Nhiều đồng tiền ở các quốc gia ASEAN đã phục hồi nhẹ trở lại bất chấp nguy cơ thuế quan từ Mỹ.
Đông Nam Á đang đứng trên bờ vực của một cuộc chiến tranh thương mại vào tuần trước khi lập trường lúc có lúc không của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump về thuế quan lên đến đỉnh điểm, khiến các loại tiền tệ trong khu vực chao đảo.
Chỉ số đô la Mỹ, thước đo giá trị của đồng bạc xanh so với rổ sáu loại tiền tệ chính – euro, yên, bảng Anh, đô la Canada, krona và franc – đã tăng khoảng 1% trước ngày 1 tháng 2, ngày mà các mức thuế đe dọa đối với Canada, Mexico và Trung Quốc được cho là có hiệu lực.
Đổi lại, các loại tiền tệ Đông Nam Á ban đầu suy yếu khi đồng đô la Mỹ tăng giá, nhưng sau đó đã mạnh lên so với đồng bạc xanh trong những ngày gần đây.
Abhay Gupta, chiến lược gia ngoại hối và lãi suất tại Bank of America Securities cho biết, các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào thương mại, tích hợp sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu và có thặng dư lớn với Hoa Kỳ thường dễ bị tổn thương hơn trước biến động tiền tệ.
Tuy nhiên, chuyên gia này nói thêm, đồng đô la Mỹ yếu hơn vào nửa cuối năm 2025 có thể hỗ trợ các loại tiền tệ châu Á, đặc biệt nếu tăng trưởng kinh tế trong khu vực vượt qua Hoa Kỳ.
Các chuyên gia đánh giá đồng đô la Singapore là một trong ba loại tiền tệ ít bị tổn thương nhất của ASEAN. Ông Darren Tay, người đứng đầu bộ phận quản lý rủi ro Châu Á - Thái Bình Dương tại BMI, gọi đây là lựa chọn hàng đầu của ông do khả năng phục hồi trước những cú sốc từ thuế quan của Mỹ.
Ông cho biết: "Đồng đô la Singapore được hưởng lợi từ dự trữ ngoại hối mạnh mẽ của Singapore và khả năng quản lý tỷ giá hối đoái của Cơ quan Tiền tệ Singapore".
Tuy nhiên, sự phụ thuộc lớn của quốc gia này vào thương mại cũng có thể là một điểm yếu tiềm tàng, với tỷ lệ thương mại trên tổng sản phẩm quốc nội là hơn 300%, một trong những tỷ lệ cao nhất thế giới.
Chuyên gia Gupta của BofA Securities cảnh báo rằng trong một kịch bản đồng nhân dân tệ mất giá 10% và thuế quan tăng ở mức tương tự, đồng đô la Singapore sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Ông cũng lưu ý thêm rằng nếu đồng nhân dân tệ giảm 10%, đồng đô la Singapore có thể mất giá khoảng 6,7%.
Khi nói đến thuế quan của Mỹ, Philippines phần lớn ít bị ảnh hưởng hơn so với các nước khác trong khối ASEAN; bất kỳ sự tổn thương nào về tiền tệ đều có thể do các yếu tố trong nước gây ra.
Một số chuyên gia cho rằng, Philippines đang thâm hụt kép trong tài khoản vãng lai và tài khóa, vốn từ lâu đã là yếu tố chính thúc đẩy sự biến động lớn của đồng tiền. Nhưng việc ngân hàng trung ương nước này truyền đạt rõ ràng về quỹ đạo chính sách tiền tệ của mình đã giúp giảm bớt sự biến động đối với đồng peso. Điều đó sẽ giúp làm giảm tác động từ thuế quan.
Kiều hối từ lao động ở nước ngoài tạo nên trụ cột chính của nền kinh tế Philippines, các dòng tiền này cũng giúp ổn định và củng cố giá trị đồng nội tệ. Tuy nhiên, lạm phát vẫn là điểm nóng đối với quốc gia này, nơi áp lực giá cả nằm trong số những áp lực cao nhất ở châu Á do phụ thuộc vào nhập khẩu, đặc biệt là thực phẩm.
Trong khi đó, tương tự như trường hợp của ngân hàng trung ương Singapore, uy tín của Ngân hàng Trung ương Malaysia sẽ có lợi cho đồng ringgit.
"Theo quan điểm của chúng tôi, triển vọng tăng trưởng tốt sẽ cho phép ngân hàng trung ương Malaysia duy trì trong suốt năm 2025, thay vì nới lỏng như các đồng tiền khác ở châu Á. Do đó, chênh lệch lãi suất sẽ có lợi cho đồng ringgit và cho phép đồng tiền này chống chọi tốt hơn với các cú sốc thuế quan", ông Gupta cho biết.
Mặc dù vậy, Parisha Saimbi, chiến lược gia về ngoại hối và thị trường địa phương cho khu vực châu Á tại BNP Paribas Global Markets lưu ý, đồng ringgit cũng tương đối nhạy cảm với đồng nhân dân tệ.
Việc đồng nhân dân tệ mất giá 10% sẽ dẫn đến đồng ringgit mất giá 4,8%, lớn hơn tác động đối với đồng won, rupiah, rupee, baht hoặc peso. Mặt khác, ngành công nghiệp bán dẫn là lĩnh vực có nguy cơ cao nhất do các mối đe dọa về thuế quan của ông Trump, cũng bao gồm các lĩnh vực kim loại, dược phẩm và ô tô.
Chuyên gia này xếp đồng rupiah là đồng tiền dễ bị tổn thương nhất trong số sáu đồng tiền của ASEAN; đồng thời trích dẫn sự bất ổn chính sách gia tăng, chủ yếu do chương trình nghị sự của Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto.
"Mặc dù chính phủ Indonesia đã cam kết hợp lý hóa chi tiêu trong ngân sách mới nhất, nhưng những lời kêu gọi liên tục của ông Prabowo về việc mở rộng chi tiêu có nghĩa là thị trường vẫn lo ngại về tính bền vững của tài khóa trong dài hạn", ông Saimbi nói. Thực tế là, việc chính phủ thắt chặt kiểm soát ngoại hối gần đây làm nổi bật tính dễ bị tổn thương của đồng rupiah.
Với Thái Lan, nền kinh tế mở và sự phụ thuộc lớn vào thương mại với Mỹ khiến đồng baht nhạy cảm hơn với các biến động thương mại toàn cầu và tâm lý rủi ro. Đây cũng là đồng tiền này dễ bị tổn thương thứ hai trong số sáu loại tiền tệ của ASEAN.
Chuyên gia Tay từ BMI cho biết, mặc dù đồng baht có lợi thế nhờ dự trữ ngoại hối mạnh, nhưng vẫn tồn tại sự không chắc chắn xung quanh Ngân hàng Trung ương Thái Lan do những xung đột với chính phủ về chính sách tiền tệ. Điều này có thể làm gia tăng biến động của đồng baht do tác động từ thuế quan.
Trong khi các mối đe dọa thuế quan trực tiếp có thể làm đồng tiền Việt Nam chao đảo trong ngắn hạn, các chuyên gia nhận định rằng, chính phủ sẽ có thể đàm phán với chính quyền Trump và cuối cùng tránh được việc tăng thuế thực tế.
Báo cáo ngày 3/2 của BMI về VND lưu ý rằng đồng tiền này dự kiến sẽ tăng dần lên mức trung bình 24.000 đổi 1 đô la Mỹ trong năm nay từ con số 25.386 của năm ngoái. Về lâu dài, công ty này kỳ vọng VND sẽ tăng giá thêm lên khoảng 23.700 vào năm 2026.
Điều này là do các nhà phân tích của BMI kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất trong khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giữ nguyên lãi suất trong năm nay, trước khi tăng lãi suất vào năm 2026.
Bên cạnh lợi thế về lãi suất mạnh hơn, tổ chức này cũng kỳ vọng triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ hơn và thặng dư thương mại lớn hơn sẽ hỗ trợ đồng tiền của Việt Nam.