khi đó, các nhà sản xuất chip cấp thấp hơn của Hàn Quốc như Samsung và SK Hynix cũng đang thấy hoạt động của họ tại Trung Quốc bị đe dọa, khi một cuộc điều tra theo Mục 301 của Mỹ về các hành vi thương mại không công bằng như vi phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Trung Quốc có thể dẫn đến thuế trừng phạt đối với các loại chip cũ sản xuất tại đây.
Trung Quốc đã đáp trả bằng cách áp thuế trả đũa, đồng thời thay đổi định nghĩa xuất xứ của chip, tính theo nơi sản xuất wafer thay vì nơi đóng gói.
Cách làm này mở rộng phạm vi chịu thuế, nhắm vào các hoạt động đóng gói của các công ty Mỹ như AMD và Intel ở Đông Nam Á, cũng như các nhà máy đúc chip tại Đài Loan và Hàn Quốc sử dụng wafer sản xuất từ Mỹ. Nó cũng khiến các công ty Nhật như Shinetsu và Samco e ngại việc chuyển sản xuất wafer sang Mỹ. Đồng thời, mức thuế của Trung Quốc cũng khuyến khích sản xuất wafer tiên tiến ngay trong nước nhằm thay thế nhập khẩu.
Seohee Park, một nhà nghiên cứu tại Đại học Tohoku, so sánh chuỗi cung ứng chất bán dẫn với các tuyến thương mại cổ đại, nơi các quốc gia hay bộ tộc chuyên biệt kiểm soát những điểm nút then chốt.
Tuy nhiên, bà cho biết chuỗi cung ứng kỹ thuật số ngày nay có thể sẽ kháng cự mạnh hơn trước các toan tính chính trị, vì từng phân đoạn vẫn gắn kết chặt chẽ xuyên biên giới, bất chấp áp lực địa chính trị gia tăng.
Nhật Bản đang tận dụng làn sóng “hữu nghị hóa chuỗi cung ứng” của Mỹ trong sản xuất chip. Các khoản trợ cấp chính phủ đã thu hút TSMC của Đài Loan sản xuất chip bán dẫn cấp hai tại tỉnh Kumamoto, hồi sinh cụm công nghiệp "Đảo Silicon" ở Kyushu.
Rapidus là một liên danh gồm các tập đoàn điện tử hàng đầu Nhật Bản như Sony, NEC, NTT và Kioxia, cùng các khách hàng lớn về chip tiên tiến như Toyota, SoftBank và Denso, cũng như chính phủ. Mục tiêu của họ là sản xuất chip 2-nanomet ở quy mô thương mại vào năm 2027.
Tuy nhiên, việc sản xuất thử nghiệm cho Broadcom của Mỹ đã nhiều lần bị trì hoãn và hiện dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 7 tới. Dù việc giành lại thị phần trong mảng chip tiên tiến có thể khó khả thi, nhưng các hoạt động nghiên cứu và phát triển của Rapidus có khả năng giúp Nhật duy trì vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực thiết bị sản xuất chip hiện đại.