Có ít nhất bốn lĩnh vực kinh tế quan trọng nhất hiện nay bắt đầu “thấm đòn” vì thuế quan thương mại của ông Donald Trump.
Mặc dù Tổng thống Donald Trump đã bắt đầu hiện thực hóa những cam kết về việc tăng thuế quan thương mại, nhưng dường như thị trường sẽ phải chịu cú sốc nghiêm trọng.
Trong số những tác động ngắn hạn đến trung hạn là sự chậm lại trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đặc biệt là ở các quốc gia có ngành sản xuất lớn, giá dầu tăng đột biến, giá cả cao hơn đối với người tiêu dùng Hoa Kỳ và lãi suất của FED cao hơn trong thời gian dài hơn, với đồng đô la Mỹ mạnh hơn do hậu quả của nó.
Các nhà nghiên cứu của Deutsche Bank dự báo, ngoài Hoa Kỳ và ba nền kinh tế khác có liên quan trực tiếp, bao gồm Canada, Mexico và Trung Quốc - các lĩnh vực trên toàn thế giới đang chuẩn bị ứng phó với tác động từ thuế quan.
Thứ nhất là ngành công nghiệp ô tô. Từ các thương hiệu ô tô đến các nhà sản xuất phụ tùng xe dự kiến sẽ nằm trong số những công ty bị ảnh hưởng nặng nề nhất do căng thẳng thương mại leo thang vì họ đại diện cho một lĩnh vực nhập khẩu chính vào Hoa Kỳ.
Chẳng hạn như Volkswagen của Đức sở hữu nhà máy ô tô lớn nhất Mexico, nơi sản xuất xe để xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Phân tích của RBC Capital Markets ước tính công ty này có thể chứng kiến mức cắt giảm 9% thu nhập vì tác động của thuế quan. Trong khi tập đoàn Stellantis sở hữu hai thương hiệu nổi tiếng Chrysler và Jeep - cũng có các hoạt động lớn tại Mexico, chứng kiến mức giảm 12% thu nhập.
Hàng hoạt hãng xe điện Trung Quốc đang hiện diện tại Canada và Mexico, đều phải chịu thêm thuế nhập khẩu vào Hoa Kỳ, trong đó rất nhiều công ty vừa mới xây dựng xong nhà máy đồ sộ tại quốc gia Trung Mỹ.
Thứ hai là các công ty sản xuất chip, chất bán dẫn. Từ TSMC của Đài Loan đến ASML của Hà Lan; Apple, Nvidia, AMD, Qualcomm và Intel tại Hoa Kỳ đang rốt ráo chuẩn bị cho tác động của thuế quan do chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành bị đe dọa - bao gồm các nhà máy ở Mexico và Trung Quốc - và do nhu cầu có khả năng chậm lại.
Ví dụ như Nvidia phụ thuộc vào việc sản xuất chip từ các nhà máy gia công ở nước ngoài, đặt tại Trung Quốc và Mexico - và nhiều bộ phận khác cần thiết để xây dựng các trung tâm dữ liệu AI cũng có thể dễ bị ảnh hưởng bởi thuế quan, vì chúng được nhập khẩu.
Thứ ba là ngành sản xuất hàng tiêu dùng. Đối với người tiêu dùng Hoa Kỳ, một loạt hàng hóa gia dụng và giải trí được sản xuất ở nước ngoài có thể sẽ tăng giá, từ đồ nội thất và thiết bị điện đến quần áo, máy chơi game, điện thoại và đồ chơi.
Một ví dụ là gã khổng lồ đồ uống Diageo, tập đoàn đa quốc gia về đồ uống có cồn nổi tiếng của Anh, sở hữu nhiều thương hiệu quen thuộc, như Johnie Walker, Baileys, Guiniess, Smirnoff,… sẽ đối mặt với một trong những thách thức lớn nhất trong năm nay là Hoa Kỳ chiếm khoảng 45% lợi nhuận hoạt động của công ty.
Thứ tư là bán lẻ từ Trung Quốc. Theo phân tích của Morgan Stanley, các công ty Trung Quốc phải đối mặt với rủi ro cao nhất từ thuế quan và các thay đổi khác đối với quyền tiếp cận thị trường Hoa Kỳ. Trong số đó, các nền tảng mua sắm trực tuyến cực kỳ phổ biến có liên kết với Trung Quốc như Temu, Shein và AliExpress sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Theo dữ liệu từ Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Hoa Kỳ, nước này đã xử lý hơn 1,3 tỷ lô hàng De Minimis (tỷ lệ không đáng kể nguyên liệu không trải qua quá trình chuyển đổi mã số hàng hóa nhưng vẫn được coi là có xuất xứ) vào năm 2024. Nếu không có miễn trừ, các sản phẩm khối lượng lớn, giá rẻ từ các nhà bán lẻ trực tuyến của Trung Quốc sẽ phải chịu thuế, có khả năng đẩy giá cuối cùng của các mặt hàng lên cao, khiến nhu cầu giảm.