Kinh tế thế giới

"Giải mã" thuế quan đối ứng của chính quyền Trump

Nam Trần 15/02/2025 03:20

Thuế đối ứng của Mỹ sắp tới có thể leo thang căng thẳng thương mại và tác động mạnh đến EU, Trung Quốc và nhiều đối tác khác.

Trump tax
Tổng thống Mỹ tiếp tục leo thang cuộc chiến thương mại toàn cầu bằng thuế đối ứng (Ảnh: The Washington Post)

Ngày 14/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký lệnh yêu cầu các cơ quan liên bang nghiên cứu thuế đối ứng tương ứng với thuế mà các nước khác đang áp lên hàng hóa Mỹ.

Lệnh mới chỉ đạo Bộ Thương mại Mỹ và Đại diện Thương mại Mỹ lập báo cáo về các bước cần thực hiện để đạt được trạng thái thương mại cân bằng. Howard Lutnick, ứng viên cho vị trí Bộ trưởng Thương mại, cho biết các nghiên cứu này sẽ được hoàn thành trước ngày 01/04/2025.

“Về thương mại, tôi sẽ áp thuế quan đối ứng, nghĩa là bất kỳ mức thuế nào các quốc gia khác áp lên Mỹ, chúng tôi cũng sẽ áp lên họ—không hơn, không kém,” ông Trump tuyên bố tại Phòng Bầu dục.

Nếu được thực hiện, chính sách thuế quan đối ứng của ông Trump có thể làm tăng thuế đối với nhiều đối tác thương mại và phá vỡ các quy tắc thương mại quốc tế đã được thiết lập trong nhiều thập kỷ tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) — cơ quan thương mại toàn cầu mà Mỹ vẫn là thành viên, dù ông Trump đã nhiều lần công kích tổ chức này.

Giảm lo ngại về thuế quan toàn diện

Các chuyên gia thương mại nhận định rằng động thái này có thể làm suy yếu nguyên tắc “tối huệ quốc” của WTO, một quy tắc yêu cầu các thành viên đảm bảo đối xử công bằng về thuế quan và quy định thương mại với nhau, trừ khi có các hiệp định thương mại tự do.

“Nếu Tổng thống Trump thực sự đưa Mỹ vào một hệ thống thuế quan dựa trên nguyên tắc có đi có lại, điều đó sẽ đánh dấu một thay đổi căn bản trong chính sách thương mại của Mỹ,” ông Tim Brightbill, đối tác tại công ty luật Wiley Rein, nhận định.

Tuy nhiên, nguyên tắc thương mại “có đi có lại” có thể giảm khả năng áp thuế toàn diện như ông đã cam kết trong chiến dịch tranh cử. Ông Trump từng tuyên bố áp thuế phổ quát 10% cho toàn bộ hàng hóa nhập vào Mỹ.

Thuế quan đối ứng sẽ giúp Tổng thống Mỹ thực hiện một trong những lời hứa tranh cử của mình và giải quyết một vấn đề thương mại mà đội ngũ mới thường xuyên chỉ trích. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Cố vấn thương mại của Trump, Peter Navarro, đã thúc đẩy các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa ủng hộ một dự luật về vấn đề này.

“Mỹ đang chịu khoản thâm hụt thương mại hơn 1.000 tỷ USD vì các quốc gia xuất khẩu lớn trên thế giới tấn công thị trường của chúng ta bằng thuế quan khắc nghiệt và thậm chí còn khắc nghiệt hơn với các rào cản phi thuế quan,” ông Navarro bày tỏ quan điểm.

Nhiều đối tác lớn của Mỹ như EU hay Trung Quốc đang chuẩn bị các phương án đáp trả thuế quan (Ảnh: Euractiv)
Nhiều đối tác lớn như EU, Trung Quốc, Ấn Độ sẽ chịu nhiều tác động từ chương trình thuế quan sắp tới của Mỹ (Ảnh: Euractiv)

Thay vì lo lắng về một cuộc chiến thương mại diện rộng, các tập đoàn lớn của Mỹ có thể lạc quan nhờ kỳ vọng về các ưu đãi thuế ở các thị trường nước ngoài.

“Thật nhẹ nhõm khi chính quyền không vội vàng áp thuế mới, và chúng tôi hoan nghênh việc Tổng thống tiếp cận vấn đề một cách tinh tế hơn, có sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan,” Tiffany Smith, Phó Chủ tịch phụ trách chính sách thương mại toàn cầu tại Hội đồng Thương mại Quốc gia Mỹ, cho biết và nhấn mạnh rằng, quá trình này sẽ giúp chúng ta hợp tác với các đối tác thương mại để giảm thuế và rào cản thương mại, thay vì tăng thuế của chính mình.

Tác động chính- EU hay Trung Quốc?

Hiện vẫn chưa rõ những quốc gia nào sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ các biện pháp thuế quan đối ứng của Mỹ, nhưng nhiều quốc gia có mức thuế cao nhất đối với hàng hóa Mỹ hiện nay bao gồm Ấn Độ, Brazil, Argentina và nhiều nước Đông Nam Á và châu Phi khác. Ông Trump đã nêu đích danh Ấn Độ vì mức thuế cao đối với hàng xuất khẩu của Mỹ.

Những quốc gia có mức thuế thấp hơn cũng không khỏi lo lắng, nếu chính quyền Mỹ tính cả các rào cản phi thuế quan, chẳng hạn như thuế đánh vào các công ty Mỹ, trợ cấp của chính phủ dành cho doanh nghiệp nội địa, hoặc các quy định cản trở doanh nghiệp Mỹ kinh doanh tại nước ngoài.

Đội ngũ của ông Trump có thể sẽ nhắm mục tiêu vào các quốc gia trong EU, nơi áp dụng thuế giá trị gia tăng (VAT). Các cố vấn thương mại của ông Trump từ lâu đã xem VAT như một hình thức trợ cấp xuất khẩu, vì các doanh nghiệp nhận được khoản hoàn thuế khi xuất khẩu hàng ra nước ngoài.

Việc tập trung vào rào cản phi thuế quan, ngoài các mức thuế thông thường, có nghĩa là các quốc gia như Nhật Bản và các thành viên EU có thể phải chịu mức thuế cao hơn từ Mỹ so với mức thuế họ áp lên hàng hóa Mỹ. Điều đó cũng có nghĩa là các quốc gia như Trung Quốc—nơi hiện có mức thuế trung bình thấp hơn Mỹ nhưng lại áp đặt nhiều rào cản phi thuế quan—có thể đối mặt với nhiều mức thuế hơn khi xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ.

Những người chỉ trích chính sách thương mại của ông Trump cho rằng ông và đội ngũ của mình hiểu sai về VAT, và điều này có thể châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại liên quan đến vấn đề này.

“Thuế VAT áp dụng như nhau đối với tất cả hàng hóa mà người tiêu dùng châu Âu mua, bất kể chúng được sản xuất tại Mỹ hay EU,” bà Erica York, Phó Chủ tịch chính sách liên bang tại Quỹ Thuế (Tax Foundation), một tổ chức nghiên cứu kinh tế trung lập, cho biết. Theo bà Erica York, thuế VAT không tạo ra lợi thế cho doanh nghiệp châu Âu và cũng không gây bất lợi cho doanh nghiệp Mỹ, nó hoàn toàn trung lập đối với thương mại.”

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
"Giải mã" thuế quan đối ứng của chính quyền Trump
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO