Dù chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã "gây sốc" bằng chính sách thuế quan, nhưng vẫn tạo điều kiện cho các đối tác thương mại có cơ hội đàm phán.
Theo sắc lệnh hành pháp được công bố, mức thuế bổ sung 10% sẽ được áp lên tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ – ngoại trừ một số quốc gia được miễn trừ – bắt đầu từ ngày 5 tháng 4 năm 2025.
Chỉ bốn ngày sau, từ ngày 9 tháng 4, thuế suất này sẽ được điều chỉnh theo tỷ lệ cụ thể từng quốc gia, dựa trên mức độ mất cân bằng thương mại của họ với Mỹ. Các tỷ lệ này được liệt kê chi tiết trong Phụ lục I của sắc lệnh hành pháp mới được ký.
Theo Ted Murphy, chuyên gia của hãng luật Sidley Austin LLP ở Mỹ, sắc lệnh này còn miễn trừ cho hàng hóa "đang trên đường vận chuyển". Mục 3 của Sắc lệnh Hành pháp quy định hàng hóa đã rời cảng nước xuất khẩu trước thời điểm sắc lệnh có hiệu lực sẽ được miễn trừ khỏi các mức thuế bổ sung.
Đây là một điều khoản quan trọng nhằm tránh gây gián đoạn cho các giao dịch thương mại đã được thực hiện trước khi chính sách được ban hành, đồng thời hạn chế nguy cơ tranh chấp pháp lý từ các nhà nhập khẩu Mỹ vốn đã hoàn tất hợp đồng và thanh toán.
Ngoài ra, Ted phân tích mặc dù Sắc lệnh có đề cập rằng các miễn trừ được liệt kê trong Phụ lục II, nhưng Phụ lục II chỉ bao gồm các miễn trừ mới được bổ sung, chứ không bao gồm những ngành hàng đã được miễn trừ từ trước – chẳng hạn như thép và nhôm theo Mục 232, hay ô tô và linh kiện ô tô cũng thuộc phạm vi Mục 232. Điều này có thể gây nhầm lẫn cho doanh nghiệp nếu chỉ dựa vào nội dung phụ lục mà không rà soát lại toàn bộ hệ thống thuế hiện hành.
Đáng lưu ý, nhiều ngành hiện đang được miễn trừ tạm thời lại chính là các ngành đang bị Tổng thống Trump đe dọa sẽ áp thuế trong tương lai gần. Vì vậy, từ góc độ pháp lý, miễn trừ hiện tại không thể được xem là sự miễn trừ toàn diện hay dài hạn, mà chỉ mang tính “gia hạn chiến lược” trong giai đoạn đầu triển khai.
Trung Quốc là quốc gia chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất trong đợt áp thuế lần này. Bên cạnh mức thuế bổ sung 10%, nước này sẽ phải đối mặt với thuế suất 34% từ ngày 9/4, cộng thêm mức 20% đã áp dụng trước đó liên quan đến hoạt động buôn bán fentanyl.
Tổng thuế suất đối với nhiều mặt hàng Trung Quốc có thể lên tới 64%, chưa kể các mức thuế còn tồn tại từ nhiệm kỳ đầu của ông Trump. Theo ước tính của Bloomberg Economics, các mức thuế này có thể khiến hơn 70% giá trị thương mại Mỹ - Trung hiện tại không còn khả thi vào cuối thập kỷ này.
Các nền kinh tế xuất khẩu chủ lực khác tại châu Á cũng đang bị đẩy vào thế khó. Nhật Bản và Hàn Quốc – hai đồng minh chiến lược của Mỹ – sẽ phải chịu thuế quan ở mức 21-24%, trong khi Việt Nam – đối tác thương mại đang tăng trưởng nhanh – có thể đối mặt với mức thuế lên tới 38-40%.
Liên minh châu Âu (EU) cũng không nằm ngoài danh sách, với mức thuế 20% áp lên hầu hết các mặt hàng công nghiệp và nông sản.
Ngược lại, Canada và Mexico hiện được miễn trừ khỏi các mức thuế bổ sung do liên quan đến các cơ chế trong khuôn khổ Hiệp định USMCA.
Tuy nhiên, mức miễn trừ này phụ thuộc vào hiệu lực của các thuế hiện hành liên quan đến fentanyl theo Đạo luật Quyền Kinh tế Quốc tế Khẩn cấp (IEEPA). Nếu các thuế này bị đình chỉ, hàng hóa có xuất xứ từ USMCA vẫn được miễn, trong khi hàng hóa không có chứng nhận xuất xứ sẽ phải chịu mức thuế 12% – thấp hơn đáng kể so với các đối tác khác, nhưng vẫn là rào cản đáng kể.
Sắc lệnh hành pháp trao cho Tổng thống Mỹ quyền điều chỉnh, đình chỉ hoặc miễn giảm thuế suất, nếu các quốc gia thực hiện “các hành động thương mại tích cực” – bao gồm giảm thuế quan, chấm dứt trợ cấp xuất khẩu hoặc ngừng thao túng tiền tệ. Tuy nhiên, Mỹ cũng giữ quyền áp thêm thuế mới nếu bị trả đũa.
Giới quan sát nhận định rằng kịch bản lý tưởng nhất là các biện pháp trả đũa chỉ dừng ở mức đe dọa, trong khi các cuộc đàm phán được xúc tiến nhanh chóng nhằm tránh leo thang căng thẳng.
Dù vậy, kể cả trong trường hợp đạt được thỏa thuận, nhiều chuyên gia dự đoán Mỹ sẽ duy trì một mức thuế cơ bản cao hơn bình thường như một công cụ gây áp lực lâu dài.
Ngay sau tuyên bố của ông Trump, thị trường tài chính toàn cầu chao đảo. Chỉ số hợp đồng tương lai S&P 500 giảm 4,1%, cổ phiếu của các tập đoàn xuất khẩu lớn như Apple, Caterpillar, và Intel đồng loạt mất giá.
Theo ước tính từ Fitch Ratings, các biện pháp thuế mới có thể khiến GDP toàn cầu giảm 0,6 điểm phần trăm, riêng Mỹ có thể mất hơn 1 triệu việc làm trong hai năm nếu đối đầu thương mại kéo dài.
Nguy cơ đình lạm – lạm phát kết hợp suy giảm tăng trưởng – đang trở thành một trong những rủi ro hàng đầu với nền kinh tế Mỹ trong năm 2025.