Phân tích - Bình luận

Thuế quan - "vũ khí mặc cả" của ông Trump

Trương Khắc Trà 18/02/2025 04:02

Tổng thống Donald Trump đã dùng thuế quan để thuyết phục nhiều cường quốc mua hàng hóa, tăng đầu tư, công nghệ vào nền kinh tế Hoa Kỳ.

thu-tuong-an-do-narendra-modi-va-tong-thong-my-donald-trump-tai-nha-trang-ngay-132-anh-ani-.png
Ấn Độ và Hoa Kỳ đạt được nhiều cam kết thương mại (Ảnh CNBC)

Ngày càng nhiều tổ chức và cá nhân đồng ý với quan điểm, thương chiến toàn cầu rất khó xảy ra, bởi vì đó không phải là đích đến của chính sách đối ngoại từ Tổng thống Donald Trump.

Hay nói đúng hơn, thuế quan chỉ là công cụ được lựa chọn để toan tính những kế hoạch nhằm duy trì sự cân bằng cho nền kinh tế lớn nhất thế giới, về trao đổi hàng hóa, đầu tư, việc làm, lao động,… Các cường quốc đã nắm bắt đúng và mau lẹ, có phương pháp đối ứng kịp thời với chính sách thuế quan của chính quyền Trump.

Ba tuần sau lễ nhậm chức, ông Trump đã mời nhà lãnh đạo Ấn Độ đến Washington. Không có sự phô trương thường thấy của một chuyến thăm cấp Nhà nước ở đẳng cấp cường quốc. Tất cả đều là về kinh doanh, thuế quan, đầu tư.

Kết quả, Hoa Kỳ đã giành quyền cung cấp dầu mỏ lớn nhất cho Ấn Độ, góp phần tăng kim ngạch thương mại song phương lên 500 tỷ USD. Nhà cung cấp dầu hàng đầu của Ấn Độ hiện là Nga - tiếp theo là Iraq, Saudi Arabia và UAE, Hoa Kỳ chỉ đứng thứ năm.

Hoa Kỳ sẽ tăng cường quan hệ quốc phòng bằng cách tăng doanh số bán vũ khí cho Ấn Độ “nhiều tỷ đô la”, bắt đầu từ năm nay, trên đà soán ngôi Nga - hiện đang cung cấp vũ khí số 1 cho Ấn Độ.

Trên tất cả, đến sau cùng hai nhà lãnh đạo đã công bố cơ chế hợp tác mang tên “COMPACT”: Cơ hội xúc tác quan hệ đối tác quân sự, thương mại và công nghệ tăng tốc cho thế kỷ 21, một sáng kiến ​​nhằm chuyển đổi hợp tác song phương trên các lĩnh vực quốc phòng, đầu tư, thương mại, năng lượng, đổi mới.

Lý lẽ của ông Trump khi ông nêu ra tại cuộc họp báo là thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ với Ấn Độ đã đạt 45,6 tỷ USD vào năm 2024 và hai nền kinh tế sẽ nỗ lực để bù đắp sự chênh lệch. Ông cho biết điều này có thể dễ dàng thực hiện được thông qua việc bán dầu và khí đốt.

New Delhi từ lâu đã giữ mối quan hệ rất tốt đẹp với Washington, cả hai bên đã nhất trí giải quyết các tranh chấp thương mại lâu đời và cải thiện khả năng tiếp cận thị trường, với khẳng định của ông Modi: "Chúng tôi đã đưa quan hệ đối tác Ấn Độ-Hoa Kỳ vào một hành trình mới. Đây là hành trình của “Make in India”, “Make for the World”.

Ấn Độ đã cắt giảm thuế quan từ 13% xuống 11% trong ngân sách liên bang để làm hài lòng ông Trump. “Chúng ta phải đặt câu hỏi - chúng ta đã tránh được cú sốc thuế quan hay chúng ta sẽ bị ảnh hưởng? Chúng ta sẽ cắt giảm thuế quan hơn nữa để làm hài lòng nước Mỹ?”, một nhà phân tích ở New Delhi băn khoăn.

Trong khi đó, Nhật Bản có cách khác để xoa dịu mối đe dọa thuế quan từ ông Trump. Đầu tư trực tiếp của nước này vào Hoa Kỳ đã tăng mạnh trong nhiệm kỳ của ông Joe Biden, đạt 77,3 tỷ USD vào năm 2024.

Thủ tướng Nhật Bản và Tổng thống Mỹ tại phòng bầu dục (Ảnh WRIC)
Thủ tướng Nhật Bản và Tổng thống Mỹ tại phòng bầu dục (Ảnh WRIC)

Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất của Hoa Kỳ trong 5 năm liên tiếp gần đây. Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru cho biết ông muốn tăng đầu tư vào Hoa Kỳ hơn nữa, lên mức 1 nghìn tỷ USD.

Tại cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản mới đây, ông Trump thông báo: “Chúng tôi có thâm hụt khoảng 100 tỷ USD với Nhật Bản, điều này không làm tôi ngạc nhiên, vì các bạn là những nhà đàm phán rất giỏi. Tôi sẽ nói nhưng chúng tôi muốn giải quyết vấn đề đó và đưa nó xuống mức bình đẳng”.

Thuế ô tô, chất bán dẫn, hàng tiêu dùng và nhiều thứ thuế khác sẽ kéo doanh nghiệp Nhật Bản, Ấn Độ, Mexico, Canada, châu Âu đổ tiền sang Hoa Kỳ xây dựng cơ sở sản xuất khổng lồ, trực tiếp giải quyết bài toán tăng trưởng kinh tế.

Chính những doanh nghiệp này sẽ đảm nhiệm khâu giải quyết việc làm, lao động mà chính phủ Hoa Kỳ không còn ưu tiên với người nhập cư. Hàng hóa phần lớn được sản xuất tại chỗ, khi đó thuế quan nhập khẩu cũng không là vấn đề lớn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thuế quan - "vũ khí mặc cả" của ông Trump
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO