Kinh tế

7 nhóm giải pháp thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu khi Mỹ áp thuế đối ứng

Đình Đại 09/04/2025 21:30

Tại Hội thảo “Tăng trưởng kinh tế TP HCM trước tác động chính sách thuế quan mới của Mỹ", TS Trương Minh Huy Vũ đã đề xuất 7 nhóm giải pháp thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu.

tphcm1.jpg
TP HCM tổ chức Hội thảo “Tăng trưởng kinh tế TP HCM trước tác động chính sách thuế quan mới của Mỹ".

Phát biểu tại Hội thảo, TS Trương Minh Huy Vũ - Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển TP HCM cho biết, Mỹ là thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, nổi bật là các mặt hàng điện, điện tử, gỗ, dệt may, da giày... Cán cân thương mại chỉ rõ, TP HCM có thặng dư thương mại rất cao đối với các đối tác của thị trường Mỹ, xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu.

Theo TS Trương Minh Huy Vũ, nếu áp dụng chính sách thuế quan của Mỹ sẽ gây nhiều ảnh hưởng chung như làm giảm xuất khẩu trực tiếp sang Mỹ. Nhiều quốc gia phản ứng và sau đó nhận được mức thuế cao hơn. Do đó, nếu “đánh qua đánh lại” sẽ xảy ra các cuộc "thương chiến”, làm suy thoái kinh tế khu vực, thế giới.

TS Trương Minh Huy Vũ cũng cảnh báo chính sách thuế mới có thể làm giảm dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang dịch chuyển vào Việt Nam, vì doanh nghiệp sẽ cân nhắc lại lợi nhuận khi chi phí xuất khẩu gia tăng.

Từ đó, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM cũng đưa ra 3 kịch bản về tăng trưởng tương ứng với các mức thuế từ Mỹ. Gồm kịch bản tăng trưởng thấp – bi quan nhất nếu Mỹ giữ nguyên chính sách thuế 46%, kịch bản tăng trưởng trung bình nếu Việt Nam đàm phán được một phần, giảm mức thuế còn 20-30%; kịch bản tăng trưởng tốt - lạc quan nhất nếu mức thuế còn 10-15%.

"Làm sao hướng đến kịch bản trung bình và cố gắng phấn đấu kịch bản cao khi mức thuế còn 10-15%. Nếu Mỹ áp mức thuế 46%, tăng trưởng kinh tế TP HCM năm 2025 dự kiến chỉ đạt từ 4,63% đến 5,75%; nếu thuế giảm còn 25%, TP HCM có thể tăng trưởng từ 6,23% đến 7,35%. Trong kịch bản lạc quan nhất, nếu thuế chỉ ở mức 15%, tăng trưởng có thể đạt từ 7,37% đến 8,49%”, TS Trương Minh Huy Vũ nhận định.

Theo ông Vũ, các kịch bản được xây dựng với giả định yếu tố trong điều kiện TP HCM chủ động và tăng tốc nội lực thông qua thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế như đầu tư và tiêu dùng. Cụ thể, tổng vốn đầu tư toàn xã hội là 620.000 tỷ đồng và tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 13,4%.

Đồng thời, TS Trương Minh Huy Vũ cũng đề xuất 7 nhóm giải pháp gồm: thúc đẩy xuất nhập khẩu; đầu tư công, tăng trưởng khả năng hấp thụ vốn đầu tư; thúc đẩy chi tiêu công, kích cầu tiêu dùng, du lịch và bình ổn thị trường; cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh; thúc đẩy dự án phục vụ an sinh xã hội; thúc đẩy động lực tăng trưởng mới; thúc đẩy ngoại giao kinh tế, đẩy mạnh hợp tác quốc tế.

tsvu.jpg
TS Trương Minh Huy Vũ đề xuất 7 nhóm giải pháp gồm thúc đẩy xuất nhập khẩu khi Mỹ áp thuế đối ứng mới.

Trong đó, về giải pháp xuất - nhập khẩu, TS Vũ đề xuất có sự đàm phán để thống nhất được "gói giải pháp song phương" nhằm hạ nhiệt căng thẳng, mục tiêu đưa mức thuế trung bình sau đàm phán kỳ vọng.

Tăng cường kiểm soát "gian lận xuất xứ" mà trọng tâm là siết chặt hàng chuyển tải từ các nước thứ ba qua Việt Nam để minh bạch chuỗi giá trị, rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ các mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ.

Bên cạnh đó là nhập khẩu các mặt hàng công nghệ cao, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Việt Nam, qua đó giúp tăng lượng hàng nhập khẩu công nghệ cao từ Mỹ một cách gián tiếp, đóng góp chung vào giảm thâm hụt thương mại giữa hai quốc gia, nhấn mạnh tính bổ trợ giữa hai nền kinh tế cũng như vượt qua rào cản liên quan đến xuất khẩu công nghệ cao trực tiếp từ Mỹ.

Cùng với đó, đa dạng hóa thị trường, tăng cường hợp tác quốc tế và tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam đang thực thị. Tăng xuất khẩu sang khu vực Liên minh châu Âu (EU), đặc biệt là các quốc gia có mức trao đổi thương mại tăng trưởng ổn định liên tục hằng năm với Việt Nam như Đức, Tây Ban Nha, Ba Lan.

Đồng thời, phát triển chuỗi cung ứng nội khối ASEAN - RCEP - CPTPP; mở rộng hợp tác với Mexico, Canada để tận dụng hiệp định thương mại Mỹ - Mexico - Canada, mở kênh xuất khẩu gián tiếp qua Mỹ và tận dụng các FTA mà Việt Nam có với các quốc gia Trung Đông (CEPA, VIFTA) để mở rộng giao thương đến thị trường này.

Trong khi đó, GS Trần Ngọc Anh, Đại học Indiana (Mỹ) phân tích chính sách thương mại hiện tại của Mỹ không còn đặt nặng yêu tổ hợp tác hay ngoại giao, mà hướng đến lợi ích tuyệt đối cho nước này trong từng thương vụ. Việc áp thuế cao không đơn thuần là biện pháp bảo hộ mà là chiến thuật đàm phán kiểu “đòn phủ đầu” – đưa ra mức phạt cao để gây sức ép và buộc đối phương nhượng bộ.

GS Trần Ngọc Anh cho rằng, mức thuế 46% không chắc sẽ giữ lâu dài, nhưng là cú đánh ban đầu để Mỹ định vị lại mối quan hệ thương mại. Cú sốc này không chỉ với TP HCM mà có thể kéo theo khủng hoảng toàn cầu nếu các bên không sớm đạt được thỏa thuận. Thực tế, thị trường tài chính Mỹ đã có dấu hiệu bất ổn khi chứng khoán lao dốc gần 10% trong ba tuần qua.

GS Trần Ngọc Anh cảnh báo nguy cơ thế giới rơi vào suy thoái trong thời gian tới, kéo theo những hệ lụy nghiêm trọng với các nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam. Trong khi đó, các quốc gia như Mexico, nhờ tham gia Hiệp định thương mại Bắc Mỹ đang nổi lên là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam trong chuỗi cung ứng mới. Châu Âu cũng lo ngại hàng Việt và hàng Trung Quốc không vào được Mỹ sẽ tràn vào thị trường của họ, khiến họ phải cân nhắc các biện pháp phòng vệ bổ sung.

Tuy nhiên, GS Trần Ngọc Anh khẳng định, Mỹ vẫn là trung tâm công nghệ và tài chính toàn cầu, hai yếu tố mà Việt Nam không thể bỏ qua. Việc duy trì kết nối với thị trường này không chỉ để xuất khẩu, mà còn là cơ hội để tiếp cận vốn, công nghệ và thu hút các chuỗi giá trị cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
7 nhóm giải pháp thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu khi Mỹ áp thuế đối ứng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO