Nghiên cứu - Trao đổi

Sửa Luật Doanh nghiệp: Cần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi

Bài: Gia Nguyễn - Ảnh: Quốc Tuấn 07/05/2025 04:30

Cùng với các đề xuất chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đang tồn tại, không ít ý kiến cho rằng, việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp, cần tạo được môi trường kinh doanh thuận lợi hơn nữa...

Theo đó, Chính phủ vừa có Tờ trình gửi Quốc hội về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp. Tại Dự thảo Luật (sửa đổi), hàng loạt quy định để xử lý các vướng mắc, bất cập đã được đưa vào.

sua-luat-doanh-nghiep-6.5.1.jpg
Chính phủ vừa có Tờ trình gửi Quốc hội về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp - Ảnh minh họa

Cụ thể, Dự thảo Luật sửa đổi các quy định để làm rõ thêm khái niệm về cổ tức, giá trị thị trường của phần vốn góp, cổ phần (khoản 5, 14 Điều 4). Việc sửa đổi này được cho sẽ phù hợp với các khái niệm trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp, phù hợp với thực tiễn triển khai; làm rõ việc xác định giá trị của cổ phiếu là giá bình quân trong 30 ngày đối với cổ phiếu niêm yết, đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch chứng khoán, tránh trường hợp cổ phiếu bị thao túng để điều chỉnh giá tăng cao hoặc thấp.

Bên cạnh đó, Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung hành vi bị nghiêm cấm gồm hành vi kê khai giả mạo (khoản 4 Điều 16). Việc sửa đổi này là cơ sở để xác định và có chế tài xử lý các hành vi bị cấm khi doanh nghiệp kê khai nội dung đăng ký doanh nghiệp (bao gồm: thông tin kê khai và chữ ký của thành viên, cổ đông…).

sua-luat-doanh-nghiep-6.5.2-61046fc215abee15252d125e654341b8.jpg
Không ít ý kiến cho rằng, cùng với các chính sách đã được đề xuất, việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp lần này, cần tạo được môi trường kinh doanh thuận lợi hơn nữa - Ảnh minh họa

Đặc biệt, theo điểm b, khoản 2, Điều 17, Luật Doanh nghiệp hiện hành không cho phép cán bộ, công chức, viên chức tham gia thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam (không có trường hợp ngoại lệ). Tuy nhiên, Dự thảo Luật (sửa đổi) đã đề xuất theo hướng cán bộ, công chức, viên chức (theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức) không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam, trừ viên chức quản lý làm việc tại tổ chức khoa học - công nghệ công lập, cơ sở giáo dục đại học công lập theo quy định của pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Cùng với việc thống nhất với nội dung Dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đang được Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 9, thì việc đề xuất quy định này nhằm phù hợp với Điều 4, Nghị quyết 193/2025/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Theo đó, Điều 4 cho phép chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ khi sử dụng ngân sách Nhà nước mà không đạt được kết quả hay gây ra thiệt hại sẽ được miễn trách nhiệm dân sự…

Đánh giá cao sự cần thiết và cấp bách trong việc sửa đổi Luật với đề xuất chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đang tồn tại, tuy nhiên, góp ý sửa Luật Doanh nghiệp, không ít ý kiến cũng cho rằng, việc sửa đổi cần tạo được môi trường kinh doanh thuận lợi.

Theo các chuyên gia, Nghị quyết 35/2016/NQ - CP về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đặt mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020. Tuy nhiên, đến cuối năm 2020, tổng số doanh nghiệp cả nước trên hệ thống đăng ký kinh doanh mới chỉ đạt khoảng 890.000. Theo ước tính của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, tính đến hết tháng 10/2024, cả nước có khoảng 921.372 doanh nghiệp (tăng 2,8%). Như vậy, với quy định bổ sung, đề xuất mở rộng đối tượng thành lập doanh nghiệp, số doanh nghiệp thành lập và hoạt động có thể sớm vượt qua con số 1 triệu doanh nghiệp đã từng kỳ vọng trước.

Còn theo TS Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược, ngoài sửa đổi Luật Doanh nghiệp theo hướng mở rộng đối tượng tham gia, quá trình cải cách hoạt động kinh doanh cần thực hiện từng bước một, trong ngắn hạn, trung hạn, dài hạn và làm đồng loạt, kết nối tổng thể. Trong thời gian tới, giảm bớt ngành nghề kinh doanh có điều kiện, thủ tục hành chính được số hóa.

“Cùng với sửa đổi Luật, cần có chính sách thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, giải pháp tăng sức mua trong và ngoài nước”, TS Nguyễn Minh Thảo chia sẻ.

Liên quan đến Dự thảo Luật này, trước đó, cho ý kiến thẩm tra, Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật, tuy nhiên đề nghị báo cáo, làm rõ tác động làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ khi quy định bổ sung trách nhiệm kê khai thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi khi thực hiện thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp và thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, nhất là về điều kiện bảo đảm mức độ đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để tăng tính thuyết phục của đề xuất sửa đổi, bổ sung.

Được biết, theo Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, dự kiến ngày 09/5 tới đây, Quốc hội sẽ nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về Dự án Luật này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sửa Luật Doanh nghiệp: Cần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO