Hà Nội có cần sân bay thứ 2?
Thay cho Ứng Hòa, Hà Nội đang nghiên cứu vị trí xây sân bay thứ hai tại các huyện phía đông và đông nam như Phú Xuyên, Thường Tín, Thanh Oai...
>>Hà Nội bỏ quy hoạch sân bay thứ hai tại Ứng Hòa, vị trí mới ở đâu?
Trước đây, TP Hà Nội đề xuất vị trí sân bay thứ hai tại huyện Ứng Hòa do đây là một trong bốn địa điểm sân bay được xác định trong quy hoạch Vùng thủ đô. Song hiện nay, thành phố xác định sơ bộ khu vực Ứng Hòa không phù hợp.
Bình luận về đề xuất xây sân bay thứ hai ở Hà Nội, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, việc đầu tư vào một hạ tầng có kinh phí lớn như sân bay cần đánh giá nhu cầu thực sự cần thiết chưa, vị trí đặt ở đâu; tránh hiện tượng tỉnh nào cũng có sân bay rồi không khai thác hết công suất khiến nguồn lực lớn bị lãng phí.
Việc xây dựng sân bay phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt cần nguồn đầu tư rất lớn. Hà Nội cần lập đề án nghiên cứu khảo sát để đánh giá toàn diện trước khi có đề xuất chính thức. "Không nhất thiết Hà Nội là Thủ đô thì phải có hai sân bay dân sự mà cần tính đến các yếu tố hỗ trợ, kết nối các địa phương trong vùng”, ông Long nói.
TS. Nguyễn Bách Tùng - Nguyên Chủ tịch kiêm giám đốc Công ty Xây dựng công trình hàng không, Bộ Quốc phòng cũng bày tỏ quan điểm phải thận trọng. Trước mắt, Hà Nội chưa cần thêm một sân bay dân dụng. Nhưng trong tương lai với Thủ đô, nhất là vùng Thủ đô đông dân như Hà Nội cũng nên có thêm một sân bay để hỗ trợ. Và việc đề xuất quy hoạch vị trí sân bay để phục vụ nhu cầu phát triển trong tương lai, chứ không phải là đầu tư ngay.
Về vị trí, TS. Nguyễn Bách Tùng cho biết Sở Quy hoạch - kiến trúc Hà Nội dẫn đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 có nội dung thuyết minh đồ án có nghiên cứu 4 phương án về vị trí đặt sân bay thứ hai cho Hà Nội.
Bao gồm, tại khu vực huyện Lý Nhân (tỉnh Hà Nam), cách trung tâm Hà Nội 60 - 65km. Tại huyện Ứng Hòa (Hà Nội), cách trung tâm Hà Nội 35 - 40km. Tại huyện Thanh Miện và Bình Giang (tỉnh Hải Dương), cách trung tâm Hà Nội 45 - 50km. Tại huyện Tiên Lãng (Hải Phòng), cách trung tâm Hà Nội khoảng 120km.
>>Loạn bãi xe “5 không” tại sân bay Nội Bài: TP Hà Nội vào cuộc
"Với vị trí tại huyện Ứng Hòa cần nghiên cứu kỹ vì có những điểm bất lợi, như khu vực này nằm ở đường xuống của máy bay tiếp cận hạ cánh sân bay Nội Bài. Do đó khi máy bay đến đây đã bay tầm thấp để chuẩn bị hạ cánh. Ngoài ra, trong khu vực còn có một dãy núi theo hướng tây bắc - đông nam nên làm sân bay cũng theo hướng này, đầu ra của máy bay sẽ vòng vào trung tâm Hà Nội, vướng vào vùng cấm bay của TP. Thêm nữa, khu vực Ứng Hòa là vùng trũng, bị ảnh hưởng lũ sông Đáy và có diện tích đất trồng lúa lớn nên cần đầu tư hạ tầng giao thông kết nối nhiều..." - TS. Nguyễn Bách Tùng phân tích.
Còn ở Lý Nhân đỡ giao cắt với máy bay tiếp cận sân bay Nội Bài nhưng thuộc vùng hạ lưu sông Hồng, dân cư đông đúc. Với điều kiện như vậy cũng khó thực hiện dù người dân Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình tiếp cận sân bay ở đây gần hơn.
Với vị trí quy hoạch sân bay tại Hải Dương, có khả năng kết nối dân cư tương tự Lý Nhân. Nhưng nên bố trí sân bay mới ở Hải Dương, có hướng biển. Còn khu vực nào thì cần xác định cụ thể.
Riêng với khu vực Tiên Lãng, trước đây đã có nghiên cứu quy hoạch sân bay Tiên Lãng. Ở đây có lợi thế là đất rộng tới 6.000ha, không đông dân cư, nhưng lại là đất bãi bồi nên đầu tư sân bay phải tốn nhiều tiền. Nếu xây dựng sân bay ở Tiên Lãng cần bỏ sân bay Cát Bi hiện nay.
“Từ những phân tích trên, theo tôi, để quy hoạch, xây dựng một sân bay thứ 2 cho Hà Nội ở đâu, quy mô ra sao là một việc lớn, cần sự phối hợp nghiên cứu của Hà Nội với nhiều cơ quan liên quan”, TS. Nguyễn Bách Tùng nói.
Có thể bạn quan tâm