Các nền kinh tế Đông Nam Á phải đối mặt với nhiều thách thức khi bước vào năm 2025.
Từ một cuộc chiến thuế quan tiềm tàng, suy thoái kinh tế đến tình hình bất ổn chính trị ảnh hưởng đến các đối tác thương mại quan trọng, năm 2025 được coi là một năm đầy thách thức đối với các quốc gia Đông Nam Á đang tìm cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ông Piter Abdullah, Giám đốc điều hành của Viện nghiên cứu Segara có trụ sở tại Jakarta cho rằng: "Những thách thức sẽ rất lớn. Các quốc gia Đông Nam Á sẽ phải khéo léo điều hướng trong bối cảnh bất ổn toàn cầu tăng cao trong khi vật lộn với những thách thức trong nước cũng nặng nề không kém".
Tại Indonesia, những rào cản nội bộ này bao gồm tiêu dùng hộ gia đình tăng chậm chạp do dân số trung lưu giảm và một loạt các chương trình đầy tham vọng do chính phủ mới thành lập đưa ra có thể làm đảo lộn sự ổn định tài chính của đất nước.
Trong khi đó, Thái Lan đang tìm cách phục hồi nền kinh tế do ngành du lịch và dịch vụ thúc đẩy, vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, tiêu dùng trong nước thấp, nợ hộ gia đình cao và bất ổn chính trị có thể cản trở khát vọng này.
Với Malaysia và Việt Nam, cả hai quốc gia đều chứng kiến hiệu suất kinh tế vượt trội trong năm 2024, thách thức chính sẽ là duy trì đà tăng trưởng và tiếp tục thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong bối cảnh có nhiều thách thức toàn cầu.
Bên cạnh đó, còn có thách thức từ việc Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, người đã tuyên bố sẽ áp dụng một loạt các biện pháp để bảo vệ các sản phẩm do Hoa Kỳ sản xuất.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã áp thuế nặng đối với hàng hóa Trung Quốc, thúc đẩy một cuộc chiến thuế quan. Chính sách này tiếp tục được chính quyền Joe Biden thực hiện, bao gồm các sản phẩm được sản xuất bởi các công ty thuộc sở hữu của Trung Quốc đang hoạt động tại các quốc gia khác như Việt Nam, Thái Lan và Malaysia.
Khi mối đe dọa về một cuộc chiến thuế quan mới đang rình rập, các nhà phân tích cho rằng các nước Đông Nam Á cần đa dạng hóa thị trường của khối. Nhưng với một số nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang phải đối mặt với tình trạng bất ổn chính trị và suy thoái kinh tế, và các cường quốc Đông Á là Trung Quốc và Nhật Bản vẫn đang vật lộn với tình trạng giảm phát, việc tìm kiếm các đối tác thương mại mới sẽ không dễ dàng.
Malaysia có vẻ sẽ đạt được hiệu suất kinh tế mạnh mẽ vào năm 2024 khi ghi nhận mức tăng trưởng từ 4,8% đến 5,3%. Trong khi đó, chính phủ đang đặt mục tiêu tăng trưởng từ 4,5% đến 5,5% vào năm 2025. Để đạt được điều này, Malaysia phải tiếp tục thu hút FDI và thực hiện các cải cách cơ cấu để tăng thu nhập, giảm trợ cấp và mở rộng cơ sở doanh thu.
Mặc dù vậy, mối đe dọa về mức thuế quan cao hơn của ông Trump trong nhiệm kỳ thứ hai có thể là một trở ngại, nhưng Malaysia có thể vượt qua bằng cách đa dạng hóa các đối tác thương mại của mình và có chính sách rõ ràng hơn với đối tác thương mại hàng đầu là Trung Quốc.
Để làm được điều này, Malaysia cần duy trì sự ổn định chính trị trong nước. Bên cạnh đó, Giáo sư kinh tế của Đại học Sunway Yeah Kim Leng cho rằng: “Duy trì niềm tin của người tiêu dùng và nhà đầu tư, đồng thời thúc đẩy cả nguồn tăng trưởng trong nước và bên ngoài sẽ là chìa khóa để đạt được mức tăng trưởng 5% hoặc cao hơn vào năm 2025”.
Trong khi đó, Indonesia đang dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng 5,2% trong năm nay. Mặc dù mục tiêu khiêm tốn, nhiều ý kiến cho rằng chính phủ nước này cần giải quyết một số vấn đề nếu muốn đạt được mức tăng trưởng kinh tế mong muốn.
Đối với Indonesia, năm 2024 chứng kiến tình trạng giảm phát liên tiếp trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 9 cũng như tiêu dùng trong nước chậm lại. Tiêu dùng hộ gia đình ở Indonesia đóng góp ít nhất 50% GDP của đất nước này mỗi năm.
“Với quá nhiều bất ổn toàn cầu có thể gây tổn hại đến xuất khẩu, điều duy nhất giúp nền kinh tế Indonesia duy trì được là tiêu dùng trong nước”, ông Bhima Yudhistira, Giám đốc điều hành của Trung tâm nghiên cứu kinh tế và luật pháp (CELIOS) có trụ sở tại Jakarta nói.
Trước mắt, Tổng thống Indonesia Prabowo đã hứa sẽ tạo ra 19 triệu việc làm trong 5 năm tới bằng cách phục hồi ngành sản xuất đang trì trệ. Tổng thống Indonesia đã đặt mục tiêu tiến tới dừng xuất khẩu khoáng sản thô để chuyển sang giao dịch hàng hóa thành phẩm, tiếp tục chính sách của người tiền nhiệm Joko Widodo.
Nhưng tầm nhìn hạ nguồn của Indonesia sẽ đòi hỏi rất nhiều sự hợp tác và đầu tư từ các quốc gia khác. Indonesia không đủ hấp dẫn trong mắt nhiều nhà đầu tư so với các nước láng giềng như Malaysia, Thái Lan hay Việt Nam.
Để Indonesia hấp dẫn hơn, ông Prabowo cần tinh giản bộ máy hành chính, cung cấp các ưu đãi thuế và cải thiện chất lượng lực lượng lao động. Đồng thời để kích thích đầu tư, Indonesia cần sử dụng một phần nguồn lực tài chính của mình để thực hiện các cải thiện cần thiết.
Một trong những nền kinh tế có mức tăng trưởng ấn tượng trong khu vực là Việt Nam. Tiếp đà tăng trưởng ổn định trong quý III/2024, ngân hàng UOB đưa ra dự báo kinh tế Việt Nam quý IV tiếp tục tăng trưởng tốt. Theo đó, dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 6,4% trong năm 2024 và tăng lên mức 6,6% trong năm 2025.
Mặc dù vậy, cũng như các nước khác trong khu vực, mức thuế quan mà ông Trump dự kiến áp dụng có thể tác động phần nào đến Việt Nam, quốc gia phụ thuộc vào thương mại với cả Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Mặt khác, các nỗ lực xuất khẩu hàng hóa sang những thị trường lớn khác có thể sẽ không dễ dàng. Nhật Bản vẫn đang phải đối mặt với sự suy giảm kinh tế bắt nguồn từ tình trạng giảm phát kéo dài bắt đầu từ những năm 1990. Trong khi đó, Liên minh châu Âu đang chứng kiến dữ liệu kinh tế yếu kém và tăng trưởng trì trệ trong bối cảnh bất ổn chính trị ở Đức và Pháp và cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine.