Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng nói gì về tình trạng xẻ đồi phân lô bán nền?
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng vừa cho biết nguyên nhân dẫn đến tình trạng núp bóng hiến đất để phân lô bán nền thời gian qua.
>>> Thanh tra Bộ Xây dựng vào cuộc vụ phân lô bán nền tại Lâm Đồng
>>> Nở rộ dự án ma, Lâm Đồng tạm dừng phân lô tách thửa
Xuất hiện lợi ích nhóm
Trả lời chất vấn cử tri tại kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Lâm Đồng khóa X, ông Trần Văn Hiệp - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng núp bóng hiến đất để phân lô đồi chè thời gian qua có lợi ích cá nhân, có lợi ích nhóm, có lợi ích cục bộ.
"Tình trạng phân lô, tách thửa trái pháp luật và mượn danh dự án đã nói rất nhiều nhưng vẫn còn xảy ra tại một số huyện, thành phố, đặc biệt là TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm. Đã có dấu hiệu lan sang huyện Di Linh và Lâm Hà nhưng chưa được kiểm tra, chưa được xử lý kiên quyết, tiếp tục diễn biến phức tạp, gây dư luận xấu và bức xúc trong nhân dân. Trong này có lợi ích cá nhân, có lợi ích nhóm, có lợi ích cục bộ, chúng tôi đã chuyển sang cơ quan điều tra để xác minh, để làm rõ" - ông Trần Văn Hiệp nhấn mạnh.
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin trước đó, tại Lâm Đồng, năm 2020, UBND TP Bảo Lộc đã công bố quy hoạch hướng đến mục tiêu phát triển Bảo Lộc và vùng phụ cận trở thành đô thị loại II, đô thị loại I vào năm 2035, đô thị sinh thái. Ngay lập tức, hàng loạt dự án bất động sản tung ra chào mời khách hàng đầu tư.
Trên các trang mạng xã hội, nhiều dự án tại khu vực TP Bảo Lộc được giới thiệu và quảng cáo rầm rộ như: Happy Valley Bảo Lộc, Jade Garden Hill Bảo Lộc, khu dân cư Nguyễn Đình Chiểu, Đamb’ri Hill Village Bảo Lộc... Hầu hết, các dự án trên được UBND TP này xác định là dự án ma.
Có thể bạn quan tâm |
Thị trường bất động sản nóng lên, thu hút nhiều cá nhân, doanh nghiệp, các nhà đầu tư đổ về gom đất. Giá đất tăng đột biến từ vài chục đến 100 triệu đồng/sào (1.000 m2), vượt xa giá đất trước đó. Thậm chí, có những đồi cao, có tầm nhìn đẹp để săn mây... lên đến cả tỉ đồng/sào khiến TP Bảo Lộc trở thành địa phương sốt đất nhất khu vực Tây Nguyên.
Đáng chú ý, mới đây Thanh tra Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng tổng hợp tình hình và báo cáo bằng văn bản theo các nội dung báo chí phản ánh về tình trạng phân lô bán nền diễn ra tại thành phố Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm.
Không phải chuyện cũ
Tuy nhiên, chiêu thức núp bóng hiến đất làm đường để phân lô bán nền không còn là chuyện cũ và đã xảy ra tại nhiều địa phương.
Đơn cử như trường hợp tại thị trấn Phù Mỹ, tỉnh Bình Định đã xảy ra trường hợp tương tự khi người dân hiến đất làm đương để phân lô bán nền. Trước tình trạng này Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã phải chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, chính quyền địa phương các cấp khẩn trương kiểm tra, nơi nào phê duyệt tách thửa theo điều kiện "hiến đất" để trục lợi chính sách như nói trên phải kiên quyết xử lý.
Cũng ghi nhận tình trạng tên, ông Lê Hoàng Châu - chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HOREA) cho biết tình trạng dùng chiêu "hiến đất làm đường" để phân lô, xẻ nhỏ đất nông nghiệp bán có trường hợp nổi bật nhất chính là công ty Alibaba. Tuy nhiên, sau khi công ty Alibaba bị xử lý thì không những mô hình này không bị dẹp đi mà còn bung ra với nhiều biến tướng.
Đồng quan điểm, theo luật sư Nguyễn Đăng Tư - Công ty luật Trí Law, ngoài việc các cá nhân, tổ chức lợi dụng kẽ hở pháp luật và sự thiếu hiểu biết của người mua, theo ông Tư, có cả trách nhiệm của chính quyền địa phương đã vô tình tạo điều kiện.
Thực tế, kết luận thanh tra của Thanh tra tỉnh Lâm Đồng trước đó cũng nhận định UBND TP. Bảo Lộc đã có biểu hiệu buông lỏng công tác quản lý sử dụng đất đai, quản lý hoạt động xây dựng hạ tầng nhằm tách thửa của một số cá nhân trên địa bàn. Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh có dấu hiệu buông lỏng công tác thẩm định hồ sơ, cố ý bỏ qua các sai phạm trong quá trình thẩm định hồ sơ và đề nghị Sở TN&MT ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau khi tách thửa cho các trường hợp không đảm bảo điều kiện.
Trong khi đó, hệ lụy của tình trạng này cũng rất lớn, tác động xấu đến thị trường bất động sản. Thực tế là đã có nhiều nhà đầu tư tin vào các dự án ma này và mất tiền oan và tiềm ẩn nguy cơ hình thành những khu dân cư phá vỡ quy hoạch chung.
Theo Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu, các hoạt động liên quan đến bất động sản, trong đó có như chia lô, tách thửa hay chuyển đổi mục đích sử dụng chịu sự điều chỉnh của nhiều luật như Luật Kinh doanh bất động sản, Dân sự, Đất đai… cùng nhiều văn bản dưới luật khác. Tuy nhiên, sự chồng chéo trong các quy định và kẽ hở trong Luật kinh doanh bất động sản, thiếu những quy định kiểm soát hoạt động phân lô bán nền, hoạt động xảy ra trước khi ký hợp đồng giao dịch bất động sản dẫn đến tình trạng phân lô tách thửa tràn lan, núp bóng hiến đất làm đường để phân lô lừa bán cho nhiều người.
Ông Châu đề nghị phải bổ sung thêm các quy định rõ ràng về đặt cọc. Cần sửa Luật dân sự về giá trị đặt cọc giữa hai bên để ngăn chặn nguồn cơn của việc này.
Đồng thời, cần tăng cường các biện pháp giám sát, kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm. Đặc biệt tăng cường giám sát, kiểm tra các cơ quan, cán bộ, viên chức có trách nhiệm trong việc quản lý sử dụng đất đai.
Thanh tra Bộ Xây dựng vào cuộc vụ phân lô bán nền tại Lâm Đồng
00:25, 30/11/2021
“Lấy học sinh làm trung tâm, thầy cô làm động lực”
16:57, 14/11/2021
Lâm Đồng: Khám nghiệm hiện trường, điều tra việc phân lô, tách thửa
19:00, 26/10/2021
Diễn biến phức tạp ở Bảo Lộc (Lâm Đồng): Tiếp tay cho phân lô bán nền?
00:07, 24/10/2021