Đề xuất rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
Thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đang mất tới 2 – 3 năm làm khó doanh nghiệp, để thúc đẩy phát triển loại hình này, vấn đề giảm thủ tục hành chính đang vô cùng cấp thiết.
>>> Ngân hàng “làm khó” người mua nhà ở xã hội
>>> Cần cuộc đại cách mạng nhà ở xã hội
Thủ tục hành chính làm tắc nguồn cung NOXH
Trong một chia sẻ mới đây, ông Nguyễn Xuân Quang - Chủ tịch Tập đoàn Nam Long cho biết, một nghịch lý đang xuất hiện trên thị trường đó là dù nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn nhưng trong các báo cáo về thị trường bất động sản Việt Nam mới đây cho thấy các dòng sản phẩm hạng C hay nhà giá rẻ, nhà ở xã hội không còn thị trường.
Đây là điều rất đáng lo ngại, trong khi Việt Nam là quốc gia đang phát triển, đô thị hóa, quốc gia trẻ, nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn.
Ông Quang cho biết, bên cạnh lợi nhuận thấp, việc triển khai thủ tục hành chính luôn kéo dài từ 2 – 3 năm đang khiến các chủ đầu tư không mặn mà với loại hình này.
Trên thực tế, vấn đề thủ tục hành chính thời gian qua vẫn đang là rào cản với nhiều dự án nhà ở xã hội. Đơn cử như tại TP HCM, 2 dự án nhà ở xã hội là Lê Thành An Lạc và Lê Thành Tân Kiên đã vướng mắc mấy năm qua, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Trong đó, với dự án Lê Thành An Lạc, chủ đầu tư vướng phải hàng loạt khó khăn, vướng mắc về quyết định miễn tiền sử dụng đất và thời hạn sử dụng đất. Ngoài ra, dự án còn vướng về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; vay vốn ưu đãi; thế chấp dự án để vay vốn ngân hàng; chính sách thuế. Từ đó, doanh nghiệp không thể được cấp sổ hồng cho dự án để cầm cố vay ngân hàng ưu đãi theo quy định làm nhà ở xã hội, với lãi suất 4,8%/năm.
Trong khi đó với dự án Lê Thành Tân Kiên, theo quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà ở TPHCM giai đoạn 2016-2020, khu đất này ưu tiên để phát triển nhà ở xã hội, nhưng Công ty Lê Thành đã nộp hồ sơ xin quyết định chủ trương đầu tư dự án tại Sở Kế hoạch và Đầu tư từ tháng 3/2019 đến nay đã gần 2 năm nhưng vẫn chưa có “Quyết định chủ trương đầu tư” do vướng các khâu về chỉ tiêu quy hoạch và ranh đất thực hiện dự án.
Có thể bạn quan tâm |
Trái lại với tình trạng trên, tại riêng TP HCM và Hà Nội, nhà ở giá rẻ đang vắng bóng trên thị trường khi báo cáo quý của các đơn vị nghiên cứu liên tục chỉ ra tình trạng đáng báo động về thiếu nguồn cung. Bên cạnh đó, Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 cần tối thiểu khoảng 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội tại khu vực đô thị.
Giảm tải thủ tục hành chính cho doanh nghiệp
Theo ông Nguyễn Xuân Quang, để khơi thông thị trường này cần xây dựng chính sách riêng, đặc thù cho nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ hướng đến xã hội hóa. Đồng thời, giảm tải thủ tục hành chính để thu hút được nguồn lực đầu tư dự án.
Trong đó, nên đưa chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, chi phí đầu tư hạ tầng chính vào giá thành nhà ở xã hội. Điều chỉnh định mức chi phí đầu tư với nhà ở xã hội phù hợp với thực tế.
Mặt khác, thay việc miễn tiền sử dụng đất bằng việc không thực hiện tiền sử dụng đất với nhà ở xã hội để giảm tải quá trình xin miễn giảm của tất cả các Sở, Ban, ngành.
Đồng thời, ông Khoa cũng bổ sung, theo kinh nghiệm của Singapore và Hà Lan, bản chất không phải Nhà nước tài trợ tài chính mà chỉ xây dựng chính sách để các quỹ đầu tư, các quỹ tài chính được hợp tác với người mua nhà và doanh nghiệp sử dụng người lao động để tạo ra gói hỗ trợ người mua nhà.
Cần định nghĩa Chương trình nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ căn cứ trên diện tích sàn căn hộ, giá bán căn hộ để có chính sách ưu đãi phù hợp. Đặc biệt, cần điều chỉnh các tiêu chuẩn thiết kế quy hoạch, thiết kế công trình theo hướng tăng mật độ xây dựng, tăng hệ số sử dụng đất, tăng dân số từ 1,2 - 1,5 lần so với tiêu chuẩn hiện hành.
Bên cạnh đó, cần giảm thuế VAT cho người mua nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ, đồng thời triển khai các gói hỗ trợ tài chính cho người mua nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ.
Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM mới đây cũng đã có kiến nghị về quy trình đầu tư xây dựng đối với dự án nhà ở xã hội, trong đó xem xét tính toan lại thời gian thực hiện thủ tục về đất đai khoảng 10 ngày, đồng thời đề xuất quy trình gồm 4 bước, có thể rút ngắn được 35 ngày so với thời gian làm thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại.
Có thể bạn quan tâm