Kinh tế thế giới

Chuỗi cung ứng "rạn nứt" vì thuế quan Mỹ

Nam Trần 12/04/2025 03:02

Tác động thuế quan của Mỹ bắt đầu lan rộng ra thế giới, thể hiện qua việc Tesla ngừng bán một số mẫu xe sản xuất tại Mỹ ở thị trường Trung Quốc, hay Amazon phải hủy đơn hàng.

Tesla tại Trung Quốc bắt đầu cảm nhận thấy tác động của cuộc chiến thuế quan leo thang (Ảnh: CnEVPost)

Chỉ vài ngày sau khi Bắc Kinh trả đũa đợt tăng thuế mới nhất từ chính quyền Tổng thống Donald Trump, Tesla âm thầm gỡ bỏ tùy chọn đặt mua Model S và Model X - những mẫu nhập khẩu - trên trang web Trung Quốc. Những sản phẩm này trở thành nạn nhân đầu tiên của vòng xoáy thuế quan mới khi mức thuế của Trung Quốc với hàng Mỹ tăng lên 84%, kéo theo làn sóng phản ứng trong toàn ngành.

Trong khi đó tại Mỹ, Amazon bắt đầu hủy các đơn đặt hàng từ Trung Quốc và các quốc gia châu Á khác, trong bối cảnh chính quyền Trump nâng thuế nhập khẩu với Trung Quốc lên 125%, cộng thêm mức thuế 20% trước đó liên quan đến cuộc chiến chống fentanyl. Tổng cộng, hàng hóa Trung Quốc hiện phải chịu mức thuế lên tới 145% - mức cao chưa từng có trong lịch sử thương mại Mỹ.

Giữa cơn giằng co, hàng loạt doanh nghiệp – từ tập đoàn công nghệ đến nhà sản xuất công cụ – đang rơi vào tình trạng bất an. Sự trì hoãn tạm thời 90 ngày đối với các nền kinh tế khác không đủ xoa dịu thị trường, khi tâm lý bất an về chuỗi cung ứng, chi phí tăng vọt và các kế hoạch đầu tư bị hoãn lan rộng toàn cầu.

Bất ổn lan rộng, đơn hàng ngừng trệ

Vizion Inc., công ty chuyên thu thập dữ liệu chuỗi cung ứng toàn cầu, cho biết lượng đặt chỗ container toàn cầu từ ngày 1 đến ngày 8 tháng 4 đã giảm gần 49%, theo Bloomberg. Riêng lượng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ giảm 64% so với tuần trước đó, phản ánh sự lo lắng rõ rệt trên thị trường vận tải biển.

“Chúng tôi đang chứng kiến hiệu ứng domino,” Kyle Henderson, CEO của Vizion, nhận định và nhấn mạnh các công ty không dám chốt đơn hàng vì họ không biết mức thuế sẽ là bao nhiêu sau tuần tới.

Chuỗi cung ứng bắt đầu ngấm tác động với lượng đặt hàng container sụt giảm mạnh (Ảnh: Seatrade Maritime News)

Haas Automation, nhà sản xuất máy công cụ hàng đầu phương Tây, cho biết đã phải cắt giảm sản lượng và ngừng tăng ca cho 1.700 công nhân tại California do cầu giảm mạnh từ khách hàng trong và ngoài nước.

Theo nhóm kinh tế gia tại Bloomberg Economics, các thay đổi thất thường về thuế quan không những không giúp giảm bất ổn chính sách mà còn làm trầm trọng thêm tình hình. Họ nhận định: “Tổng thống Trump dường như coi bất ổn là công cụ đàm phán hữu hiệu. Nhưng với thị trường, điều này là một lực cản nghiêm trọng.”

Dù việc hoãn áp thuế tạm thời giúp giảm nhiệt, mức thuế trung bình của Mỹ hiện vẫn ở mức 24% – tăng gần 22 điểm phần trăm kể từ đầu nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump. “Tác động này tương đương với một cú sốc kéo dài hai đến ba năm,” nhóm chuyên gia dự báo.

Đối với các doanh nghiệp nhỏ, chi phí mới mang tính sống còn. Tại Pennsylvania (Mỹ), Ben Knepler – nhà sáng lập True Places, một thương hiệu ghế ngoài trời – buộc phải yêu cầu đối tác Campuchia dừng sản xuất. Ông lo ngại: "nếu mức thuế 49% đối với hàng Campuchia được Trump thực hiện sau 90 ngày tạm hoãn, chúng tôi sẽ không thể tồn tại.

Trong khi đó, các công ty lớn đang tìm đến AI như một cách để giảm chi phí sản xuất. Fred Laluyaux, CEO của Aera Technology, cho biết các khách hàng như Unilever hay Dell đang ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tái cấu trúc chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, ông cảnh báo: “AI có thể giúp tối ưu vận hành, nhưng không thể chống lại một mức thuế 100%.”

Tại Trung Quốc, Tesla đang chứng kiến sức ép ngày càng lớn. Nhà máy Thượng Hải – chuyên sản xuất Model 3 và Model Y – đã giảm sản lượng sáu tháng liên tiếp, với doanh số quý I giảm 22%. Mặc dù Model S và Model X chỉ chiếm phần nhỏ doanh số, việc gỡ tùy chọn mua cho thấy mức thuế mới đã ảnh hưởng trực tiếp đến chiến lược bán hàng của hãng.

Cạnh tranh nội địa cũng gia tăng. BYD hiện là thương hiệu xe bán chạy nhất tại Trung Quốc, trong khi Tesla đang mất dần thị phần. Trên toàn cầu, quý vừa qua chứng kiến mức giao hàng thấp nhất của hãng trong ba năm trở lại đây.

Thương mại toàn cầu chậm lại “đáng kể”

Robert Koopman, cựu kinh tế trưởng WTO, cảnh báo thương mại toàn cầu sẽ chững lại mạnh mẽ trong những tháng tới. “Thời gian đầu năm khá tốt do các công ty đẩy mạnh xuất khẩu trước khi thuế có hiệu lực. Nhưng từ giờ trở đi, chúng ta sẽ thấy đà giảm rõ rệt, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc”, ông nói.

Citigroup dự báo mức thuế trung bình của Mỹ hiện cao hơn 21 điểm phần trăm so với đầu năm nay, khiến nhiều giao dịch song phương trở nên phi kinh tế. “Thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang bị khóa lại,” Robert Sockin, kinh tế gia trưởng tại Citi, nhận định.

Một số chuyên gia kỳ vọng các gói kích thích của Trung Quốc và Đức, cùng với đà phục hồi công nghiệp tại châu Âu, có thể giúp duy trì nhịp độ thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, viễn cảnh sáng sủa vẫn còn xa. WTO dự kiến điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu năm nay khoảng 1% – thấp hơn 4 điểm phần trăm so với dự báo trước đó.

Tổng thống Trump, trong một phát biểu tại Phòng Bầu dục tuần qua, tỏ ra lạc quan: “Tôi nghĩ chúng tôi sẽ đạt được một thỏa thuận rất tốt với Trung Quốc.” Nhưng theo Wendong Zhang, chuyên gia tại Đại học Cornell, cả hai bên đều không sẵn sàng nhượng bộ ở thời điểm này. Ông nói: “Về mặt chính trị, Trung Quốc sẽ chấp nhận tổn thất kinh tế để giữ vững lập trường.”

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chuỗi cung ứng "rạn nứt" vì thuế quan Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO