"Phong trào" đấu giá đất đang tăng tốc tại các địa phương: Lợi bất cập hại
Việc Thủ tướng Chính phủ yêu cầu rà soát công tác đấu giá đất cho thấy động thái rất kịp thời và cần thiết trong bối cảnh “phong trào” đấu giá đất đang tăng tốc tại các địa phương.
>> Thấy gì từ cuộc đấu giá đất “vô tiền khoáng hậu” tại Thủ Thiêm?
>> Tràn lan đấu giá đất kiểu “lúa non” ở Hà Tĩnh
Câu chuyện “lợi hại” của đấu giá đất đang làm dậy sóng dư luận sau phiên đấu giá “vô tiền khoáng hậu” 04 lô đất tại KĐT mới Thủ Thiêm với mức giá trúng lên đến 2,4 tỷ đồng/m2 cũng đồng thời đưa Việt Nam vào danh sách những địa điểm có giá bất động sản được xác lập thuộc TOP cao nhất nhì thế giới.
TĂNG TỐC ĐẤU GIÁ ĐẤT
Thời gian qua, cùng với việc giá bất động sản tăng nóng các địa phương cũng tăng tốc trong việc tổ chức đấu giá đất. Các cuộc đấu giá được tổ chức liên tục và những kỷ lục về giá trúng liên tục được thiết lập mặt bằng giá mới.
Bên cạnh lợi ích nhãn tiền là đem về nguồn thu đáng kể cho ngân sách trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 khiến nhiều ngành nghề khác bị ảnh hưởng nghiêm trọng các chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại liệu các địa phương có đang “quá đà” trong việc đấu giá đất.
Ghi nhận của PV cho thấy, khu vực bán kính chưa đến 2km quanh Phố chợ thuộc Thị trấn Lương Sơn (huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) đã có đến 3 vị trí vừa tổ chức đấu giá đất. Đáng nói, các khu vực đấu giá đất này gần như đã được các doanh nghiệp, tổ chức đấu giá “trọn lô” sau đó tổ chức phân lô bán nền với hàng trăm lô đất được các sàn môi giới rao bán rầm rộ.
Không chỉ tại Hòa Bình, các địa phương khác như Bắc Giang, Thanh Hóa,… thậm chí tại Thành phố Hà Nội, các phiên đấu giá đất cũng diễn ra liên tục và người tham gia hầu hết không phải là người dân đang sinh sống quanh các khu vực đấu giá đất. Lực lượng tham gia chủ yếu của các cuộc đấu giá đất là các nhà đầu tư cả chuyên nghiệp và không chuyên với hy vọng có thể kiếm lời từ việc bán chênh ngay sau khi trúng đấu giá.
Bên cạnh những vấn đề đặt ra trước mắt như việc người trúng đấu giá bỏ cọc khi không tìm được người để “sang tay” như đã diễn ra tại nhiều địa phương thì theo các chuyên gia, việc các địa phương “đua nhau” đấu giá đất cũng đặt ra nhiều hệ lụy lâu dài cho nền kinh tế.
LỢI BẤT CẬP HẠI
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, GS. Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng đầu tiên, phải xác định việc đưa đất ra thị trường là để phục vụ quá trình đầu tư, phát triển. Việc đấu giá đất không phải là để thu tiền mà nó phải căn cứ vào kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương.
Có thể bạn quan tâm |
"Các địa phương cần xác định rõ, nếu bán đất lấy tiền chẳng qua là đem tài nguyên ra để “ăn”. Trong khi, mục tiêu hàng đầu là phải phục vụ quá trình đầu tư phát triển sao cho mang lại hiệu quả KT-XH tốt nhất. Do đó nó phải căn cứ vào kế hoạch, quy hoạch, chiến lược đầu tư phát triển, rồi phải sử dụng sao cho tiết kiệm, đạt hiệu suất sử dụng cao nhất" - GS. Võ chỉ rõ.
Cũng theo Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT việc đấu giá đất ồ ạt đôi khi chỉ thỏa mãn việc tăng ngân sách địa phương trong giai đoạn trước mắt, tương lai sẽ không còn chỗ để thu. Theo đó, nhất thiết hoạt động đấu giá đất phải được căn cứ vào quy hoạch phát triển.
Việc đấu giá đất phải thực hiện theo cách thức có điều kiện, người tham gia đấu giá phải là những người thiếu nhà ở thực sự tại địa phương, không thể cho các thành phần ở tất cả các nơi ồ ạt đến đấu rồi để đất không.
"Về quan điểm chính sách, đất đai phải là yếu tố phục vụ cho phát triển tại địa phương, căn cứ trên các chiến lược, kế hoạch phát triển KT-XH rồi quy hoạch cụ thể trên bề mặt đất như thế nào mới là những luận cứ để đưa đất ra đấu giá" - ông Võ nhận định.
Chia sẻ quan điểm trên, PGS.TS Doãn Hồng Nhung, Giảng viên cao cấp Khoa Luật Đại học QGHN cho biết hiện nay hệ thống hành lang pháp lý quy định về việc đấu giá đất dù đã có nhưng đi vào thực thi còn chưa bám sát, còn có sự “linh hoạt” nhất định khiến đấu giá đất không phải để đáp ứng những mục tiêu ban đầu.
"Trong thời gian tới, nhất là sau khi có công điện của Thủ tướng, các địa phương cần tiến hành tổng kết lại vấn đề đấu giá đất. Sau đó mỗi địa phương cần có đối sách phù hợp trong việc thực thi chính sách đấu giá đất hiện nay bởi hậu quả của việc đấu giá đất tràn lan là triệu tiêu các nguồn lực phát triển của các địa phương trong tương lai" - PGS.TS Doãn Hồng Nhung bày tỏ.
Có thể bạn quan tâm
Rà soát hoạt động đấu giá đất gây nhiễu thị trường
03:00, 22/12/2021
Thị trường địa ốc TP HCM sẽ lập mặt bằng giá mới sau vụ đấu giá đất kỷ lục?
15:59, 16/12/2021
Vụ đấu giá đất Thủ Thiêm: Mục tiêu bình ổn thị trường nhà ở bị đe dọa
20:42, 14/12/2021
Thấy gì từ cuộc đấu giá đất “vô tiền khoáng hậu” tại Thủ Thiêm?
10:00, 12/12/2021