Các chuyên gia lo ngại dòng tiền từ gói kích thích kinh tế sẽ chuyển vào đầu cơ bất động sản, chứng khoán, lặp lại lịch sử những năm 2008 – 2009.
>>> Thông tư 16/2021 gây khó, cổ phiếu bất động sản vẫn dậy sóng
>>> “Rộng cửa” đón FDI vào bất động sản du lịch
Chia sẻ mới đây tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nan 2021: Phục hồi và phát triển bền vững, ông Đặng Hồng Anh, chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam cho biết, mặc dù doanh nghiệp rất mong có gói hỗ trợ, kích cầu kinh tế, song việc triển khai, sử dụng như thế nào cho hiệu quả cũng cần được tính toán kỹ càng.
Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam lấy dẫn chứng từ bài học gói kích cầu lên tới 122.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2008 - 2009, dù đã giúp đất nước vượt qua khủng hoảng, thế nhưng kèm theo đó cũng là những hệ lụy to lớn khi dòng tiền ít chảy vào sản xuất, mà chảy vào đầu cơ bất động sản, chứng khoán, vàng, nên hậu quả lạm phát tăng cao, bất ổn vĩ mô, kìm hãm sự phục hồi kinh tế.
Nguyên nhân của việc này chính là chính sách đúng đắn nhưng thực hiện thiếu đồng bộ, thiếu giám sát, dẫn tới thất thoát, tiêu cực, thậm chí tác dụng ngược, không đến đúng đối tượng.
Cùng quan điểm, ông Hoàng Văn Cường, phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân, lo ngại khi tốc độ chuyển vốn vào các hoạt động đầu tư phát triển, như giải ngân đầu tư công, tăng trưởng tín dụng hiện đều đang chậm, giải ngân đầu tư công mới đạt hơn 70%, khả năng về đích giải ngân năm nay khó đạt được. Tăng trưởng tín dụng mới hơn 8%, thấp so với kỳ vọng. Trong khi đó dòng tiền này chảy vào các lĩnh vực đầu cơ, rủi ro như bất động sản, chứng khoán.
Vị chuyên gia cho biết, chứng khoán tăng trưởng nóng, trong khi kinh tế tăng trưởng thấp là biểu hiện của dòng tiền đổ vào làm giá chứ không phải thực chất do lợi nhuận doanh nghiệp tăng.
“Đầu tư 100 đồng thì giá trị tạo ra chỉ khoảng 79 đồng, hơn 20 đồng còn lại đang đi đâu đó, và thường số tiền thất thoát đầu tư này sẽ vào tiêu dùng, khiến lạm phát tăng. Nguy hiểm hơn tiền này chảy vào các lĩnh vực đầu cơ, rủi ro như bất động sản, chứng khoán”, vị chuyên gia lo lắng.
Có thể bạn quan tâm |
Thực tế, dịch bệnh COVID - 19 đã gây ảnh hưởng nặng nề đến ngành kinh tế, các gói kích cầu được kỳ vọng là giải pháp để cung ứng dòng tiền cho hoạt động sản xuất kinh doanh được tái khởi động trở lại do thời gian dài bị gián đoán vì dịch bệnh. Ngăn ngừa khủng hoảng kinh tế gia tăng.
Song, từ đầu năm tới nay, nền kinh tế đã chứng kiến sự tăng trưởng “thần tốc” của thị trường chứng khoán khi đạt cột mốc lịch sử 1.500 trong tuần vừa rồi. Trong khi đó, bất động sản liên tục chứng kiến các cơn sốt đất cục bộ, tiếp theo đó là giá nhà tăng cao, dòng tiền chảy vào thị trường thông qua trái phiếu 72.000 tỷ đồng, chiếm 40% tổng giá trị phát hành của trái phiếu doanh nghiệp trong 9 tháng đầu năm. Theo đó, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính cũng đã đưa ra những cảnh báo về sự tăng trưởng đáng báo động này.
Đáng chú ý, để siết dòng tiền chảy vào thị trường địa ốc thông qua trái phiếu, mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 16/2021/TT- NHNN thay thế Thông tư số 22/2016/TT-NHNN và Thông tư số 15/2018/TT-NHNN quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua trái phiếu doanh nghiệp.
Cũng ghi nhận thực trạng trên, nhiều chuyên gia trước đó cũng đã bày tỏ lo ngại, dòng tiền dưới sự “hỗ trợ” từ gói kích cầu kinh tế có thể khó kiểm soát và chảy vào 2 thị trường này.
Trên thực tế, thừa nhận mặt trái của gói kích cầu kinh tế, tại phiên chất vấn của các đại biểu Quốc hội chiều 11/11 vừa qua, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, trong lịch sử, giai đoạn 2008 – 2009, dù mục tiêu của gói chính sách đó là kích cầu đầu tư, sản xuất, an sinh xã hội, nhưng do không kiểm soát tốt, thiếu đồng bộ giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, khi hỗ trợ lãi suất lớn, tiền không chảy vào sản xuất, mà chảy vào chứng khoán, bất động sản.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, hậu quả là gây ra nhiều ảnh hưởng về ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát tăng cao trong thời kỳ này. Năm 2010, lạm phát là 9,2% còn năm 2011 là 18,6%.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, gói kích thích kinh tế giai đoạn tới phải thực hiện đồng bộ, hiệu quả, kịp thời, bảo đảm ổn định, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số ngành, lĩnh vực có khả năng phục hồi. Hỗ trợ cho dòng tiền và ổn định tài chính và huy động các nguồn lực quốc tế khác. Đặc biệt là phải có kiểm soát rủi ro, có giám sát chặt chẽ trong thực hiện.
Đồng quan điểm, theo Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam, cần tăng cường giám sát theo tinh thần “từ xa, từ sớm” ngay từ khâu xây dựng chính sách, đánh giá hiệu quả quá trình triển khai gói hỗ trợ. Cách làm này đặc biệt phù hợp với các chính sách kích cầu kinh tế. Vì cho phép chính sách được cập nhật, điều chỉnh kịp thời khi gặp những vướng mắc, vấn đề phát sinh trong thực tiễn, tránh “sự đã rồi”.
Trong khi đó, theo ông Hoàng Văn Cường, đi cùng với tăng nguồn đầu tư, phải có giải pháp để tăng giải ngân đầu tư công, tăng vốn tín dụng và kiểm soát dòng tiền đi vào các lĩnh vực cần thiết.
Theo Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân, cần thay đổi phương thức tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp để tăng hấp thụ vốn tín dụng. Theo đó, ngân hàng không nên tập trung vào tài sản thế chấp, tài sản bảo đảm… mà phải đồng hành cùng doanh nghiệp, giải ngân vay theo các hợp đồng sản xuất.
Trong bối cảnh đặc biệt, vị chuyên gia cũng đề xuất giải pháp “đặt hàng” tư nhân giải ngân đầu tư công, chứ không chỉ các cơ quan Nhà nước như quy trình truyền thống.
“Đây là giai đoạn Chính phủ cần dùng vốn đặt hàng để phát triển những ngành trụ cột như nhà ở, đường sắt đô thị, dịch vụ hậu cần tàu biển” - GS.TS Hoàng Văn Cường đề xuất.
Có thể bạn quan tâm
Ba yếu tố thúc đẩy nhu cầu bất động sản nhà ở trong năm 2022
00:15, 04/12/2021
Thông tư 16/2021 gây khó, cổ phiếu bất động sản vẫn dậy sóng
03:00, 03/12/2021
Khơi thông nguồn vốn cho thị trường bất động sản
03:00, 02/12/2021
Chuyển đổi số quy hoạch bất động sản chặn sốt ảo
13:30, 30/11/2021
Lành mạnh hóa thị trường trái phiếu doanh nghiệp bất động sản
03:00, 29/11/2021