Xu hướng IPO của các doanh nghiệp bất động sản
Các chuyên gia cho rằng dòng tiền sẽ tiếp tục đổ vào bất động sản trong năm tới, đặc biệt sẽ xuất hiện xu hướng IPO và huy động vốn trên thị trường chứng khoán.
>>> Không để dòng tiền từ gói hỗ trợ kinh tế chảy vào đầu cơ bất động sản
>>> Đổi mới thuế bất động sản
Chia sẻ mới đây, ông Nguyễn Quốc Anh – Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết, trong thời điểm dịch bệnh, do việc hạn chế di chuyển và tiếp xúc nên các hoạt động mua bán nhà đất bị đình trệ tạm thời, dòng tiền có xu hướng chuyển dịch sang chứng khoán.
Tuy nhiên, khi kết thúc giãn cách đã xuất hiện dòng tiền không nhỏ rút từ các lĩnh vực khác đổ vào bất động sản để tìm cơ hội đầu tư.
THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN HÚT DÒNG TIỀN
Đặc biệt, ông Quốc Anh cho biết dòng tiền này có xu hướng rút về Hà Nội và các tỉnh miền Bắc thay vì “Nam tiến” như trước. Cụ thể, so sánh thị trường giữa Hà Nội và TP.HCM trong năm 2021 cho thấy giá rao bán nhà riêng tại Hà Nội tăng khoảng 12% so với năm 2020. Trong khi đó, giá rao bán tại Thành phố Hồ Chí Minh chỉ tăng khoảng 2%.
Bên cạnh đó, mức độ quan tâm, tìm kiếm nhà mặt phố bán tại Hà Nội cũng được ghi nhận mức tăng 42% so với năm 2019, trong khi TP HCM giảm 33%.
Dữ liệu lớn của Batdongsan.com.vn cũng cho thấy, tại thị trường đất nền, mức độ quan tâm tăng dần vào cuối năm 2021, lượt tìm kiếm đất nền tại Hà Nội tăng khoảng 19%, trong khi tại Thành phố Hồ Chí Minh giảm 8%.
Đáng chú ý, một khảo sát thực hiện bởi Batdongsan.com.vn với 1.000 người mới đây cũng cho thấy có tới 92% người có nhu cầu mua nhà trong tương lai, 44% người dự định mua bất động sản trong 1 - 2 năm tới.
Có thể bạn quan tâm |
Cũng ghi nhận hiện tượng trên, TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho biết mặc dù chịu tác động lớn bởi đại dịch, song thị trường bất động sản vẫn nhiều triển vọng. Trong đó giá bất động sản hầu như không giảm, ngược lại bất động sản nhà ở còn tăng từ 5-9%, tùy địa bàn. Bên cạnh đó, giá bất động sản công nghiệp cũng tăng từ 3-18%, tùy từng địa phương.
Ông Cấn Văn Lực cho biết, nguồn vốn tín dụng bất động sản quý 3/2021 tăng khoảng 6% so với cuối năm 2020, tổng dư nợ tín dụng bất động sản khoảng 2 triệu tỷ đồng. Trong 11 tháng năm 2021, tổng vốn FDI đăng ký mới vào bất động sản đạt gần 2 tỷ USD (chiếm khoảng 11%)…
Vị chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam đẩy mạnh đầu tư công, việc triển khai hàng loạt dự án hạ tầng có quy mô lớn sẽ tạo động lức giúp thị trường bất động sản hút dòng vốn đầu tư.
XU HƯỚNG IPO VÀ HUY ĐỘNG VỐN TRÊN SÀN CHỨNG KHOÁN
Đáng chú ý, ông Nguyễn Quốc Anh cũng chia sẻ thêm, gần đây dòng vốn chảy vào thị trường bất động sản còn được biết đến thông qua việc phát hành khối lượng lớn trái phiếu, cũng như sự tăng nóng của cổ phiếu doanh nghiệp bất động sản.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Anh, với chính sách siết chặt tín dụng và ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp, trong thời gian tới, doanh nghiệp địa ốc sẽ chuyển sang xu hướng chủ đạo là IPO.
Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cũng cho rằng, giai đoạn 5 – 10 năm tới, việc chứng khoán hóa bất động sản thông qua các quỹ đầu tư và phát triển các đồng tiền kỹ thuật trong lĩnh vực địa ốc cũng sẽ được quan tâm.
Đồng quan điểm, ông Lê Vũ Trường, Lãnh đạo Dịch vụ Tư vấn Kế toán Tài chính, EY Đông Dương cũng cho rằng xu hướng IPO và huy động vốn trên sàn chứng khoán sẽ là xu hướng tất yếu trong thời gian tới. Tuy nhiên, ông Lê Vũ Trường cho biết, việc IPO có đem lại hiệu quả hay không sẽ phụ thuộc vào chính sự chuẩn bị của bản thân các doanh nghiệp. Bởi đây là kênh huy động vốn hiệu quả nhưng khi đã lên sàn mọi thứ phải minh bạch, các thông tin của doanh nghiệp phải thật rõ ràng.
Đồng tình quan điểm, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao của CBRE chia sẻ: “Nguồn vốn chính là xương sống của doanh nghiệp và đặc biệt thời gian vừa qua dịch bệnh đã ảnh hưởng rất lớn đến dòng tiền của các doanh nghiệp. IPO là một kênh rất ưu việt và phát triển rất tốt trên thế giới. Tại thị trường Việt Nam, mặc dù là một thị trường rất phát triển nhưng mà số lượng các doanh nghiệp niêm yết trên sàn vẫn chưa có nhiều, chiếm tỉ trọng thấp ở trong khu vực”.
Ông Trường cho rằng, để làm tốt câu chuyện hút vốn, gọi vốn từ các nhà đầu tư, phải hiểu rõ khẩu vị của nhà đầu tư. Để làm điều đó phải xây dựng chiến lược nền tảng phát triển bền vững từ bản thân doanh nghiệp: Có chính sách nhân sự cạnh tranh; hệ thống thông tin minh bạch rõ ràng; cấu trúc tinh gọn và hợp lý; phân quyền phù hợp; quy trình hiệu quả; chiến lược khác biệt...
Có thể bạn quan tâm
Không để dòng tiền từ gói hỗ trợ kinh tế chảy vào đầu cơ bất động sản
11:00, 06/12/2021
Cơn sốt đổ tiền thật mua bất động sản ảo
05:00, 13/12/2021
Đổi mới thuế bất động sản
15:00, 12/12/2021
Giải mã sức nóng đầu tư bất động sản biển
08:00, 11/12/2021
Diễn biến thị trường bất động sản thời “tiền rẻ”
11:00, 09/12/2021