Khi Hoa Kỳ tạm hoãn mức thuế 46% và khởi động vòng đàm phán thương mại song phương, hàng loạt doanh nghiệp Mỹ từ Nike, Boeing đến ExxonMobil “thở phào nhẹ nhõm”.
Các chuyên gia cho rằng, đây có thể là bước ngoặt giúp các doanh nghiệp của Mỹ “né” áp lực chi phí và củng cố chuỗi cung ứng.
Tín hiệu tích cực trong đàm phán thuế quan Việt – Mỹ
Trong cuộc gặp tại Washington mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc và Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer đã nhất trí khởi động đàm phán một hiệp định thương mại, đồng thời tạm hoãn áp dụng các mức thuế “qua lại” rộng khắp, bao gồm 46% với hàng Việt Nam, theo hãng thông tấn Reuters. Việc này đang mở ra cơ hội cho cả hai bên tháo gỡ rào cản phi thuế quan, hướng tới tăng cường đầu tư và thương mại song phương.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cam kết gia tăng mua sắm các sản phẩm Mỹ nhằm thu hẹp thâm hụt thương mại. Đồng thời, hai hãng hàng không Việt Nam đã ký các thỏa thuận tài trợ hàng tỷ USD với Citibank và AV AirFinance (KKR) để đặt mua Boeing 737 MAX và 787, thể hiện nỗ lực “cân bằng” quan hệ thương mại.
Thêm vào đó, Việt Nam đã thông báo cắt giảm thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng Mỹ như LNG và ôtô, đồng thời phê duyệt dịch vụ Starlink để thu hút đầu tư công nghệ cao. Ngành năng lượng cũng ghi nhận các cuộc thương thảo mua dầu thô và khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ, với PetroVietnam Power dẫn đầu các đàm phán. Các bước đi này không chỉ giảm thiểu căng thẳng mà còn là tín hiệu cho thấy Việt Nam sẵn sàng điều chỉnh chính sách để giữ vững đà tăng trưởng kinh tế.
Trước đó, Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã cùng lên tiếng kêu gọi hoãn thuế, cho rằng “giảm thuế cho hàng hóa vào Việt Nam và tới tay người tiêu dùng Mỹ mới là điều giúp doanh nghiệp và người tiêu dùng”. Ông John Mlynczak, CEO NAMM (Hiệp hội Nhạc cụ Mỹ) cũng cho rằng, việc giảm thuế sẽ cứu các ngành công nghiệp có biên lợi nhuận thấp khỏi cú sốc chi phí, đồng thời bảo vệ hàng ngàn việc làm tại Mỹ.
Doanh nghiệp nào của Mỹ sẽ được hưởng lợi?
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, Nike dẫn đầu trong nhóm doanh nghiệp hưởng lợi trực tiếp. Công ty đã sản xuất khoảng 50% giày dép và 28% hàng may mặc tại Việt Nam vào năm 2024. Dù cổ phiếu Nike đã giảm gần 18% trong tuần qua do lo ngại thuế quan, tuy nhiên chuyên gia David Swartz tại Morningstar analyst vẫn duy trì xếp hạng “mua” với giá mục tiêu 115 USD, kỳ vọng tăng 116% so với giá đóng cửa ngày 8/4.
Một trong những doanh nghiệp Mỹ có thể sẽ hương lợi nhiều nhất là gã khổng lồ hàng không Boeing. Việc ký kết các gói thỏa thuận thương mại hàng tỷ USD với Vietjet và Vietnam Airlines không chỉ đảm bảo doanh thu cho Boeing, mà còn là “bảo chứng” cho mối quan hệ chiến lược trong lĩnh vực hàng không. Số lượng 200 Boeing 737 MAX và khả năng bổ sung 20 chiếc 787 thân rộng tạo ra tiềm năng doanh thu lên tới hàng chục tỷ USD trong thập kỷ tới. Tuy nhiên, Boeing có thể sẽ phải đối mặt với thách thức trong bối cảnh đàm phán thuế vẫn chưa chốt hạ.
Trong lĩnh vực nông nghiệp và năng lượng, Việt Nam cũng đã cam kết tăng nhập khẩu nông sản Mỹ như đậu nành, bông và hạt có dầu, với kim ngạch 3,4 tỷ USD năm 2024. Đây là cơ hội lớn cho các tập đoàn như Cargill, Archer Daniels Midland (ADM) và Tyson Foods.
Bên cạnh đó, lĩnh vực năng lượng chứng kiến ExxonMobil, Chevron và các công ty LNG như Cheniere đẩy mạnh xuất khẩu sang Việt Nam, đặc biệt khi Việt Nam mới bắt đầu nhập khẩu LNG từ năm 2023 với 330.000 tấn năm ngoái, theo Reuters.
Ở lĩnh vực thiết bị công nghiệp và xây dựng cơ sở hạ tầng, Caterpillar, với vai trò cung cấp máy móc xây dựng và khai thác, cùng với GE trong mảng tuabin khí và đường ống, sẽ hưởng lợi từ kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng và năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Dự án điện gió và mặt trời trị giá trên 13 tỷ USD đang chờ phê duyệt, nếu việc đàm phán thuế quan thất bại, sẽ ảnh hưởng tới doanh thu của các nhà cung cấp Mỹ.
Trong lĩnh vực công nghệ và chuỗi cung ứng, Apple và các nhà lắp ráp iPhone như Luxshare, Foxconn cũng chịu tác động kép. Trong khi Luxshare cân nhắc dời một phần sản xuất sang Mỹ để “né” thuế, họ vẫn giữ Việt Nam là trung tâm nhờ hạ tầng vững chắc, dù đang bị áp thuế 46%. Foxconn đã đầu tư hơn 3,2 tỷ USD vào Việt Nam và tiếp tục mở rộng năng lực bo mạch in tại Bắc Ninh, Bắc Giang.
Nhìn chung, việc tạm hoãn thuế và khởi động đàm phán thương mại Việt – Mỹ đang mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Mỹ ở mọi lĩnh vực: từ may mặc, hàng không, nông nghiệp, năng lượng đến công nghệ. Đối với các công ty Mỹ, câu hỏi đặt ra không chỉ là “lợi ích tài chính” mà còn là khả năng thích ứng linh hoạt và xây dựng mối quan hệ bền vững với Việt Nam, một đối tác ngày càng quan trọng trong chiến lược thương mại toàn cầu.