Kinh tế

Việt Nam vẫn có thể được hưởng lợi từ xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng

Đình Đại 13/04/2025 04:20

Trong 90 ngày tạm hoãn thuế đối ứng, Việt Nam vẫn có thể được hưởng lợi từ xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng, đặc biệt từ quốc gia chịu mức áp thuế cao hơn so với Việt Nam.

Ngày 03/04 vừa qua (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố áp dụng các mức thuế đối ứng lên hàng hóa nhập khẩu từ nhiều quốc gia có quan hệ thương mại với Mỹ. Trong đó, Việt Nam bị áp mức thuế đối ứng cao, lên đến 46%, mức thuế này đã vượt xa tính toán của giới chuyên gia.

thuedoiung.jpg
Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố áp dụng các mức thuế đối ứng đối với Việt Nam lên đến 46%.

Theo White House, thuế đối ứng áp dụng cho toàn bộ các mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ, ngoại trừ: Các mặt hàng thuộc phạm vi điều chỉnh của điều khoản 50 USC 1702(b) (liên quan đến an ninh quốc gia hoặc viện trợ nhân đạo); Các mặt hàng thép/nhôm và ô tô/phụ tùng ô tô đã chịu thuế theo Mục 232 (Đạo luật Mở rộng Thương mại năm 1962); Các mặt hàng đồng, dược phẩm, chất bán dẫn và gỗ xẻ; Tất cả các mặt hàng có thể sẽ chịu thuế theo Mục 232 trong tương lai; Vàng thỏi; Năng lượng cùng với một số loại khoáng sản nhất định không có sẵn tại Mỹ.

Sẽ có khoảng 90% tổng lượng hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ sẽ phải chịu mức thuế đối ứng 46%, bao gồm toàn bộ các mặt hàng xuất khẩu chủ lực: máy móc linh kiện, dệt may, sản phẩm gỗ nội thất, giày dép, thủy sản. Điều này dẫn đến giảm sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu so với đối thủ cạnh tranh như Ấn Độ (26%), Indonesia (32%), Thái Lan (36%),… do chênh lệch thuế quan lớn.

Theo WorldBank, Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới, với khoảng 50% GDP và việc làm phụ thuộc trực tiếp hoặc gián tiếp vào xuất khẩu. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2024 đạt 786,29 tỷ USD gấp 1,6 lần so với GDP. Trong khi đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 30% kim ngạch xuất khẩu của cả nước năm 2024 (theo Tổng cục Hải quan). Do đó, với mức thuế đối ứng cao 46%, triển vọng tăng trưởng GDP trong năm nay có thể gặp thách thức.

xuatkhau.jpg
Top 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang Mỹ - Nguồn: Tổng cục Hải quan, PSI tổng hợp.

Tuy nhiên, ngày 9/04/2025 (theo giờ Mỹ), chỉ ít giờ sau khi mức thuế quan mới có hiệu lực, Tổng thống Donald Trump đã bất ngờ thông báo hoãn thuế 90 ngày đối với các quốc gia quyết định không trả đũa theo bất kỳ cách nào, ngoại trừ Trung Quốc bị áp mức thuế lên đến 125% và có hiệu lực ngay lập tức.

Cụ thể, theo thông báo mới, có hơn 75 quốc gia đã gửi thông điệp đàm phán thuế quan với Mỹ, trong đó có Việt Nam. Các quốc gia không trả đũa theo bất kỳ, hay hình thức nào đối với Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã cho phép tạm dừng áp dụng mức thuế đối ứng mới trong 90 ngày, đồng thời, tạm áp dụng mức thuế 10% đối với tất cả các quốc gia này trong thời gian tạm hoãn thuế đối ứng để đàm phán. Quyết định này cũng có hiệu lực ngay lập tức.

Các chuyên gia của VCBS Research đánh giá, Việt Nam lựa chọn cách tiếp cận thận trọng và cân nhắc dài hạn, Chính phủ ưu tiên giải pháp thương lượng thay vì đối đầu trực tiếp, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến quan hệ thương mại song phương và nền kinh tế trong nước. Việt Nam sẽ có thêm thời gian để thương lượng, và với thế mạnh ngoại giao linh hoạt đã được chứng minh qua thời gian, diễn biến đàm phán xa hơn có thể chuyển biến tích cực hơn nữa.

VCBS Research cũng lưu ý rằng mặc dù hoãn thuế, nhưng vẫn sẽ áp dụng mức 10%, nên nhóm xuất khẩu ít nhiều vẫn bị tác động xấu so với trước kia. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu dùng nội địa tại Mỹ vẫn đang được quan sát; do đó, xu hướng dịch chuyển cung ứng sang các quốc gia ổn định về chính trị vẫn là xu hướng chính.

Trong 90 ngày tới, VCBS Research cho rằng, Việt Nam vẫn có thể được hưởng lợi từ xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng, đặc biệt từ quốc gia chịu mức áp thuế cao hơn so với Việt Nam. Thậm chí, xa hơn, nếu căng thẳng thương mại Mỹ - Trung được nâng lên cùng các động thái liên tục trả đũa, và Việt Nam vẫn chứng minh được nền tảng ổn định vững chắc, Việt Nam sẽ là điểm đến lý tưởng của dòng vốn đầu tư và các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đơn vị này duy trì quan điểm chính sách tiền tệ có thể được điều hành theo chiều hướng đảm bảo các yếu tố ổn định vĩ mô và tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ các doanh nghiệp. Trong khi đó, bên cạnh các động thái đàm phán đã và đang được thương thảo, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung và củng có nội lực tăng trưởng trong nước, được kể đến như: đẩy mạnh đầu tư công, thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, dịch vụ.

“Chúng tôi hoàn toàn lạc quan và tự tin vào động thái điều hành trong nước và chính sách ngoại giao của Chính phủ Việt Nam, tất cả hướng đến mục tiêu tăng trưởng bền vững. Đồng thời, chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến các động thái thương thảo, và quyết định cuối cùng về chính sách thuế trong giai đoạn sắp tới”, VCBS Research đánh giá.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Việt Nam vẫn có thể được hưởng lợi từ xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO