Kinh tế thế giới

Tổng thống Trump đang thúc đẩy sự dịch chuyển của châu Á?

Cẩm Anh 02/02/2025 11:01

Sự trở lại của ông Trump có thể thúc đẩy các quốc gia châu Á đầu tư nhiều hơn vào các nền kinh tế lân cận.

a.jpg
Thay vì vận chuyển ngày càng nhiều hàng hóa từ Châu Á đến Hoa Kỳ, hay đến Châu Âu, cơ hội mở rộng thị trường đang mở ra ngay trong chính khu vực này.. Ảnh: AP

Ông Donald Trump có thể châm ngòi cho những thay đổi mà châu Á cần. Tổng thống thứ 47 của Mỹ một lần nữa có thể sẽ đảo ngược quan hệ thương mại, nhằm mục đích giảm lượng hàng nhập khẩu vào Mỹ.

Châu Á đặc biệt dễ bị tổn thương. Bởi vì, nền kinh tế của khu vực từ lâu đã phụ thuộc vào các chuyến hàng qua Thái Bình Dương để thúc đẩy tăng trưởng.

Tuy nhiên, theo ông Frederic Neumann, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Châu Á tại HSBC, chiến lược này chưa bao giờ bền vững mãi mãi. Nó có thể đã tạo nên điều kỳ diệu khi đưa khu vực này vào quỹ đạo tăng trưởng nhanh chóng, nhưng ngày nay nó có thể bắt đầu gặp cản trở.

Ông Neumann cho rằng, châu Á cần phải dần thoát sự phụ thuộc vào Mỹ với tư cách là nhà nhập khẩu cuối cùng; đồng thời cần nhấn mạnh rằng điều này không phải là quay lưng với Hoa Kỳ với tư cách là đối tác thương mại quan trọng.

Thay vào đó, việc tách rời của châu Á sẽ phải tập trung vào hai trụ cột. Trụ cột đầu tiên và cơ bản nhất là cân bằng lại giữa tiết kiệm và đầu tư. Nhìn chung, Châu Á đang làm tốt ở cả hai mặt, nhưng khi tiết kiệm liên tục vượt quá đầu tư, khu vực này cuối cùng lại tự kìm hãm sự tăng trưởng của chính mình.

Bắt đầu bằng việc tiết kiệm. Theo chuyên gia này, việc dành dụm cho một tương lai bất định và tài trợ cho đầu tư cũng như tăng trưởng chắc chắn nên được khuyến khích. Tuy nhiên, khi tiết kiệm quá mức, sẽ gây tổn hại đến nhu cầu hàng hóa trong nước, buộc các nhà sản xuất phải bán ra nước ngoài. Khi đó, tăng trưởng ngày càng phụ thuộc vào xuất khẩu, đặc biệt là trong trường hợp của Châu Á là xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Nếu các đối tác thương mại không còn khả năng hoặc không muốn hấp thụ khối lượng hàng hóa này, tăng trưởng của khu vực châu Á chắc chắn sẽ bắt đầu chững lại.

"Về nguyên tắc, việc tăng đầu tư có thể hấp thụ những khoản tiết kiệm dư thừa này, giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu để thúc đẩy tăng trưởng. Nhưng điều này có thể không áp dụng nếu đầu tư đã ở mức cao", ông Neumann nói.

untitled.jpg
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Đảo Langkawi, Malaysia, vào ngày 19 tháng 1 năm 2025. Ảnh: Reuters

Thay vào đó là tiêu dùng nhiều hơn. Điều này sẽ hạn chế sự phụ thuộc của nền kinh tế vào việc vận chuyển hàng hóa ra nước ngoài và cho phép các hộ gia đình nâng cao mức sống.

Giảm tiết kiệm - nói dễ hơn làm. Bởi vì, các hộ gia đình luôn muốn tiếp tục tích trữ tiền cho tương lai. Tuy nhiên có thể thay đổi quan niệm này, bằng cách tăng cường an sinh xã hội đáng tin cậy, hỗ trợ tuổi già và hỗ trợ chăm sóc sức khỏe do chính phủ triển khai.

Điều này cần có thời gian và đòi hỏi những lựa chọn khó khăn. Nhưng căng thẳng thương mại đang gia tăng với Mỹ có thể là yếu tố kích hoạt để bắt đầu quá trình này, hoặc theo đuổi nó với một quyết tâm mới.

Nếu lượng tiết kiệm dư thừa ở một số quốc gia châu Á không thể dễ dàng giảm xuống, thì ít nhất chúng cũng nên được tái đầu tư đến nơi chúng có thể được triển khai hiệu quả nhất.

Cụ thể, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ASEAN đang ở mức cao kỷ lục, phần lớn đến từ Trung Quốc. Nhưng vẫn còn nhiều dư địa để phát triển: Đầu tư trực tiếp ra nước ngoài chỉ chiếm chưa đến 1% GDP của Trung Quốc, bằng một phần ba so với Nhật Bản, Đức hoặc Hàn Quốc.

Đây chính là trụ cột thứ hai trong chiến lược "tách rời" của châu Á. Thay vì vận chuyển nhiều hàng hóa hơn từ châu Á đến Mỹ, hay châu Âu, cơ hội mở rộng thị trường đang mở ra ngay trong chính khu vực này.

Các hiệp định thương mại tự do như RCEP, bao gồm ASEAN và các đối tác thương mại chính ở Đông Á, và Hiệp định CPTPP, bao gồm 11 nền kinh tế từ Châu Á và Châu Mỹ, đã đạt được một số tiến bộ. Đây là trợ lực lớn của khu vực châu Á trong bối cảnh căng thẳng thương mại ngày một phức tạp.

Để giảm sự phụ thuộc quá mức vào thị trường Mỹ, cần những giải pháp mạnh mẽ cả ở cấp quốc gia và khu vực. Giảm tiết kiệm dư thừa và chuyển hướng đầu tư nhiều hơn vào các nền kinh tế lân cận trong khu vực châu Á là bước đi cần tính tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tổng thống Trump đang thúc đẩy sự dịch chuyển của châu Á?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO