Sóng gió đầu năm bao phủ cổ phiếu bất động sản
Dù được đánh giá là ngành có triển vọng tốt nhưng cổ phiếu của các doanh nghiệp bất động sản vừa có một màn “chào năm 2022” đầy sóng gió sau liên tiếp 2 sự kiện “bất khả kháng”.
>>>Siết thuế chuyển nhượng bất động sản: Chuyện cũ vẫn nóng
>>>Kịch bản thị trường bất động sản 2022 sau cơn “địa chấn” Thủ Thiêm
Sóng gió phủ cổ phiếu BĐS
Kết thúc phiên giao dịch ngày 21/1, thị trường chứng khoán chứng kiến sự bất ngờ lớn nhất là nhóm cổ phiếu bất động sản, khi hàng loạt những mã cổ phiếu trong nhiều ngày liên tiếp giảm sàn đã tăng kịch trần.
Tại nhóm cổ phiếu bất động sản, các mã giảm sàn liên tiếp “bỗng dưng” tăng trần, đáng chú ý nhất là những mã thuộc họ FLC như FLC và AMD, trong khi HAR cũng tăng 4,4%. Ngoài ra, các mã BII, CEO, CKG, DIG, DRH, FID, HD6, HDC, HQC, IDJ, KAC, LDG, LGL, PTL, PVL, SCR, SGR, VRC cũng kết phiên giá trần.
Tuy nhiên, dù cổ phiếu tăng trần nhưng các nhà đầu tư đang sở hữu cổ phiếu của các doanh nghiệp BĐS lại "chưa thể cười" do trước đó nhóm các cổ phiếu này đã có chuỗi ngày dài nằm sàn, mất thanh khoản liên tục sau tác động kép của liên tiếp 2 sự kiện Chủ tịch Tập đoàn FLC bán chui cổ phiếu và thông tin Tập đoàn Tân Hoàng Minh bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm.
Từ sau phiên ngày 11/1, hàng loạt cổ phiếu bất động sản bị xả không thương tiếc, dẫn đầu là các cổ phiếu “họ FLC” như FLC, ROS, AMD,… sau đó hiệu ứng “domino” đã lan ra toàn thị trường và gần như toàn bộ cổ phiếu liên quan đến bất động sản, xây dựng đều đua nhau nằm sàn.
Theo thống kê, chỉ sau loạt phiên giảm sàn liên tục vừa qua, nhiều cổ phiếu BĐS, Xây dựng có thời điểm đã mất đến hơn 50% thị giá. Đơn cử, cổ phiếu mã FLC đã có lúc chạm mức giá 24.100/cp. Sau chuỗi ngày nằm sàn và gần như mất thanh khoản, đến ngày 21/1, cổ phiếu này đã có lúc chạm giá 11.300/cp dù kết phiên đã bất ngờ bật tăng trở lại.
Mã CEO của Tập đoàn CEO từ mức giá đỉnh 100.000 đồng/cp ngày 10/1 thì đến phiên ngày 20/1, tức chỉ sau 9 phiên đã có lúc xuống đến mức giá 46.800 đồng/cp.
Một trường hợp khác là của cổ phiếu DIG của Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng, tại phiên giao dịch ngày 10/1 đã có lúc cổ phiếu này lên mức giá 125.200/cp, tuy nhiên cũng chỉ sau 9 phiên giao dịch, cổ phiếu này đã có lúc chạm mức giá 72.500/cp.
Theo các chuyên gia phân tích, dù đã có tín hiệu hồi phục với sự vào cuộc của lực cầu bắt đáy và giá đã tăng trở lại nhưng nhà đầu tư đã trót “đu đỉnh” cổ phiếu của các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng vừa qua sẽ có thể mất khá nhiều thời gian mới có thể hy vọng “về bờ”.
Lý giải cho nhận định trên, một chuyên gia của SSI Research phân tích, sau khi một cổ phiếu đã giảm 50% thì để trở về mức giá ban đầu thì chính cổ phiếu đó phải tăng lại 100%.
Cũng theo các chuyên gia, việc cổ phiếu của các doanh nghiệp bất động sản vừa qua có đợt điều chỉnh rất mạnh ngoài yếu tố bị tác động của của 2 sự kiện bất khả kháng nói trên thì còn có thể đến việc các cổ phiếu này đã tăng khá nóng trong quý IV/2021 dẫn đến việc điều chỉnh.
Thị trường sẽ có sự thanh lọc
Sau những biến động mạnh của thị trường chứng khoán những ngày vừa qua đã khiến không ít nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu BĐS bị “sang chấn” theo các chuyên gia sắp tới thị trường sẽ bắt đầu có sự thanh lọc.
Cụ thể, với những doanh nghiệp BĐS không có nội tại tốt và vừa qua cổ phiếu chỉ tăng tăng giá “theo phong trào” thì có thể sẽ không lên trở lại nữa.
Có thể bạn quan tâm |
Với những doanh nghiệp có tiềm lực, có quỹ đất và phương án kinh doanh tốt thì sau khi điều chỉnh thị giá cổ phiếu có thể lên trở lại, tuy nhiên còn phụ thuộc vào kết quả hoạt động, gần nhất là báo cáo kết quả kinh doanh quý IV/2021.
Nhận định về triển vọng của các cổ phiếu BĐS trong năm 2022, ông Lã Giang Trung, CEO Passion Investment cho rằng trong bối cảnh giá đất sẽ có thể tiếp tục tăng nên ngành bất động sản có triển vọng tốt trong thời gian tới. Tuy nhiên, những cổ phiếu bất động sản nào tăng giá quá nhanh so với triển vọng thực tế sẽ phải điều chỉnh cho phù hợp. Trong khi đó những cổ phiếu bất động sản nào đang ở mức vừa phải sẽ có tiềm năng, ông Trung nhận định.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, việc các cơ quan quản lý, đặc biệt là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã và đang có những động thái tăng cường kiểm soát, giám sát, xử lý việc tuân thủ các quy định của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp BĐS cũng sẽ giúp cảnh báo cho thị trường những doanh nghiệp yếu kém và “có vấn đề”.
Cụ thể, mới đây, CTCP Louis Capital (mã CK: TGG) và CTCP Phát triển Đô thị Từ Liêm (Lideco, mã CK: NTL) vừa bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt tổng cộng 302,5 triệu đồng cùng với lý do chậm công bố thông tin và không đảm bảo cơ cấu nhân sự cấp cao theo quy định trong lĩnh vực chứng khoán.
Xét ở tầm nhìn trung và dài hạn, trong năm 2022, các nhà đầu tư và chuyên gia vẫn có đánh giá lạc quan về nhóm cổ phiếu địa ốc. Gói kích thích kinh tế lớn được kỳ vọng sớm trở thành hiện thực, cùng với đó là việc đẩy mạnh các dự án đầu tư công, nhất là những dự án hạ tầng trọng điểm sẽ tạo nên sức bật cho thị trường bất động sản tại nhiều vùng, miền.
Tuy nhiên, theo khuyến nghị của một số công ty chứng khoán, hiện tại là lúc nhà đầu tư cần định giá lại cổ phiếu, từ đó chọn ra những mã chưa tăng nhiều và định giá còn thấp so với ngành, đồng thời xem xét quỹ đất, dự án mà doanh nghiệp đang triển khai để có cái nhìn toàn diện và lựa chọn được cổ phiếu tốt.
Có thể bạn quan tâm