Nghiên cứu - Trao đổi

Sửa Luật Doanh nghiệp: Đảm bảo đáp ứng cam kết quốc tế

Bài: Yến Nhung - Ảnh: Quốc Tuấn 27/04/2025 04:30

Một số ý kiến đề nghị quy định khái niệm về “chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp” như quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền nhằm đảm bảo đáp ứng cam kết quốc tế.

Theo Chính phủ, qua rà soát cho thấy có một số khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp và quản lý của nhà nước đối với doanh nghiệp cần phải sửa đổi.

Bên cạnh đó, ngày 30/6/2023, Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF) đã chính thức đưa Việt Nam vào Danh sách giám sát tăng cường (còn gọi là Danh sách Xám) về phòng, chống rửa tiền và phải thực hiện các hành động khắc phục do FATF chỉ định trong vòng hai năm (đến tháng 5/2025).

QT2_9509 (1)
Ngày 30/6/2023, Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF) đã chính thức đưa Việt Nam vào Danh sách giám sát tăng cường (còn gọi là Danh sách Xám) về phòng, chống rửa tiền

Một trong những hành động trọng tâm là “xây dựng cơ chế lưu giữ và cung cấp cho các cơ quan có thẩm quyền các thông tin đầy đủ, chính xác và cập nhật về chủ sở hữu hưởng lợi của pháp nhân; áp dụng các biện pháp xử lý một cách phù hợp, hiệu quả, tương xứng và có tính chất răn đe đối với các hành vi vi phạm”.

Do vậy, việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp được xác định là cần thiết và cấp bách, nhằm vừa tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, vừa khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc thực thi Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đó, Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi (Dự thảo) sửa đổi, bổ sung 24 nội dung, bao gồm 14 nội dung sửa đổi và 10 nội dung mới, liên quan đến lưu giữ, cung cấp, và chia sẻ thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi. Các quy định này không làm phát sinh thủ tục hành chính, giảm thiểu chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo thông tin đầy đủ, chính xác, và cập nhật cho cơ quan có thẩm quyền. Các biện pháp xử lý vi phạm được thiết kế phù hợp, hiệu quả và có tính răn đe, đáp ứng yêu cầu của FATF để đưa Việt Nam ra khỏi Danh sách Xám trước tháng 5/2025.

Nhất trí với sự cần thiết, cơ sở chính trị và cơ sở thực tiễn của việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp như đã nêu tại Tờ trình số 259/TTr-CP, song Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi đề nghị, cơ quan soạn thảo làm rõ thêm tác động của việc bổ sung trách nhiệm kê khai thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi khi thực hiện thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp hoặc khi thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm tăng tính thuyết phục cho đề xuất sửa đổi.

54 (1)
Một số ý kiến đề nghị quy định khái niệm về “chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp” như quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền nhằm đảm bảo đáp ứng cam kết quốc tế

Đồng thời, đề nghị quy định tại Dự thảo khái niệm về “chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp” như quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền về “chủ sở hữu hưởng lợi” để đáp ứng yêu cầu tại khuyến nghị của FATF, tránh gây khó khăn cho doanh nghiệp phải cung cấp thông tin theo các yêu cầu khác nhau tại Luật Doanh nghiệp và Luật Phòng, chống rửa tiền về cùng đối tượng chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp.

“Đồng thời, rà soát các quy định về trách nhiệm thu thập, lưu trữ, cung cấp thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp bảo đảm hợp lý, khả thi, đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp thực hiện các quyền về tự do kinh doanh với chi phí thấp”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính nhấn mạnh.

Đồng tình với cơ quan thẩm tra rằng khái niệm “chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp” cần được thống nhất với Luật Phòng, chống rửa tiền, chứ không nên mở rộng như trong Dự thảo, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) nhận định, việc tuân thủ các khuyến nghị của FATF có thể phát sinh chi phí tuân thủ, nhưng chi phí này không lớn so với “chi phí phải đánh đổi” nếu Việt Nam bị đưa vào danh sách đen của FATF.

“Đây cũng là trách nhiệm công khai của doanh nghiệp, nhưng quy định về quá trình công khai chắc cũng có lúng túng”, ông Đậu Anh Tuấn chia sẻ.

Về vấn đề này, bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội cũng đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa Luật Phòng, chống rửa tiền và Luật Doanh nghiệp cùng quy định về thuật ngữ pháp lý “chủ sở hữu hưởng lợi”. Đồng thời, cần rà soát các dự án luật đang đồng thời trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sửa Luật Doanh nghiệp: Đảm bảo đáp ứng cam kết quốc tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO