Quá trình áp đặt thuế quan đối ứng lên các đối tác thương mại của Mỹ có thể gây bất ổn thương mại toàn cầu.
Nền kinh tế thế giới đã phải vật lộn với một loạt các biến số phức tạp, từ xung đột địa chính trị và sự suy thoái ở Trung Quốc cho đến sự phức tạp đang gia tăng của biến đổi khí hậu. Sau đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra một kế hoạch nhằm xóa bỏ chính sách thương mại kéo dài hàng thập kỷ.
Khi bắt đầu quá trình áp dụng thuế đối ứng với các đối tác thương mại của Hoa Kỳ, ông Trump đã làm gia tăng sự biến động đối với các doanh nghiệp quốc tế. Ông cũng mở rộng phạm vi của cuộc chiến thương mại đang diễn ra.
Về cơ bản, lập luận ủng hộ thuế đối ứng rất đơn giản: Bất kỳ khoản thuế nào mà các công ty Mỹ phải đối mặt khi xuất khẩu hàng hóa sang một quốc gia khác thì cũng nên được áp dụng đối với hàng nhập khẩu từ quốc gia đó sang Mỹ. Ông Trump từ lâu đã ủng hộ nguyên tắc này, coi đó là vấn đề công bằng đơn giản, khắc phục thực tế là nhiều đối tác thương mại của Mỹ vẫn duy trì mức thuế quan cao hơn.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc tính toán mức thuế quan riêng lẻ đối với hàng nghìn sản phẩm từ hơn 150 quốc gia đặt ra một vấn đề lớn đối với nhiều công ty, từ các nhà sản xuất Mỹ phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu đến các nhà bán lẻ mua hàng hóa của họ từ nước ngoài.
"Đây có khả năng là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Đối với mỗi tiện ích, mỗi phân loại thuế quan, bạn có thể có 150 mức thuế khác nhau. Từ Albania đến Zimbabwe, mọi thứ đều phải xem xét", Ted Murphy, chuyên gia thương mại quốc tế tại Sidley Austin, một công ty luật ở Washington, cho biết.
Sắc lệnh mà ông Trump vừa ban hành, đã chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu cách tiến hành áp dụng thuế đối ứng làm dấy lên nguy cơ tăng chi phí cho người tiêu dùng Mỹ vào thời điểm lo ngại về lạm phát ngày càng sâu sắc, thách thức cam kết của chính ông về việc hạ giá hàng tạp hóa và các mặt hàng thiết yếu khác. Đồng thời tăng khả năng Cục Dự trữ Liên bang Fed trì hoãn việc tiếp tục giảm lãi suất.
Động thái này cũng đẩy nhanh quá trình suy yếu của hệ thống thương mại toàn cầu, vốn từ lâu đã tập trung vào các khối đa phương và được phân xử bởi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Ông Trump đang hướng tới mục tiêu thúc đẩy một kỷ nguyên mới, trong đó các hiệp ước đa phương bị thay thế bởi các cuộc đàm phán giữa các quốc gia trong bối cảnh tinh thần dân tộc chủ nghĩa gia tăng.
Quá trình chuyển đổi này sẽ làm tăng thêm căng thẳng cho chuỗi cung ứng toàn cầu sau nhiều năm biến động. Các doanh nghiệp quốc tế đã phải đối mặt với cuộc chiến thương mại đang diễn ra giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Hoa Kỳ và Trung Quốc, cũng như những trở ngại khi đi qua Kênh đào Suez và Panama, khiến giá vận chuyển tăng vọt.
Dưới hệ thống đã chi phối trong ba thập kỷ qua, các quốc gia thành viên của WTO đã thiết lập thuế cho từng loại hàng hóa và áp dụng cùng một mức thuế cơ bản cho tất cả các thành viên. Họ cũng đã đàm phán các hiệp ước để tiếp tục giảm bớt thuế quan.
Ông Trump từ lâu đã mô tả Mỹ là nạn nhân của cấu trúc này khi nhắc đến thâm hụt thương mại với Trung Quốc, Mexico và Đức. Khi tuyên bố áp dụng thuế đối xứng, ông Trump khẳng định rằng mình có quyền đàm phán lại các điều khoản theo ý muốn, mà không cần tôn trọng các thỏa thuận thương mại hiện có.
Đáng chú ý, có vẻ như không phải ngẫu nhiên mà ông Trump đưa ra tuyên bố này vào ngày Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến thăm Nhà Trắng. Hiện Washington đang có thâm hụt thương mại khoảng 45 tỷ USD với New Delhi.
Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, những mặt hàng nhập khẩu bao gồm nhựa và các sản phẩm hóa chất chịu mức thuế dưới 6% khi xuất khẩu sang Mỹ. Trong khi đó, các loại hàng hóa tương tự của Mỹ được xuất khẩu sang Ấn Độ phải đối mặt với mức thuế từ 10% đến 30%.
Nếu chính quyền Trump nâng mức thuế của Mỹ lên mức ngang bằng, điều đó sẽ buộc các nhà máy từ Mỹ phải trả nhiều tiền hơn cho hóa chất và nhựa.
Mô hình tương tự cũng áp dụng đối với nhiều loại sản phẩm tiêu dùng và công nghiệp như giày dép từ Việt Nam, máy móc và nông sản từ Brazil, dệt may và cao su từ Indonesia.
Một hiệp hội thương mại hàng đầu trong ngành điện tử, IPC, đã cảnh báo rằng chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng sẽ gây tổn hại đến nền kinh tế Mỹ. “Mức thuế mới sẽ làm tăng chi phí sản xuất, phá vỡ chuỗi cung ứng và thúc đẩy sản xuất ra nước ngoài, làm suy yếu thêm nền tảng công nghiệp điện tử của Hoa Kỳ”, ông John W. Mitchell, Chủ tịch Hiệp hội IPC nói.
Sự hỗn loạn này khiến các doanh nghiệp hoạt động tại Mỹ phải đoán xem các sự kiện sẽ diễn ra như thế nào khi họ cân nhắc về chi phí nhập khẩu phụ tùng hoặc hàng hóa thành phẩm. Trên thực tế, các doanh nghiệp toàn cầu đang phải vật lộn để đoán xem tuyên bố nào của ông Trump chỉ là một nước cờ và tuyên bố nào báo hiệu những thay đổi thực sự.
"Chúng tôi theo dõi mọi phát ngôn của ông Trump, nhưng không nhất thiết phải hiểu theo nghĩa đen. Chúng ta cần theo dõi xem điều gì sẽ thực sự xảy ra”, chuyên gia Murphy lưu ý.