Phần lớn các chuyên gia cho rằng kinh tế Mỹ sẽ gặp rủi ro với biểu thuế đánh vào hàng hóa 180 quốc gia và vùng lãnh thổ mới công bố ngày 2/4 vừa qua.
Chỉ trong vòng 4 tháng từ khi ông Trump tái đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ, thương mại toàn cầu đã hứng chịu nhiều đòn giáng nặng nề, đặc biệt sau loạt thuế với 180 quốc gia và vùng lãnh thổ công bố vào sáng ngày 2/4.
Có thể mất chút thời gian để những thay đổi về giá cả thấm vào nền kinh tế. Nhưng thị trường chứng khoán, với tư cách là sân khấu danh giá của các nhà đầu tư, đã ghi nhận “cú sốc”, sẽ còn trầm trọng hơn trong những ngày tới.
Ngay sau thời điểm công bố, hợp đồng tương lai gắn liền với chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 2%, hợp đồng tương lai S&P 500 giảm 2,7% và hợp đồng tương lai Nasdaq-100 giảm 3,52%. Thị trường chứng khoán ở châu Á - Thái Bình Dương theo sau Phố Wall. Nikkei 225 của Nhật Bản đã giảm hơn 3% và Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông đã giảm khoảng 1,7%.
Dưới nhiệm kỳ thứ 2, trong mắt ông Trump và nội các - thế giới đầy rẫy những quốc gia thủ lợi, luôn nhằm đến Hoa Kỳ hòng tìm kiếm lợi ích kinh tế. Từ tâm thế bị hại, Washington đã mạnh bạo đưa ra những quyết sách thương mại có sức công phá lớn. Nhà báo Yeo Boon Ping đã viết “Không thấy phẩm chất thương xót đó ở đâu cả - thuế quan có vẻ toàn diện và nghiêm ngặt”.
Liệu dòng chảy thương mại sẽ ngoặt sang hướng khác, hay doanh nghiệp tại 180 quốc gia và vùng lãnh thổ “chịu đau” để bám lấy thị trường Hoa Kỳ? Lưu ý rằng, đấy là cuộc chơi “một với tất cả”. Có nghĩa rằng, ngay chính người tiêu dùng Hoa Kỳ cũng không có nhiều cơ hội lựa chọn tiêu dùng tiết kiệm như trước nữa.
Ngay trong nội bộ Hoa Kỳ cũng chia làm hai phe với hai niềm tin riêng biệt: Giới chức nội các chính phủ và các nhà kinh tế “dưới trướng” Tổng thống không lo khả năng lạm phát và suy thoái. Trong khi đó nhiều học giả, nhà kinh tế từ các Viện nghiên cứu, trường Đại học, doanh nghiệp cảm thấy bất an với chính sách thuế quan của chính quyền Trump.
Stephen Miran, Chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế Nhà Trắng tỏ ra tự tin rằng, thuế suất không ảnh hưởng nhiều đến lạm phát tại Hoa Kỳ. Với tư cách là nguồn cầu tiêu dùng lớn nhất thế giới, Hoa Kỳ nắm giữ toàn bộ đòn bẩy, điều đó có nghĩa là các nhà cung cấp nước ngoài sẽ phải gánh chịu gánh nặng kinh tế hoặc tác động của thuế quan.
Tổng thống Trump xem “cú sốc” trên thị trường chứng khoán “chỉ là một vài xáo trộn nhỏ” có thể chứng minh là cần thiết để trẻ hóa sản xuất trong nước và tái lập các công việc sản xuất được trả lương cao.
Tuy nhiên, một mô hình do Ngân hàng Dự trữ Liên bang chi nhánh Boston xây dựng cho thấy trong một kịch bản “cực đoan”, thuế suất như đã công bố với hàng nhập khẩu của Hoa Kỳ có thể dẫn đến mức tăng lạm phát cơ bản từ 1,4 điểm phần trăm đến 2,2 điểm phần trăm.
Goldman Sachs nâng tỷ lệ suy thoái kinh tế trong năm tới từ 20% lên 35%. Bởi vì doanh nghiệp sa lầy trong chi phí thuế cao hơn, cũng như sự sụt giảm mua sắm khi người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu để tăng tiền tiết kiệm nhằm ứng phó với tình trạng giá cả tăng và suy thoái kinh tế có thể xảy ra.
Kara Reynolds, một nhà kinh tế tại Đại học American, cho rằng: “Nếu cả doanh nghiệp và người tiêu dùng bắt đầu lo lắng và cắt giảm chi tiêu, điều đó có thể đẩy nền kinh tế Hoa Kỳ vào suy thoái.” Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng tại Moody’s Analytics, mô tả đợt thuế quan vào ngày 2/4 là “nguồn thức ăn cho suy thoái kinh tế”.
Anne Villamil, giáo sư kinh tế tại Đại học Iowa, nói: “Khi đầu tư kinh doanh giảm, điều đó có thể gây ra suy thoái”. Các chuyên gia dự đoán phổ biến rằng các nhà nhập khẩu sẽ chuyển một phần gánh nặng thuế quan cho người tiêu dùng dưới hình thức giá cao hơn, điều này có thể khiến các công ty kém cạnh tranh hơn vì họ có thể phải vật lộn để giữ chân những khách hàng bị sốc giá.
Chi tiêu của người tiêu dùng chiếm khoảng hai phần ba hoạt động kinh tế của Hoa Kỳ. Theo một cuộc khảo sát do The Conference Board thực hiện vào tháng 3, niềm tin của người tiêu dùng đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2021.